Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

“Thắt lưng buộc bụng” thời lạm phát

09:48, 26/04/2011
Thắt lưng buộc bụng, liệu cơm gắp mắm… luôn được người tiêu dùng nhắc đến và xem như đó là giải pháp hữu hiệu nhất khi mà các mặt hàng tăng lên từng ngày, từng giờ trong khi thu nhập không thay đổi. Với người lao động có thu nhập thấp thì bão giá thực sự là một gánh nặng trong cuộc mưu sinh của họ.

 

 
   

Một bó rau muống trước đây chỉ 3.000 đồng, rồi tăng lên 5.000 đồng, nay đã tăng lên 8.000 đồng; 1kg thịt lợn mông sấn năm ngoái chỉ 60-65.000 đồng, nay tăng lên 90.000- 100.000 đồng. Đó là chưa kể các mặt hàng khác như dầu ăn, nước mắm, đường sữa... tất cả đều tăng giá với lí do giá xăng, vàng và đô la tăng. Chị Thái Thị Thủy ở phường Hưng Bình, TP Vinh – một lao động phổ thông, mỗi ngày chị cặm cụi với công việc của mình từ sáng đến tối chỉ mong cơm cháo qua ngày. Tiền kiếm được thì chẳng tăng, chưa muốn nói là giảm sút mà giá cả mọi thứ cứ thi nhau kéo lên vùn vụt. Chị chưa bao giờ biết mặt mũi đồng đô la như thế nào, giá chỉ vàng bao nhiêu, thế mà giờ đây, mỗi lần đi chợ, chị vẫn nghe các tiểu thương nhắc đến mỗi khi người mua tặc lưỡi chê đắt đỏ. Mỗi ngày chỉ  kiếm được 50-70.000 đồng, trong khi bao nhiêu thứ phải chi, nào là tiền học phí cho con, tiền mua thức ăn, cơm gạo hàng ngày... cứ leo thang từng ngày.

Nếu như trước đây, chỉ với 40-50.000 đồng, chị Thủy có thể đi chợ trang trải bữa ăn cho gia đình trong ngày, thì giờ đầy cầm 100.000 đồng đi chợ chị cũng phải tính toán thật chi li mới tạm ổn để khỏi mắc nợ. Bữa ăn đạm bạc, muốn  mua thêm hoa quả bổ sung cho bữa ăn chị chỉ còn cách là giảm bớt khẩu phần và chia bữa. Giá gạo quê từ 9.000 đồng/ kg nay lên 13.000 đồng/ kg; các loại hoa quả cũng tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/ kg... Sự lo lắng thể hiện rõ trên khuôn mặt mỗi bà nội trợ.

Dạo quanh thị trường mua bán, giá cả các mặt hàng đã tăng đến chóng mặt. Hôm nay giá khác, nhưng ngày mai hỏi mua giá đã là giá khác rồi. Nhìn chung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng 20-25%, các mặt hàng tiêu dùng khác cũng tăng như vậy, thậm chí, một số mặt hàng tăng từ 30-40%.

Không chỉ người tiêu dùng lo lắng mà người bán hàng cũng không khỏi hoang mang. Cửa hàng chị Lê Thị Phượng ở phường Lê Lợi chuyên bán đồ quần áo thời trang và mỹ phẩm, dịp này không dám lấy hàng về nhiều bởi theo chị, người dân còn nghèo, thu nhập còn thấp, vì vậy, chị không dám lấy hàng về nhiều sợ khó bán. Mà trong thời điểm này người dân còn gồng mình với cuộc sống mưu sinh nên việc mua sắm thêm chiếc áo, đôi dày mới không phải là chuyện dễ.

Mặc dù Nhà nước đã có nhiều giải pháp trong bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, tuy vậy, các giải pháp đó vẫn chưa được xem là hiệu quả. Người tiêu dùng nói chung và người lao động nghèo nói riêng vẫn đang gồng mình mong sao trang trải được cuộc sống gia đình trong cơn bão giá và cầu mong mau qua thời bão giá?                                                                  

(Thanh Hà)