Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Sáng tạo trong công tác tuyên truyền – một kinh nghiệm PCCCR ở Kỳ Sơn

10:23, 27/04/2011
Là huyện có diện tích rừng lớn, địa hình hiểm trở, bị ngăn cách mạnh, các bản làng dân cư lại sống xen kẽ trong rừng, nguy cơ tiềm ẩn cháy rừng ở Kỳ Sơn là rất cao. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhờ chủ động sáng tạo trong công tác tuyên truyền nên ở Kỳ Sơn đã không để xảy ra cháy lớn.

 

Toàn huyện Kỳ Sơn hiện có hơn 108.000ha rừng, trong đó gần 1.000ha thuộc vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao, tập trung ở các xã Chiêu Lưu, Hữu Kiệm, Mường Típ, Mường Ải, Tây Sơn. Xác định nguyên nhân chính gây cháy rừng là do tập tục đốt rừng làm nương rẫy của bà con nơi đây nên với phương châm phòng hơn chống, hoạt động tuyên truyền đã được huyện đưa lên hàng đầu. Ở mỗi bản đều có hương ước bảo vệ rừng, mỗi gia đình phải ký cam kết đốt rẫy đúng quy trình, trước khi đốt, phải báo trước với bản về thời gian cụ thể để ban quản lý bản chủ động các lực lượng khi đám cháy có nguy cơ lan rộng. Bên cạnh đó, các bậc già làng trưởng bản thường xuyên tổ chức các cuộc họp để tuyên truyền đồng thời xử phạt, khen thưởng nghiêm minh, công khai. Tuy là địa bàn trọng điểm về cháy rừng nhưng trong những năm qua, Chiêu Lưu đã không để xảy ra cháy lớn, dập tắt các đảm cháy nhỏ nhanh, kịp thời. Ông Lương Văn Vỹ, Phó chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu cho biết: Hàng năm, xã tổ chức ký cam kết PCCCR giữa các trưởng bản với chủ tịch xã, giữa người dân với bản, đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn để người dân có ý thức bảo vệ rừng. Tại các lớp tập huấn, bà con không chỉ được cung cấp kiến thức lý thuyết mà còn được thực hành về các phương án chữa cháy.

 

Bên cạnh đó, huyện cũng ban hành quy chế phối kết hợp, phân công cụ thể trách nhiệm cho từng thành viên ban chỉ huy PCCCR các cấp; duy trì 17 ban chỉ huy PCCCR từ huyện đến xã, bản; củng cố trên 50 tổ đội quản lý bảo vệ rừng, PCCCR cấp thôn, bản. Đặc biệt, với những xã trọng điểm, vào mùa khô, huyện tăng cường cán bộ vào nằm vùng kiểm tra, rà soát đánh giá tình hình cũng như cố lực lượng để khi có cháy xử lý nhanh kịp thời. Phương châm “4 tại chỗ” vẫn được đề cao với sự phối kết hợp của các lực lượng trên địa bàn. Chia sẻ về những kinh nghiệm trong việc PCCR, ông Nguyễn Xuân Trường - Trưởng phòng kế hoạch, kỹ thuật Ban quản lý rừng phòng hộ huyện cho biết: Chính quyền và BQL đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền bằng văn bản pháp luật, pano, áp phích để người dân hiểu rõ vai trò, tác dụng của rừng. Bên cạnh đó, huyện đã làm tốt quy hoạch về đất sản xuất, hướng dẫn cho bà con về cách đốt, phát ít ảnh hưởng đến rừng và đất rừng.

 

Nhờ nắm rõ đặc điểm của địa bàn, khơi dậy được ý thức bảo vệ rừng trong mỗi người dân bằng những biện pháp sát thực, hoạt động phòng chống cháy rừng của huyện Kỳ Sơn đã phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, để duy trì và phát huy được kết quả này thì cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành, tránh tư tưởng chủ quan lơ là, nhất là vào thời điểm mùa khô.

 

(Phan Tâm)