Vì cuộc chiến phòng chống bệnh lao
Bệnh viện Lao và phổi Nghệ An
|
Sau hơn 1 tháng nằm điều trị tại khoa Nội, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Nghệ An, anh Nguyễn Văn Thanh, bệnh nhận Lao ở Hà Tây đã hồi phục dần, sức khỏe tiến triển đáng kể. Anh phấn khởi cho biết: Khi vào đây, anh không đi nổi, phải có người dìu, qua một thời gian điều trị, nhờ sự chăm sóc tận tình của các y bác sỹ ở đây, anh đã khá hơn, đã tự đi lại được.
Đó cũng là cảm nhận chung của các bệnh nhân hiện đang nằm điều trị tại BV Lao và bệnh phổi đối với các y, bác sỹ ở đây. Bệnh viện hiện có 255 giường bệnh, trong đó có 50 giường ngoại trú, 12 giường cấp cứu tích cực, 10 giường điều trị lao/ HIV. Tuy vậy, hàng năm, công suất giường bệnh đều đạt và vượt từ 3%-20%, số bệnh nhân cấp cứu ngày càng tăng nhưng số ca tử vong tại viện đã giảm từ 30% – 40%, số ngày điều trị trung bình giảm được 1,9% so với năm 2009. Hoạt động xét nghiệm, siêu âm, X-quang đều tăng và có chất lượng hơn nên đã giúp cho công tác chẩn đoán, điều trị nhanh và có hiệu quả. Để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân, đơn vị luôn duy trì và thực hiện tốt y đức và văn hóa ứng xử nghề nghiệp. Qua kiểm tra, hàng năm, Bệnh viện đều được Sở y tế và địa phương, đặc biệt là người bệnh đánh giá cao về tinh thần phục vụ của cán bộ viên chức trong đơn vị. Kết quả, trong năm qua, tổng số bệnh nhân Lao các thể được phát hiện là 1.074 ca, trong đó, bệnh nhân Lao phổi AFB (+): 494, đạt 33% KH. Việc phát hiện bệnh nhân lao chủ yếu dựa vào xét nghiệm đờm trực tiếp. Chất lượng phát hiện ngày càng được nâng cao nhờ đội ngũ y, bác sỹ có kinh nghiệm và trang thiết bị đầy đủ.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thế nhưng công tác phát hiện nguồn lây còn gặp rất nhiều khó khăn bởi nhiều lý do khác nhau như: Sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế; xã hội vẫn còn kỳ thị với bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh lao thường dấu bệnh không đi khám. Bên cạnh đó, do thay đổi mô hình tổ chức mạng lưới y tế cơ sở, hoạt động chống lao đã gặp không ít những khó khăn, đội ngũ cán bộ làm công tác lao tại các tuyến, đặc biệt là tuyến huyện biến động lớn; các chỉ số hoạt động chương trình như: Phát hiện nguồn lây thấp, tỷ lệ điều trị khỏi giảm, bệnh nhân bỏ dở điều trị tăng… Đây cũng là nguyên nhân khiến cho một số bệnh nhân lao chỉ được phát bệnh tại tuyến tỉnh khi bệnh đã nặng. Tỷ lệ điều trị lao khỏi bệnh đang có chiều hướng sụt giảm. Những năm trước, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lao của tỉnh đạt tới 94,8%, năm 2009 là 92,5%; Nhưng năm nay kết quả chỉ đạt 87%. Trong khi đó, bệnh viện lại luôn ở tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, cả đơn vị có tổng số 175 cán bộ, CNV thì chỉ có 22 bác sỹ, 2 dược sỹ đại học.
Cùng với những khó khăn trên, công tác phòng chống lao còn gặp những khó khăn như: sự quan tâm của xã hội đối với công tác chống lao chưa nhiều. Bên cạnh đó, hoạt động xã hội hoá công tác chống Lao còn chậm; công tác truyền thông Giáo dục sức khỏe về bệnh Lao mới chỉ tập trung ở một số khu vực dân cư như: Thành phố, đồng bằng, dẫn tới hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao. Ngoài ra, sự quan tâm của các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể và các tổ chức xã hội đối với công tác chống bệnh lao chưa thường xuyên. Sự phối hợp Y tế công lập và Y tế ngoài công lập trong công tác phòng chống bệnh Lao còn nhiều hạn chế.
Bệnh lao hiện nay có thể chữa khỏi hoàn toàn, đặc biệt, bệnh nhân lao đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế công được miễn phí hoàn toàn và được phát thuốc đầy đủ. Vì vậy, người dân không nên kỳ thị bệnh nhân lao vì nguy cơ lây lan của căn bệnh này được ngăn ngừa ngay sau khi người bệnh được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu.
(Hiến Chương)