Bài học từ vụ sập mỏ đá Lèn Cờ
Cheo leo phận người nơi mỏ đá này... |
Việc khai thác mỏ đá Lèn Cờ gắn với đời sống kinh tế của hàng trăm hộ dân không chỉ trong xã Nam Thành mà còn nhiều xã khác trên địa bàn huyện Yên Thành từ nhiều năm nay. Thế nhưng, thay cho việc phải tuân thủ những quy trình khai thác, đảm bảo an toàn lao động một cách nghiêm ngặt; thì chủ mỏ đến các chủ bến thuê, vì lợi nhuận trên hết, đã mặc nhiên để cho những người lao động chưa một ngày được tập huấn về kỹ thuật và an toàn lao động luôn làm việc trong tình trạng mất an toàn. Cả núi đá được khoét sâu từ dưới chân để mìn chỉ phải nổ ít, tốn ít tiền mà sản lượng đá lại được nhiều. Và hậu quả 18 người chết, 6 người bị thương chỉ trong chốc lát là một cái giá quá đắt.
Tại huyện Yên Thành có đến 9 mỏ đá được UBND tỉnh cấp phép, hầu hết các mỏ này chủ yếu là khai thác đá xây dựng. Tuy nhiên, do việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa thường xuyên nên các chủ mỏ coi nhẹ vấn đề an toàn lao động. Và hầu như năm nào cũng có tai nạn xảy ra ở đây vì không chấp hành ATVSLĐ.
Theo các cơ quan chức năng, hiện nay, có một thực trạng là nhiều doanh nghiệp khai thác mỏ chỉ có khoảng 1/3 số người là công nhân chính thức của doanh nghiệp được nộp bảo hiểm y tế, còn lại chủ yếu là lao động hợp đồng theo thời vụ nông nhàn. Một số doanh nghiệp còn tuyển dụng những lao động phổ thông vào làm và cho đi tập huấn 1- 2 tuần rồi tham gia khoan đá và nổ mìn.
Để biện hộ cho việc làm ẩu, làm trái quy định của mình, nhiều doanh nghiệp cho rằng nếu làm đúng quy trình thì lỗ, trong khi mỏ đá chỉ được cấp phép 5 năm, phải mất thời gian làm các thủ tục giấy tờ, đầu tư nhiều tiền để mua dây chuyền thiết bị.
Việc khai thác không đúng quy trình, gây mất an toàn lao động là “chuyện thường ngày” ở các mỏ đá. Sau vụ sập mỏ đá Lèn Cờ, người trực tiếp gây nên cái chết thương tâm của 18 lao động lam lũ là ông Phan Công Chín - chủ DNTN Chín Mến đã được các cơ quan chức năng kịp thời xử lý. Thế nhưng, dư luận nhiều ngày qua đang nhức nhối với vấn đề cấp phép - quản lý sau cấp phép và trách nhiệm của các cấp chính quyền điạ phương sẽ bị xử lý như thế nào.
Đi tìm câu trả lời cho vấn đề trên, chúng tôi gặp lãnh đạo UBND huyện Yên Thành thì nhận được sự biện minh: công tác quản lý các mỏ khoáng sản là một việc làm hết sức khó khăn. Sự bất cập là ở chỗ thẩm quyền cấp phép mỏ đá là cấp tỉnh và bộ, còn cấp huyện là đơn vị quản lý trực tiếp nhưng chỉ được kiểm tra an toàn lao động, môi trường; khi phát hiện vi phạm thì mới chỉ xử lý hình thức nhắc nhở xử phạt hành chính và tham mưu cho cấp trên về biện pháp xử lý - Ông Nguyễn Đức Thiện, Trưởng phòng tài nguyên môi trường UBND huyện Yên Thành cho biết.
Chúng tôi tiếp tục đến phòng tài nguyên khoáng sản – Sở Tài nguyên Môi trường Nghệ An, được biết, Công ty TNHH Chín Mến được cấp giấy phép khai thác mỏ đá Lèn Cờ số 1399/ QĐ.UBND.ĐC ngày 32.4.2007; và được cấp gia hạn khai thác lần hai vào ngày 19.8.2010. Cho tới ngày sập mỏ đá kinh hoàng (1/4/2011), Sở Tài nguyên Môi trường chưa một lần thanh tra, kiểm tra mỏ đá này!
Lý giải cho thực trạng trên, ông Lê Quang Huy - Phó trưởng phòng tài nguyên khoáng sản - Sở Tài nguyên Môi trường Nghệ An cho biết: hiện nay, phòng có 7 cán bộ quản lí 265 mỏ khoáng sản, trong đó, có 119 mỏ đá xây dựng được UBND tỉnh và Bộ tài nguyên môi trường cấp phép. Chính vì vậy, hàng năm việc tiến hành kiểm tra là rất ít và khi tai nạn xảy ra thì cũng chỉ có thể nghiêm túc rút kinh nghiệm!
Với cách thức quản lý của chính quyền địa phương và ngành chức năng như vậy, việc xảy ra tai nạn thảm khốc như vụ sập mỏ đá Lèn Cờ là điều khó tránh khỏi.
Để nhanh chóng khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Nghệ An vừa có Quyết định số 1058 thành lập 3 đoàn với sự tham gia của các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công thương, Lao động thương binh xã hội, các huyện và một số ngành khác có liên quan kiểm tra về hoạt động khai thác, chế biến đá các loại tại một số địa phương trong tỉnh từ ngày 13/4 đến ngày 5/5. Nhiều chủ mỏ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở các địa bàn có nhiều mỏ đá như Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu đã nhận thức được mức độ nguy hiểm của việc không khai thác đúng quy trình và chấp hành an toàn lao động nên đã tạm dừng khai thác để làm công tác an toàn lao động.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, thường các hoạt động kiểm tra chỉ có tác dụng nhất thời, khi các đoàn kiểm tra qua đi, các đợt kiểm tra kết thúc thì họat động khai thác mỏ lách luật lại lặp lại vì các chủ mỏ luôn hướng tới lợi nhuận cao nhất cho mình.
Bài học rút ra từ vụ sập mỏ đá Lèn Cờ tuy không phải là mới, nhưng thiết nghĩ cũng cần phải nhắc lại: Đó là các ngành chức năng và chính quyền các cấp cần làm đúng trách nhiệm hơn trong công tác từ cấp phép đến quản lý, thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp sau cấp phép. Phải xử phạt nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định của pháp luật; kể cả biện pháp thu hồi giấy phép, đóng cửa mỏ.
Từ vụ tai nạn thảm khốc ở mỏ đá Lèn Cờ, một lần nữa dóng lên hồi chuông báo động, về ý thức chấp hành pháp luật và lương tâm của không ít doanh nghiệp khai thác đá. Xin đừng vì lợi nhuận mà bất chấp quy trình khai thác, dẫn đến cái chết của những người lao động nghèo khó. Và mỗi một người lao động, xin hãy biết quan tâm thật nhiều hơn đến sự an toàn của chính mình trong quá trình làm việc, nhất là những nơi nhiều nguy hiểm như tại các mỏ khai thác đá. Có như vậy, hy vọng chúng ta sẽ không phải một lần nữa nhắc đến hai từ “giá như” và không còn phải đau xót trước những nỗi đau tận cùng của bao số phận sau những vụ việc kinh hoàng như sập mỏ đá Lèn Cờ.
(Đức An)