Châu Hồng, Quỳ Hợp: Nguồn nước đổi màu vì khai thác khoáng sản
Từ giữa năm 2010 đến nay, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản ở Quỳ Hợp đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, vẫn đang còn mang tính hình thức nên chưa được thường xuyên và triệt để. Hầu hết, các chủ doanh nghiệp vẫn chỉ coi lợi nhuận là trên hết. Họ vẫn vô tư xả các loại chất thải làm ô nhiễm nguồn nước của khe bản Công và làm tắc dòng chảy của hang Cát tơ. Đây là hang ngầm duy nhất để tiêu úng cho toàn bộ xã Châu Hồng khi có lũ lụt. Trước thực trạng đó, UBND xã Châu Hồng đã kiến nghị với UBND huyện có biện pháp xử lý để khắc phục tình trạng trên. Và hiện nay, Quỳ Hợp đang tiến hành nạo vét để thông dòng chảy qua hang Cát tơ. Anh Nguyễn Giang Nam, Giám đốc Công ty TNHH Nam Dung, đơn vị thi công cho biết những khó khăn trong thi công công trình này: Khi khảo sát thi công thì hang này nước đang còn chảy. Sau khoảng 3 tháng thi công lượng bùn và lượng cát ở đây rất nhiều. Chúng tôi đã dùng máy để hút bùn lên nhưng lượng bùn quá nhiều. Hiện nay, thi công rất khó khăn chúng tôi đã cho thợ lặn sâu vào 8-10m nhưng bùn còn rất nhiều. Nguyên nhân do chất thải của các doanh nghiệp khai thác quặng và mưa lũ rác rưởi nó chảy vào hang. Theo thiết kế phải nạo vét 100m mương nhưng lượng bùn quá sâu nên máy không thể lên được.
Theo tính toán, đơn vị thi công phải nạo vét 2.000m3 bùn đất, khơi thông 120m kênh mương bị bồi lấp để tạo dòng chảy vào hang Cát tơ thông sang xã Liên Hợp. Tuy nhiên, trong khi chờ để nạo vét khối lượng bùn đất này thì các doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở đây vẫn tiếp tục xả chất thải xuống khe bản Công. Ông Kim Văn Hường, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng đề xuất: Thứ nhất, các cơ quan có thẩm quyền huyện, tỉnh xem xét việc triển khai của các doanh nghiệp không tuân thủ việc khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Thứ hai, đề nghị ủy ban huyện cũng như các cấp xem xét lại nguồn kinh phí hỗ trợ cho xã để thực hiện dự án bởi vì quá trình làm nó phát sinh tắc hang.
Vì nguồn nước bị ô nhiễm nặng nên bà con nông dân ở xã Châu Hồng phải tự tìm cách xử lý để có nước cho sản xuất và sinh hoạt. Ông Lô Minh Hà, bản Công, xã Châu Hồng bức xúc nói: Do ảnh hưởng môi trường quặng thiếc phải nên gia đình chấp nhận đào hố để lọc nước, bơm nước lên để dùng, còn lúa thì rất xấu, khó có năng suất cao.
Nếu tình trạng vi phạm này vẫn cứ tiếp diễn thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái cũng như sản xuất của bà con nông dân xã Châu Hồng. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải sớm vào cuộc, có các biện pháp xử lý, nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác khóang sản gây ô nhiễm của các doanh nghiệp trên địa bàn.
(Thu Hường)