Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nhôn Mai: Bao giờ hết phá rừng làm rẫy?

07:46, 26/09/2011
Xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương có gần 600 hộ dân nhưng chỉ có 43ha lúa nước. Để đảm bảo lương thực cho cuộc sống, mỗi năm bà con dân bản nơi đây đã phát hàng trăm ha rừng để làm nương rẫy. Mặc dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động người dân trồng rừng thay thế nương rẫy. Tuy nhiên, do địa thế rừng núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn cộng với tập quán sản

 

Từ đập thủy điện Bản Vẽ, đúng 8 giờ sáng, đoàn chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình vào Nhôn Mai trên chiếc thuyền máy, loại phương tiện đi lại duy nhất nơi này. Xen lẫn trong màu xanh của núi rừng trùng điệp dọc 2 bên lòng hồ là những khoảnh rừng được đốt cháy nham nhở. Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai, ông Vi Văn Kỳ - người đi cùng chúng tôi cho biết: Đó chính là những diện tích rẫy của bà con vừa mới được đốt để trồng lúa, trồng ngô trong vụ thu này.

 

Những cánh rừng bị chặt hạ ngổn ngang nhường chỗ cho "rẫy"

 

Quãng đường đi khoảng70km đường lòng hồ như gần hơn bởi những câu chuyện với ông Chủ tịch xã xung quanh cuộc sống, sinh hoạt của bà con dân bản. Hơn 11h trưa, lúc thuyền chúng tôi cập bến, cũng là lúc bà con dân bản đang tập trung chờ nhận gạo cứu trợ của tỉnh. Trong số 280 tấn gạo cứu đói giáp hạt và ảnh hưởng do cơn bão số 2 cho người già, trẻ em toàn huyện thì riêng Nhôn Mai đã chiếm đến 27 tấn. Để ra được đến nơi nhận gạo, anh Giàng Bá Ninh - người dân tộc Mông ở bản Huồi Cọ đã phải  dậy đi từ lúc 2 giờ sáng. Anh Ninh cho biết: Hàng năm, gia đình phát rừng làm rẫy với diện tích khoảng 2ha, nhưng do thường xuyên gặp mưa lụt nên năng suất không cao. Một năm chỉ thu hoạch đuợc khoảng 3 đến 4 tạ lúa. Vì sản xuất lạc hậu lại đông con nên cuộc sống còn vất vả lắm nên rất mong cấp trên hỗ trợ nhiều hơn nữa.

 

Xã Nhôn Mai có 592 hộ dân bao gồm 3 dân tộc anh em là Mông, Thái và Khơ Mú cùng sinh sống. Cuộc sống của người dân từ từ bao đời nay vẫn hoàn toàn dựa vào rừng. Mặc dù những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Nhôn Mai đã bắt đầu đổi thay, biết sản xuất lúa nước, biết trồng ngô, trồng rau bằng các giống mới cho năng suất cao. Tuy nhiên, dường như tập quán sản xuất nương rẫy của dân bản thì vẫn còn nặng lắm. Một phần là do diện tích lúa nước quá ít, cả xã chỉ có 30ha, một phần là do thói quen du canh, sản xuất mà không phải đầu tư chăm bón của bà con. Bình quân mỗi năm, hơn 400ha rừng đã bị bà con Nhôn Mai đốt phá để làm rẫy sản xuất. Ngay đến như trưởng bản Nhôn Mai, Lô Văn Tuyến, biết làm rẫy là phá rừng nhưng vẫn phải làm: Trên đây nhà nào cũng làm rẫy, phát rẫy thì rộng nhưng thu hoạch vẫn không được nhiều.

 

Bởi thói quen sản xuất theo kiểu du canh, không đầu tư chăm bón lại thường xuyên gặp thiên tai, lũ lụt nên mặc dù diện tích đất rẫy lớn nhưng sản lượng lượng thực thu hoạch hàng năm vẫn không đủ để đáp ứng cho cuộc sống của bà con. Trong số gần 600 hộ dân thì có gần 550 hộ nghèo, chiếm tới 92,5%. Trong đó, phần lớn số hộ thiếu đói đến 4-5 tháng trong năm. Bài toán phát triển kinh tế đồi rừng nhằm hạn chế tình trạng phát nương làm rẫy đã được chính quyền địa phương tính đến. Nhưng theo Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai, Vi Văn Kỳ, để giải được bài toán này không hề đơn giản: Nhôn Mai là xã biên giới, đời sống, giao thông đi lại của bà con còn rất khó khăn. Người dân chủ yếu sống bằng nghề làm rẫy, năng suất đạt thấp. Để hạn chế làm rẫy địa phương đã vận động nhân dân trồng rừng nhưng không chủ động được cây giống nên không phát triển được.

 

Không biết đến bao giờ Nhôn Mai mới chấm dứt được tình trạng phá rừng làm rẫy? Điều trăn trở của Chủ tịch UBND xã Vi Văn Kỳ cũng là điều làm chúng tôi day dứt nhất khi chia tay Nhôn Mai. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn tin và hy vọng, những cánh rừng bị đốt phá nham nhở hôm nay sẽ trở lại tươi xanh.

 

(An Duyên)