Anh Sơn chú trọng công tác dạy nghề cho phụ nữ DTTS
(Ảnh minh họa) |
Hội phụ nữ xã Hoa Sơn có 892 hội viên sinh hoạt ở 12 chi hội, trong đó có gần 200 chị là đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết chị em phụ nữ ở đây dựa vào sản xuất nông nghiệp, do đó thu nhập của chị em còn thấp hoặc không có thêm nguồn thu nhập nào từ các ngành nghề khác. Trước thực trạng đó, Hội phụ nữ xã Hoa Sơn đã chủ động khảo sát nhu cầu học nghề của phụ nữ và phối hợp với hội LHPN huyện tổ chức dạy nghề và vận động phụ nữ tham gia học nghề. Đến nay, hội phụ nữ xã đã tổ chức được 2 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho 56 chị em dân tộc thiểu số ở 2 bản Vĩnh Kim và Yên Hoà. Hiện đã có 26 chị duy trì nghề truyền thống này một cách thường xuyên liên tục tại gia đình.
Xác định dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số là mục tiêu quan trọng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo của một huyện còn nhiều khó khăn, từ năm 2008 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Anh Sơn phối hợp với Trung tâm khuyến công tỉnh, sở LĐTBXH, trung tâm dạy nghề tỉnh và huyện đã tổ chức được 8 lớp dệt thổ cẩm và cắt may cho 240 chị em dân tộc thiểu số tại các bản Yên Hoà, Vĩnh Kim, xã Hoa Sơn, bản Cao Vều xã Phúc Sơn và bản Ồ Ồ, Già Hóp, xã Tường Sơn. Với phương thức “cầm tay chỉ việc”, qua các lớp dạy nghề đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số được nâng cao tay nghề, vừa được tham gia sinh hoạt hội, vừa có thu nhập ổn định từ nghề. Ngoài ra, Hội Phụ nữ huyện Anh Sơn còn vận động gần 6.500 lượt chi em tham gia các lớp học tập ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi để áp dụng vào thực tế tăng hiệu quả sản xuất trên cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó mà trong 5 năm qua, hội phụ nữ huyện Anh Sơn đã giúp đỡ 1.680 gia đình hộ phụ nữ nghèo là chủ hộ thoát nghèo.
Có thể nói rằng, nhờ được học nghề, nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Anh Sơn đã có thêm thu nhập từ những ngành nghề được đào tạo. Từ đây, các hội viên đã tích cực phát triển kinh tế hộ gia đình góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
(Thái Hiền)