Dân trồng rừng – xã ngang nhiên hưởng lợi
Phận “vác tù và” ở rừng xanh…
Những cách rừng giao cho dân từ năm 1999 đến nay nhưng xã vẫn đang giữ hồ sơ |
Ông Nguyễn Công Thọ là một trong những hộ dân đầu tiên giao nhà cửa, ruộng vườn lại cho con cái, cơm đùm cơm nắm vào nơi xa dân cư dựng nhà, lập trang trại để chăm sóc, bảo vệ rừng. Ông Thọ cho biết: Chúng tôi vào đây đã mười mấy năm nay nhưng lâm bạ không có, tiền bảo vệ rừng thì năm được 30.000đ/ha, có năm lại được 40.000đ, người dân cũng không hiểu vì sao…
Theo quy định của pháp luật thì chủ rừng có những quyền lợi như: Được sử dụng rừng và đất trồng rừng ổn định, lâu dài, được chủ động trong sản xuất, kinh doanh, trong quản lý, sử dụng rừng theo quy định của pháp luật; được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư, được nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp trên diện tích rừng, đất trồng rừng được giao… Thế nhưng, mặc dù đã thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của chủ rừng, nhưng ngoài số tiền công bảo vệ rừng ít ỏi mỗi năm, các hộ dân ở Diễn Lợi hầu như không được hưởng bất kỳ quyền lợi gì trên những cánh rừng mà họ đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức để bảo vệ và chăm sóc. Khi rừng thông đến tuổi đủ điều kiện khai thác, nhiều hộ gia đình đã gửi đơn lên UBND xã, xin khai thác nhựa thông để tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho các thành viên trong gia đình. Nhưng nguyện vọng chính đáng này đã không được chính quyền xã chấp nhận, mặc dù trong bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật khai thác nhựa thông năm 2008 của UBND xã Diễn Lợi có ghi rõ mục đích của việc khai thác nhựa thông, đó là “tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, hỗ trợ công tác bảo vệ và phát triển rừng…”. Từ năm 2001 đến nay, UBND xã Diễn Lợi đã ký 2 Hợp đồng kinh tế với HTX thương mại và chế biến nông lâm xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu), cho phép đơn vị này được khai thác nhựa thông trên diện tích rừng của người dân Diễn Lợi. Ông Nguyễn Hoàng Thắng, một người trồng rừng ở xóm 9 bức xúc: Lúc đó tôi vừa đi bộ đội về, con lại đông nên xin nhận đất rừng để bảo vệ, chăm sóc. Chúng tôi có viết đơn lên xã xin khai thác nhựa thông nhưngUBND xã trả lời là không được. Bao nhiêu mồ hôi công sức bỏ ra nhưng trồng cây mà không được ăn quả…
Trong hồ sơ thiết kế khai thác nhựa thông năm 2008 của xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu có kèm theo 30 giấy cam kết và chữ ký của các chủ rừng với nội dung: Do điều kiện gia đình chưa đủ khả năng khai thác nên tôi làm giấy cam kết này cho UBND xã khai thác nhựa (với thời gian 5 năm) để lấy kinh phí phục vụ công tác quản lý bảo vệ, phòng chống cháy rừng và phòng trừ sâu bệnh hại…”. Khi tiếp xúc với PV, các hộ dân ở đây đã phản ánh rằng hoàn toàn không ký vào bản cam kết nào cả!
Ông Thái Bá Quảng, khẳng định không hề ký vào giấy cam kết này mặc dù ông được giao đất rừng |
Còn ông Hoàng Xuân Hồng - nguyên Chủ tịch UBND xã Diễn Lợi, đã kí vào bản cam kết này nhưng hồ sơ giao đất lại không hề có tên ông |
Trả lời về vấn đề này, ông Hoàng Xuân Hồng Bí thư Đảng uỷ xã Diễn Lợi cho biết: Việc khai thác nhựa thông chúng tôi có chủ trương từ 2001, đến 2007 thì không có ai khai thác cả, chúng tôi có họp dân thông báo cho dân nhưng không có ai đăng ký, ở đây chỉ có 2 hộ đăng ký và hiện đang khai thác. Gần đây chúng tôi có chủ trương các hộ có rừng đến tuổi khai thác thì cho khai thác nhưng người ta không khai thác mà uỷ quyền lại cho xã khai thác...
Anh Nguyễn Xuân Sơn cho biết việc khai thác không tuân thủ đúng quy trình |
Không có bản gốc hồ sơ giao đất lâm nghiệp nên không được vay vốn từ ngân hàng để đầu tư cho phát triển sản xuất; không được tiến hành khai thác nhựa thông trên những cánh rừng do chính mình bỏ công chăm sóc, trong khi con cái phải rời quê hương đi làm thuê nơi khác để mưu sinh; và hằng ngày phải nhìn thấy nguy cơ những cánh rừng thông dần cạn kiệt do việc tận thu khai thác không đúng quy trình… đó là những vấn đề bức xúc của người dân trồng rừng Diễn Lợi.
Bởi sự “ậm ờ” của chính quyền
Sau nhiều lần trực tiếp đến Văn phòng UBND xã để đăng ký lịch làm việc, người thay mặt chính quyền xã Diễn Lợi trả lời phỏng vấn của phóng viên là ông Hoàng Xuân Hồng - Bí thư Đảng uỷ, nguyên là Chủ tịch UBND xã Diễn Lợi từ năm 1999 đến năm 2008. Ông Hồng khẳng định: Năm 1999, Chi cục Kiểm lâm giao GCN đất rừng (không phải là lâm bạ), sau đó Nghị định 163 của UBND tỉnh ban hành, tỉnh cử người về làm, dân trực tiếp đi nhận rừng, ký vào hồ sơ nhưng đến giờ chưa có bìa, xã không rõ nguyên nhân của sự chậm trễ này. Sắp tới, xã sẽ làm văn bản đề nghị huyện nhanh chóng có bìa để cấp cho dân...
Chồng hồ sơ đất lâm nghiệp UBND xã giữ đã 12 năm nay không trả cho người dân |
Tuy nhiên, khi phóng viên xuất trình bản photocoppy Hồ sơ giao đất lâm nghiệp (bìa xanh) đã được UBND huyện Diễn Châu ký và cấp cho các hộ dân từ năm 1997 thì ông Bí thư Đảng uỷ xã Diễn Lợi thừa nhận: Hồ sơ này cán bộ địa chính đang cất trong tủ bởi vì năm 1994, có bộ hồ sơ nay, thì đến năm1999 huyện mới cấp về, đồng thời lúc đó có Nghị định 163 thì Nghị định trước không có hiệu lực, cấp cái này thì đơn giản thôi nhưng không có hiệu lực nên xã không cấp... Hiện nay, tài liệu đang nằm tại UBND xã, hằng năm dân có yêu cầu gì về lâm bạ xanh (như vay mượn) thì ra chúng tôi vẫn cho photo bình thường chứ không giữ làm gì cả.
Ông Hoàng Xuân Hồng - Bí thư Đảng uỷ xã có nhiều mâu thuẫn trong khi trao đổi với PV NTV |
Như vậy, ngay trong nội dung trả lời của ông Bí thư Đảng ủy xã Diễn Lợi đã chứa đựng mâu thuẫn. Trước đó, ông giải thích rằng UBND xã không giao hồ sơ giao đất lâm nghiệp cho dân vì sau khi Nghị định 163 ra đời thì hồ sơ này không có hiệu lực nữa. Thế nhưng, ngay sau đó, ông lại mặc nhiên thừa nhận giá trị pháp lý của những hồ sơ mà UBND xã đã và đang giữ của dân, khi nói rằng xã vẫn cho người dân photo khi cần vay vốn… Làm việc với ông Đặng Sỹ Lực - Chủ tịch UBND xã Diễn Lợi, PV mới thực sự chứng kiến hàng chục quyền hồ sơ giao đất lâm nghiệp đang được cán bộ địa chính xã “quản lý” tại đây từ năm 1999 đến nay không hề bàn giao cho các hộ dân. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, lãnh đạo phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu khẳng định: Hiện nay, chưa có chủ trương chuyển đổi lâm bạ xanh, lâm bạ này vẫn đang còn nguyên giá trị.
Theo bản Khế ước giao đất có rừng ký ngày 24/12/1997 - thời hạn là 50 năm (kèm theo hồ sơ giao đất lâm nghiệp) giữa bên A là bên giao đất lâm nghiệp do Hạt trưởng Hạt kiểm lâm làm đại diện cho UBND huyện Diễn Châu, với bên B là bên nhận đất lâm nghiệp, (Riêng quyết định giao quyền sử dụng đất lâm nghiệp do UBND huyện Diễn Châu ra quyết định) thì khi nhận khu đất có rừng trồng phòng hộ, người dân có rất nhiều quyền lợi, trong đó có quyền: được cấp GCNQSD đất lâm nghiệp; được sử dụng đất có rừng tự nhiên, có thời hạn là 50 năm; được bồi thường thiệt hại khi bên A vi phạm khế ước gây ra; được thừa kế, chuyển nhượng, thế chấp, chuyển đổi quyền sử dụng đất lâm nghiệp trong thời gian được giao theo quy định của pháp luật…”.
Cũng theo đơn kiến nghị của người dân, thì nhiều diện tích rừng của các hộ là thuộc Dự án Việt Đức (rừng thông lấy gỗ) hoặc là rừng tràm, nhưng lại có tên trong danh sách các hộ ký cam kết khai thác nhựa thông. Nhiều hộ không có rừng, hoặc rừng mới trồng mà vẫn được ở trong danh sách có rừng khai thác. Lại có những hộ diện tích khai thác nhựa thông trên thực tế chỉ 4,7 ha; nhưng trong hồ sơ thiết kế khai thác của UBND xã lại lên tới 9,7 ha. Thế nhưng, khi được hỏi về vấn đề này thì người đã từng giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Diễn Lợi trong suốt gần 10 năm lại trả lời là: Không biết!
Để giải quyết những kiến nghị của người dân trồng rừng Diễn Lợi, vừa qua, Bí thư huyện uỷ Diễn Châu đã có văn bản giao cho các phòng ban có liên quan kiểm tra, xem xét. Đề nghị các cơ quan chức năng UBND huyện Diễn Châu kịp thời xác minh và làm rõ việc chính quyền xã Diễn Lợi giữ Hồ sơ giao đất lâm nghiệp của người dân từ năm 1999 đến nay chưa phát cho dân, xác minh rõ chữ ký của người trồng rừng trong hồ sơ thiết kế khai thác nhựa thông năm 2008 để xác định rõ người dân ký hay không vào bản cam kết này… bảo đảm quyền lợi của người dân đúng với những gì mà hồ sơ giao đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình quy định.
(Kim Thoa - Trung Thảo)