Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Cần tăng cường sự phối hợp trong PCCC rừng

17:04, 23/04/2011
Năm 2010, Nghệ An đã phải hứng chịu đợt hạn hán lịch sử trong nhiều thập kỷ qua, làm thiệt hại nặng nề đến sản xuất nông nghiệp. Đây còn là nguyên nhân khách quan gây ra nhiều vụ cháy rừng lớn. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận lại, những vụ cháy rừng không chỉ là do ảnh hưởng của điều kiện khí hậu, đây còn là trách nhiệm của các ngành các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ và

 

 

Dọn thực bì để PCCR (Ảnh minh họa)

 

 

Dọn dẹp lau lách, phát cây bụi, thu dọn thực bì là công việc thường xuyên được các hộ dân được giao đất, giao rừng của bản Quang Yên, xã Tam Đình, huyện Tương Dương tiến hành khi bước vào đầu mùa nắng nóng. Đây là những biện pháp nhằm ngăn ngừa có hiệu quả các vụ cháy có thể xảy ra. Công việc này cũng đã được sự tham gia tích cực, tự giác của nhiều hộ dân khi họ đã nhận thức được những lợi ích của rừng: Nếu rừng không được bảo vệ thì không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường mà nguồn sống, nguồn thu nhập từ rừng sẽ mất.

 

Thời kỳ cao điểm dễ xảy ra cháy rừng cũng là bước vào mùa đốt nương làm rẫy. Vì vậy, ngoài việc tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát, lực lượng kiểm lâm và Ban chỉ huy phòng chống cháy rừng các xã thường xuyên về trực tiếp các hộ gia đình, các chủ rừng để tuyên truyền về công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng, giám sát thực hiện giải pháp đốt nương rẫy an toàn. Ông Lữ Văn Chôm – Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Tương Dương cho biết: Vào thời điểm này, lực lượng kiểm lâm địa bàn bắt buộc phải bám sát dân để kiểm tra việc thực hiện công tác phòng chống cháy rừng,     tăng cường phối hợp việc tập huấn, giám sát đốt nương rẫy an toàn.

 

Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, sự thay đổi về nhận thức của đồng bào các dân tộc ở các huyện miền núi, đã phục hồi diện tích hoang hóa và làm giảm được thấp nhất các thiệt hại do cháy rừng gây ra.

 

Trong khi đó, ở các huyện đồng bằng, trong năm qua, đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn. Chỉ trong năm 2010, cả tỉnh đã xảy ra 38 vụ cháy rừng, với tổng diện tích là 229,78ha. Riêng tại xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên chỉ trong vòng từ ngày 24/6 đến 7/7 đã xảy ra liên tục 3 vụ cháy lớn. Còn tại xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc xảy ra vụ cháy 35ha rừng diễn ra từ ngày 28 đến sáng 29/6 mới được dập tắt. Với huyện Nam Đàn, trong năm 2010 đã xảy ra 13 vụ cháy rừng tại 10 xã trong đó có 5 vụ cháy rừng giáp ranh, thiêu rụi trên 43ha rừng. Trong số đó có 8 vụ cháy lan từ các địa bàn khác sang, do phương tiện thiếu, địa hình dốc, lực lượng và phương tiện chữa cháy khó tiếp cận nên không được dập tắt kịp thời. Thực tế này cho thấy, ngoài nguyên nhân khách quan do điều kiện khí hậu thì công tác phòng chống cháy rừng ở nhiều địa phương đang là vấn đề nan giải.

 

Như vậy, ngoài những bất cập trong công tác tuyên truyền cùng với nhận thức yếu của một số bộ phận nhân dân thì việc dự báo trước tình hình và các phương án phòng chống cháy rừng ở nhiều địa phương vẫn chưa bám sát thực tế. Đây cũng là những vấn đề được đặt ra trong hội nghị triển khai công tác PCCCR vùng giáp ranh năm 2011 tại huyện Nam Đàn vào tháng 3 vừa qua. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh cũng như nghành các nghành chức năng trong phòng chống cháy rừng năm 2011 là cần phải tăng cường, phối kết hợp chặt chẽ từ nhiều phía, nhất là ở các địa bàn vùng giáp ranh giữa các huyện, các tỉnh, có nguy cơ cao. Cần phải đổi mới trong nhận thực, cũng như công tác chỉ đạo từ phía người dân lẫn chính quyền các địa phương, theo quan điểm phòng là chính. Ông Nguyễn Thọ Cảnh – Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết: Sở giao cho các huyện ký kết hợp đồng với các đơn vị lực lượng vũ trang để khi xảy ra cháy rừng có thể kịp thời báo và huy động lực lượng dập tắt; tiến hành đốt thực bì chủ động, có sự kiểm soát đối với các diện tích rừng cây bụi, lau lách. Với các địa phương, cần phải nâng cao trách nhiệm, xây dựng các phương án phòng chống cháy rừng phải có cơ sở thực tế, không chỉ là nằm trên giấy tờ. Đây là vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm nay.

 

Cháy rừng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm suy giảm tài nguyên rừng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, phải hàng chục năm mới có thể phục hồi nguyên hiện trạng. Từ những bài học các địa phương miền núi cũng như thực tế năm 2010, công tác phòng cháy chữa cháy rừng năm 2011 của cả tỉnh đang là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu và trở thành vấn đề cấp bách, nhất là khi biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống con người và việc bảo vệ tài nguyên rừng nói chung và công tác phòng chống cháy rừng đang ngày một khó khăn hơn.

 

(Thái Dương)