Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ An đẩy lùi bệnh sốt rét

10:06, 25/04/2011
Bệnh sốt rét đã gây nguy hiểm cho nhân loại từ cổ xưa và hiện nay đang tiếp tục có mặt ở 40% dân số thế giới. Mỗi năm có khoảng 350 - 500 triệu người trên thế giới mắc bệnh này, trong đó có hơn 1 triệu người tử vong, chủ yếu là trẻ em. Tại Việt Nam, bệnh sốt rét đã từng gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển con người. Và nếu như không có sự quyết tâm của ngành y tế, của toàn

 

Những năm đầu thập kỷ 90, Nghệ An có đến hơn 100.000 bệnh nhân sốt rét, mỗi năm, gần 1.000 người tử vong. Các khu vực thường xảy ra dịch sốt rét là địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện sống của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Thời điểm này, nguy cơ sốt rét càng tăng cao khi điều kiện phòng chống sốt rét của các trung tâm y tế miền núi không mấy thuận lợi. Đồng bào miền núi có tập quán du canh, du cư, sinh sống dựa vào núi rừng, môi trường sống không sạch sẽ nên đã tạo mầm mống cho sự phát triển các ổ dịch sốt rét. Muỗi anôphen, tác nhân chính gây dịch bệnh sốt rét đã tồn tại và phát triển, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người.

 

Trước sự lan tràn của dịch bệnh, trung tâm phòng chống sốt rét (PCSR), kí sinh trùng và côn trùng Nghệ An, được sự chỉ đạo của ngành y tế đã nêu cao quyết tâm: thanh toán bệnh sốt rét dưới nhiều hình thức và biện pháp mới. Trong điều kiện muôn vàn khó khăn của những năm 90, mạng lưới phòng chống sốt rét từ tuyến tỉnh đến cơ sở đã được thiết lập chặt chẽ hơn.

 

Tổ chức truyền thông PCSR tại các khu vực có nguy cơ là việc làm thường xuyên của Trung tâm

 

Có mặt tại các thôn cùng, ngõ hẻm của các bản làng vùng sâu vùng xa, bằng phương tiện đi lại duy nhất là đôi chân, những người cán bộ của Trung tâm PCSR đã lao động bằng tất cả lòng nhiệt tình của mình. Thời điểm này, mỗi chuyến công tác miền núi của cán bộ PCSR được tính bằng tháng. Phải ăn suối, ngủ rừng, trèo đèo, lội suối nhưng những bước chân không mỏi đã có mặt tại những địa bàn thường xuyên xảy ra dịch bệnh để tìm hiểu, điều tra, nắm bắt thông tin, kịp thời có những phương án đối phó với dịch bệnh sốt rét - Bác sĩ Hoàng Đình Ngọc - Giám đốc Trung tâm nhớ lại.

 

Nắm bắt được yếu tố cơ bản đầu tiên trong công tác PCSR là phải thay đổi nhận thức của nhân dân, ngành y tế đã chủ động đưa ra những giải pháp tuyên truyền có hiệu quả. Trước hết, đó là việc làm cho dân hiểu về nguy cơ, tác hại của bệnh sốt rét. Một mạng lưới tuyên truyền đã được hình thành. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền ở địa bàn miền núi gặp phải không ít khó khăn bởi trình độ dân trí nơi đây còn thấp, tỷ lệ người mù chữ khá cao, thêm vào đó, việc triển khai trên các phương tiện thông tin truyền thông gần như là bất lực bởi các địa bàn vùng sâu, vùng xa vẫn chưa có điện lưới. Khó khăn ấy được các cán bộ chuyên trách phòng chống sốt rét, y tế thôn bản vượt qua bằng việc thường xuyên, tích cực bám bản làng, khi thì tổ chức tuyên truyền tập trung, có khi đến tận từng hộ dân để nói cho dân hiểu. Nghĩa là tại bất cứ nơi đâu, người dân đều được nghe cán bộ y tế tuyên truyền về nguy cơ của dịch bệnh sốt rét, về những biện pháp phòng chống dịch bệnh này.

 

Chiến dịch tẩm màn PCSR tại huyện Quỳ Hợp

 

Song song với chiến dịch tuyên truyền, các trung tâm y tế tuyến huyện đã tổ chức phun thuốc diệt muỗi, khử trùng, ngâm tẩm màn theo định kỳ để dập mầm bệnh sốt rét. Tùy từng thời điểm, mỗi năm chiến dịch phun tẩm thuốc được tổ chức từ một đến hai lần. Đây cũng là một công việc hết sức khó khăn đối với các cán bộ y tế chuyên ngành PCSR. Bởi đặc thù của địa bàn miền núi là địa hình đi lại khó khăn, dân cư sinh sống thưa thớt. Để đến được với các bản làng, để tất cả các hộ dân đều tham gia chiến dịch, cán bộ y tế đã phải “nằm vùng” hàng tháng trời tại các địa bàn miền núi trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, trung tâm PCSR đã có giải pháp để khắc phục những khó khăn này. Đó là việc tăng cường mở rộng lực lượng cộng tác viên, y tế thôn bản, các cán bộ chuyên trách để họ phối hợp thực hiện nhiệm vụ của chiến dịch PCSR. Đây là một trong những lực lượng không thể thiếu, chính họ trở thành những hạt nhân quan trọng trong cuộc chiến đầy cam go đẩy lùi bệnh sốt rét.

 

Nhìn lại chặng đường đầy gian nan trong công tác PCSR ở Nghệ An mới thấy được những vất vả, hi sinh của các cán bộ y tế chuyên ngành sốt rét đã được đền đáp. Giai đoạn thập kỷ 90, chỉ sau 2 năm cố gắng, nỗ lực, ngành y tế Nghệ An đã giảm được số người tử vong do sốt rét từ 824 người năm 1991 xuống còn 32 người năm 1993. Những năm tiếp theo, số vụ dịch sốt rét, số bệnh nhân tử vong do sốt rét đã ngày càng giảm xuống, có những năm, trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra dịch, không người tử vong.

 

Có thể thấy, hiệu quả lớn nhất trong chiến dịch tuyên truyền PCSR ở Nghệ An là việc làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong sinh hoạt. Họ đã luôn hình thành được ý thức ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh, biết giữ gìn cho bản thân, gia đình và toàn cộng đồng để tránh nguy cơ lây nhiễm sốt rét. Chị Vi Thị Hòa - Bản Nóng 2, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong nói với chúng tôi: Năm nào cũng vậy, nhà ta đều được cán bộ y tế tẩm màn để phòng ngừa sốt rét. Đây là công việc rất cần vì ở vùng này nhiều muỗi, không cẩn thận dễ mắc bệnh, dễ lây lắm. Mấy năm nay trong bản chẳng ai bị sốt rét cả, vì được phòng ngừa rồi mà.

 

Giai đoạn mới, ngành y tế có thêm điều kiện thuận lợi trong công tác PCSR khi các chương trình, dự án quốc tế, quốc gia đã quan tâm đầu tư một cách toàn diện hơn đối với vấn đề dịch bệnh sốt rét. Hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết bị khoa học kỹ thuật hỗ trợ PCSR được đầu tư, nâng cấp, đủ sức để ngành y tế Nghệ An chống chọi và chiến thắng bệnh sốt rét. Hiện tại, trung tâm PCSR, ký sinh trùng và côn trùng Nghệ An đã chú trọng xây dựng và phát triển hệ thống điểm kính hiển vi. Toàn tỉnh đã có 134 điểm kính hiển vi hoạt động hiệu quả. Điểm kính hiển vi giúp cho việc giám sát, phát hiện sớm, điều trị kịp thời ký sinh trùng sốt rét ngay tại tuyến đầu.

 

Bên cạnh việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trong giai đoạn này, ngành y tế của tỉnh đã chỉ đạo trung tâm PCSR, kí sinh trùng và côn trùng Nghệ An tiếp tục triển khai các biện pháp thực hiện PCSR như chẩn đoán sớm và điều trị bệnh nhân sốt rét; tổ chức phun tẩm, phòng chống vector sốt rét - kết quả năm 2010 đã bảo vệ bằng hóa chất cho 730.000 lượt người dân trong vùng sốt rét vừa và nặng. Ngoài ra, trung tâm CSR, kí sinh trùng và côn trùng đã tổ chức giám sát dịch tễ sốt rét để đề ra những biên pháp can thiệp phù hợp, có hiệu quả; tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong toàn dân với những biện pháp truyền thông thích hợp ở từng vùng trọng điểm. Đặc biệt, trong thời gian qua, trung tâm PCSR, kí sinh trùng và côn trùng Nghệ An đã chú trọng đến vấn đề xã hội hóa công tác PCSR, chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ký kết trách nhiệm các mục tiêu, chỉ tiêu PCSR, kêu gọi các ban ngành, tổ chức đoàn thể tham gia PCSR, đã phối hợp tốt công tác quân dân y trong PCSR với quân y bộ đội biên phòng, quân y tỉnh đội - Bác sĩ Hoàng Đình Ngọc - Giám đốc Trung tâm cho biết.

 

Với những nỗ lực của ngành y tế, của đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác PCSR từ tuyến tỉnh đến tận cơ sở, hiện nay, bệnh sốt rét ở Nghệ An đã giảm rất nhiều. Tuy nhiên, nguy cơ quay trở lại của dịch bệnh này vẫn còn cao bởi điều kiện sống của đồng bào miền núi vẫn còn khó khăn, mầm mống sốt rét ngoại lai vẫn có thể xuất hiện bởi vấn đề di dân, nếu không quản lý tốt sẽ dễ tiếp tục lây lan trong cộng đồng. Công tác PCSR vẫn cần được tiếp tục đẩy mạnh và được toàn xã hội quan tâm. Bởi sức khỏe của con người là một trong những yếu tố cơ bản để góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

 

(Ngọc Dũng)