Nghệ An nâng cao chất lượng VSATTP
Xác định được tầm quan trọng của thực phẩm đối với sức khỏe con người, công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành trong tỉnh. Đơn cử như TX Thái Hòa, hiện trên địa bàn thị có hơn 3.100 hộ đăng ký sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 6 chợ và hàng chục khách sạn, nhà nghỉ lớn nhỏ đang hoạt động. Thế nhưng, nhờ làm tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, trong năm qua, thị xã Thái Hòa không để xảy ra vụ ngộ độc hàng loạt nào. Để có kết quả đó, bên cạnh tăng cường công tác truyền thông nâng caao nhận thức cho người dân, thị xã đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng VSATTP trên địa bàn.
Kiểm tra vệ sinh ATTP ở một cơ sở kinh doanh (Ảnh: CANA) |
Trong năm qua, vấn đề ô nhiễm thực phẩm, dịch lợn tai xanh, trâu bò lở mồm long móng có nhiều diễn biến phức tạp, do vậy, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã triển khai các hoạt động chuyên môn nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm trên mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và ngay cả thức ăn đường phố. Đặc biệt, công tác truyền thông đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong các dịp lễ, tết được xem là một trong các hoạt động trọng tâm không thể thiếu được nhằm nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm trong cộng đồng. Trong đó, chú trọng các đối tượng là người sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, người tiêu dùng. Các hoạt động truyền thông được thực hiện với nhiều hình thức như: truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn, cấp phát tờ bướm, tờ rơi... Bên cạnh đó, tổ chức trên 100 đợt tập huấn kiến thức cho các cán bộ làm công tác ATVSTP với hơn 4.400 người tham gia; tập huấn cho trên 800 người tại các cơ sở sản xuất kinh doanh và bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố Vinh.
Song song với công tác truyền thông, trong năm qua, công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm cũng được tăng cường hơn. UBND tỉnh đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra chuyên ngành tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Các huyện, thành phố thành lập 20 đoàn kiểm tra liên ngành, đã kiểm tra được 16.716 cơ sở. Qua đó đã phát hiện được hơn 3.000 cơ sở có vi phạm, đã tiến hành nhắc nhở, cảnh cáo 718 cơ sở, phạt tiền 240 cơ sở.
Từ việc tăng cường công tác truyền thông cũng như công tác thanh kiểm tra, nhận thức của người dân và các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực thực phẩm đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Ông Đào Trọng Dũng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Nghệ An khẳng định: Công tác truyền thông đã giúp người dân nói “không” với những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song công tác bảo đảm chất lượng ATVSTP trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Đáng chú ý là hiện tượng vi phạm kinh doanh thực phẩm hết hạn, thực phẩm kém chất lượng chủ yếu ở các huyện miền núi vẫn còn; Công tác truyền thông về kiến thức, các văn bản quy phạm pháp luật về VSATTP chưa được thường xuyên, mới tập trung vào những tháng cao điểm. Bên cạnh đó, người sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế khó khăn, nên sự nắm bắt thông tin và nhận thức về thực phẩm còn hạn chế; tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn còn xảy ra... Chỉ tính riêng trong năm qua, trên địa bàn cả tỉnh đã xảy ra 9 vụ ngộ độc làm 255 người mắc, trong đó, có 2 trường hợp tử vong. Các trường hợp tử vong đều do người dân sử dụng thực phẩm có chứa chất độc tự nhiên như nấm độc, rau cỏ rừng, thịt cóc… Để khắc phục tình trạng này, Chi cục AT VSTP đã có nhiều giải pháp. Ông Đào Trọng Dũng - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Nghệ An cho hay: Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về ATVSTP không chỉ cho người dân mà cho cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh; Tăng cường công tác thanh kiểm tra và có hình thức xử phạt thích đáng đối với các cơ sở vi phạm ATVSTP.
Để chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được nâng cao, thời gian tới, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức truyền thông; phối hợp liên ngành tăng cường công tác thanh, kiểm tra; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ các tuyến; xây dựng mô hình điểm về ATVSTTP, phấn đấu đạt mục tiêu trong năm 2011 hạ thấp tỷ lệ ngộ độc thực phẩm xuống dưới 6/100.000 dân, giảm 30% số ca tử vong do ngộ độc thực phẩm; trên 50% số người tiêu dùng, người trực tiếp sản xuất thực phẩm có hiểu biết đúng và thực hành đúng về VSATTP, trên 70% cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm đạt tiêu chuẩn điều kiện VSATTP theo quy định.
(Hiến Chương)