Báo động tình trạng rối loạn các chức năng do thiếu iốt đang quay trở lại Nghệ An
Đã hơn 2 năm nay, tháng nào chị Trần Thị Nguyệt ở xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ cũng phải đưa con trai là cháu Nguyễn Văn Huy, 11 tuổi xuống khám và lấy thuốc điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An. Cháu được các bác sỹ chẩn đoán là bị bệnh bướu cổ do thiếu iốt. Theo chị Nguyệt cho biết, những năm trước đây, các hộ nghèo như gia đình chị cũng như người dân quanh vùng đều được cấp phát muối iốt. Thế nhưng, hơn 1 năm trở lại đây, lượng muối iốt được cấp giảm hẳn một nửa. Thiếu muối chị phải mua thêm ở chợ với giá bán lẻ 3.000 đồng/1kg để sử dụng. Tuy nhiên, do giá muối trắng rẻ hơn nên đôi lúc chị cũng mua của những người bán rao. Chị Nguyệt mong muốn Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ cấp phát, giảm giá muối iốt cho người dân miền núi. Đặc biệt, là bố trí các điểm bán muối iốt thật thuận tiện để bà con có thể mua được muối iốt bất cứ lúc nào có nhu cầu.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nên trong những năm qua, đa số người dân đều tự giác sử dụng muối iốt trong bữa ăn hàng ngày. Riêng trong năm nay, 3 chỉ số của chương trình vẫn đạt yêu cầu duy trì bền vững. Trong đó, độ phủ muối đạt 92,66% và mức iốt niệu trung vị đạt 13,6mcg/dl (microgam/đêhilít), tỷ lệ về bướu cổ ở học sinh 8-12 tuổi dưới 2%; Tỷ lệ người dân hiểu biết tác hại của việc thiếu iốt cũng như lợi ích của muối iốt trên 90%.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay đó là tỷ lệ dùng muối iốt ở các huyện miền núi cũng như các huyện ven biển lại giảm đáng kể. Nguyên nhân chính đó là trong năm 2010, sau khi kết thúc chương trình y tế quốc gia phòng chống các rối loạn do thiếu iốt, Nhà nước không còn trợ giá sản xuất, trợ cước vận tải cho các đơn vị sản xuất và lưu thông mặt hàng muối iốt, các lực lượng phân phối lưu thông của Công ty cổ phần thương mại miền núi cùng các đơn vị khác đều giảm hẳn do phải hạch toán kinh tế. Vì vậy, lượng muối iốt phân phối cho các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An giảm mạnh. Từ đó, dẫn đến lượng muối sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp cũng giảm hẳn so với trước đây. Tỷ lệ sử dụng muối iốt giảm một phần còn do tâm lý ham rẻ của đồng bào miền núi. Mua muối gì cũng được, miễn là giá rẻ. Vì vậy, khi các tư thương đưa muối trắng bán tận nơi với phương thức thanh toán thuận tiện, có thể đổi bằng bất cứ nông sản gì chứ không chỉ riêng tiền mặt, bà con đã mua muối trắng nhiều hơn. Một nguyên nhân nữa đó là do lực lượng phân phối lưu thông, các mạng lưới của thương nghiệp ở các huyện miền núi đã mỏng nay càng mỏng hơn. Từ đó, lượng muối iốt đến với người dân ngày càng giảm hẳn. Mặc dù, trước mắt chúng ta chưa thấy hậu quả của tình trạng này, nhưng rõ ràng, nếu tình trạng muối iốt giảm lưu thông trên địa bàn các huyện miền núi cứ tiếp diễn như thời gian qua thì chỉ trong vòng một vài năm tới nguy cơ tái phát bệnh bướu cổ và các rối loạn do thiếu iốt là điều khó có thể tránh khỏi.
Chương trình Quốc gia Phòng chống rối loạn chức năng do thiếu I-ốt ở Nghệ An đã đạt được hầu hết các mục tiêu đề ra. Vì vậy, nếu như không kịp thời có biện pháp khắc phục sản xuất và lưu thông muối iốt cho người dân dùng thì khi bệnh bướu cổ quay trở lên địa bàn Nghệ An, thì hậu quả sẽ lớn rất nhiều, tốn kém về kinh tế cho xã hội, gia đình cũng như từng người dân phải gánh chịu.
Thiếu I-ốt dẫn đến tình trạng cơ thể và trí não kém phát triển. Nếu thiếu I-ốt ở phụ nữ mang thai và ở trẻ thơ có thể làm cho các em gặp nhiều khó khăn trong việc học tập, tiếp thu hay trí não các em chậm phát triển còn gọi là chứng đần độn. Ngoài ra, thiếu I-ốt còn làm gia tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề khác như thai chết lưu, xảy thai và bướu cổ ở phụ nữ. Vì vậy, việc sử dụng muối I-ốt là giải pháp hợp lý nhất để phòng ngừa thiếu I-ốt. Vì vậy, trong khi đang chờ có một chủ trương hỗ trợ của Nhà nước, các cấp ủy chính quyền, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng nhận thức cho nhân dân hiểu sử dụng muối iốt là biện pháp hữu hiệu, rẻ tiền nhưng bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Từ đó, góp phần đạt được mục tiêu kiểm soát bền vững phòng chống thiếu I-ốt trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong những năm tiếp theo.
(Hiến Chương)