Nước mắt từ Libya
Giọt nước mắt của người thân khi lao động từ Lybia về nước an toàn
|
Chúng tôi đến gia đình ông Đặng Trọng Hòa ở xóm Văn Trai, xã Long Thành thì được biết, người con trai của ông là Đặng Trọng Hoàng vừa mới từ đất nước Libya trở về an toàn. Trong căn nhà nhỏ của ông những ngày qua luôn đông bà con, anh em lối xóm đến thăm hỏi, động viên và nghe những câu chuyên của người lao động Việt Nam ở Libya. Nhưng trong những câu chuyện của họ luôn ám ảnh nỗi lo về khoản nợ 40 triệu đồng vay ngân hàng để đi xuất khẩu lao động. Sau 8 tháng nhọc nhằn lao động trên đất nước Libya, anh Hoàng chưa tích góp được mấy để gửi về trả nợ thì xảy ra biểu tình, bạo loạn buộc anh phải về nước. Từ một công nhân có việc làm ổn định, với mức lương hàng tháng từ 7-10 triệu đồng, giờ đây, anh Hoàng đã trở thành người mất việc. Ông Đặng Trọng Hòa không giấu được sự lo lắng: Hiện tại, số nợ vay ngân hàng vẫn chưa trả hết, tôi mong muốn có sự giúp đỡ để khoanh nợ cho gia đình và giúp đỡ cháu có công ăn việc làm mới.
Theo báo cáo nhanh của phòng lao động - thương binh và xã hội, hiện huyện Yên Thành có 78 lao động đi xuất khẩu lao động tại đất nước Libya. Tính đến nay, đã có 15 lao động trở về nước, gồm xã Đức Thành: 4 người, Long Thành: 2 người, Thịnh Thành: 5 người và Vĩnh Thành: 4 người. Đa số những người đi xuất khẩu lao động đều phải vay mượn của ngân hàng từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Không có công ăn việc làm, những ngày sắp tới, đời sống của những lao động trở về và gia đình họ sẽ ra sao, khi mà trước đó hi vọng về một sự đổi đời đều đặt cả vào chuyến đi làm ăn ở Libya. Bà Trần Thị Thanh Xuân - Phó trưởng phòng lao động - thương binh và xã hội huyện cho biết: Để người lao động trở về ổn định cuộc sống lâu dài, phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện tạo việc làm, hoặc giúp họ đi lao động ở nước nước khác.
Việc làm cho người lao động Libya sau khi trở về đang là vấn đề nan giải cho nhiều địa phương. Trong tổng số hơn 10.000 lao động Việt Nam làm việc trên đất nước Libya, thì riêng tỉnh Nghệ An đã có 1.700 lao động và gần 200 lao động đã về nước an toàn. Chính vì vậy, ngoài sự trông chờ những chủ trương, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, các địa phương cần sớm có những giải pháp kịp thời để giúp người lao động sau khi về nước sớm ổn định cuộc sống và giảm bớt gánh nặng về nợ nần.
(Hoàng Hiếu - Trần Minh)