Bình yên nơi cửa ngõ miền Đông
Tuyến bờ biển Nghệ An dài 82km, có 01 Cửa khẩu Quốc tế biển (Cửa khẩu Cảng Cửa Lò - Bến Thủy) và 5 cửa sông, lạch lớn, thuộc địa bàn các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và Thị xã Cửa lò gồm 29 xã, phường, với 48.910 hộ/ 228.462 khẩu, trong đó Quỳnh Lưu là một trong những địa bàn “nóng”, nơi các hoạt động gian thương, vi phạm pháp luật biển diễn ra khá phổ biến trong những năm trước đây. Nhân dân ven biển Quỳnh Lưu sinh sống bằng nhiều ngành nghề: ngư nghiệp, nông nghiệp, diêm nghiệp, buôn bán, dịch vụ du lịch, đời sống kinh tế không đồng đều, còn gặp nhiều khó khăn. Đây chính là đặc điểm mà các đối tượng tội phạm thường lợi dụng để lôi kéo, móc nối hoạt động, nhất là hoạt động buôn bán người, buôn bán, tàng trữ, sử dụng chất nổ, pháo nổ; buôn lậu, gian lận thương mại...
Giai đoạn từ 2002 đến 2004, tình hình buôn lậu trên tuyến biên phòng biển thường xuyên diễn ra, với số lượng phương tiện, hàng hoá lớn, mật độ hoạt động dày. Chính vì vậy, UBND tỉnh Nghệ An, nhiều ban ngành chức năng đã thống nhất phối hợp để đập tan âm mưu gian lận trên tuyến biển.
Bộ đội biên phòng Nghệ An đã có chủ trương phối hợp với các ban ngành chức năng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Cấp uỷ các đơn vị biên phòng đã tham mưu tích cực cho chính quyền địa phương làm tốt công tác nắm bắt tình hình địa bàn. Từ đó, phối hợp triển khai các kế hoạch tuần tra, kiểm soát đúng thời gian, địa điểm nên đã kịp thời ngăn chặn được những hoạt động phạm tội, đặc biệt là tại những địa bàn vùng biển. Tại những lạch biển có nhiều tàu thuyền qua lại, các đơn vị biên phòng đều xây dựng trạm kiểm soát biên phòng, cử cán bộ, chiến sĩ túc trực 24/24h. Mọi hoạt động của tàu thuyền đều phải được báo cáo đầy đủ thông qua trạm kiểm soát. Ngoài ra, những đợt tuần tra đột xuất trên biển đã được tăng cường. Trên tuyến biển, các đối tượng phạm pháp thường lợi dụng tàu thuyền đánh cá để vận chuyển hàng trái phép nhằm che mắt các chiến sĩ trinh sát nhưng lực lượng biên phòng đã không quản ngày đêm, dùng mọi biện pháp để ngăn chặn thủ đoạn ấy. Những nỗ lực nói trên đã đẩy lùi được hầu hết âm mưu gian lận thương mại trái phép trên biển. Bởi vậy, từ năm 2002 đến nay, số vụ vi phạm pháp luật trên biển gần như đã bị triệt tiêu.
Đứng chân trên bờ biển xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, đồn biên phòng 148 đã góp một phần rất lớn trong vai trò là lực lượng chỉ đạo phòng chống buôn lậu trên biển. Không những làm tốt vai trò chỉ huy, chỉ đạo đấu tranh, đồn biên phòng 148 còn là đơn vị tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng vi phạm chuyển đổi ngành nghề, làm giàu một cách lương thiện, chính đáng trên những tiềm năng sẵn có ở các địa phương.
Các xã vùng biển Nghệ An đã hình thành được một số ngành nghề, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân, chẳng hạn như nghề đóng tàu thuyền đi biển và nghề nuôi trồng thuỷ hải sản. Đây là diện tích khoanh nuôi ngao của gia đình anh Thái Bá Khang, một trong những chủ doanh nghiệp tầm cỡ ở xã Sơn Hải - Quỳnh Lưu. Bước chuyển đổi phương thức làm ăn từ việc kinh doanh hàng lậu sang nuôi trồng hải sản đã giúp anh trở thành một người giàu có, lương thiện, được chính quyền và nhân dân trong xã biết đến.
Năm 2010, các chiến sĩ trong đội vận động quần chúng đồn biên phòng 148 đã tích cực vận động anh Khang từ bỏ con đường làm ăn bất chính, chuyển hướng làm ăn lương thiện. Nhận thức được điều này, Thái Bá Khang đã mạnh dạn vào miền Nam tìm hiểu kỹ thuật nuôi sò của ngư dân miền biển. Với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, gia đình anh đã nhận đất khoanh nuôi vùng biển, tiến hành nuôi sò, phát triển kinh tế. Đến nay, doanh nghiệp tư nhân Bá Cường do anh làm chủ đã có hơn 15 héc ta biển nuôi sò xuất khẩu. Doanh thu mỗi năm của gia đình anh Khang đạt trên 1 tỷ đồng. Với hoạt động phát triển kinh tế này, anh Khang đã tạo được việc làm thường xuyên cho 10 lao động trong xã với mức lương trên 2 triệu đồng/ tháng. Ngoài ra, số lao động thời vụ làm việc cho cơ sở kinh doanh của anh có lúc lên tới 200 người. Thành công của gia đình anh Khang là minh chứng thể hiện tính sáng suốt từ chủ trương đấu tranh phòng chống buôn lậu kết hợp với vận động phát triển kinh tế của đồn biên phòng 148 và chính quyền địa phương.
Sự thành công của các mô hình kinh tế tại xã Sơn Hải đã thúc đẩy bà con nhân dân nhanh chóng quay về với con đường làm ăn hợp pháp, góp phần làm trong sạch địa bàn, đưa xã Sơn Hải trở thành một đơn vị kiểu mẫu trong phát triển kinh tế biển ở huyện Quỳnh Lưu. Cái tên “làng buôn lậu Sơn Hải” đã lùi vào quá khứ. Tiếp theo Sơn Hải, các xã biển khác đều ra sức thi đua xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh họ, những người cán bộ biên phòng địa bàn đều sát cánh, tận tâm giúp đỡ.
Sự phát triển kinh tế trên địa bàn là điều kiện để cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng 148 làm tốt công tác ổn định an ninh, chính trị. Trong năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn giảm hẳn. Phối hợp với chính quyền, nhân dân địa phương, đồn biên phòng 148 đã tổ chức nhiều đợt tuần tra, phát hiện nhanh chóng các cá nhân, tổ chức làm ăn, buôn bán bất hợp pháp, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm an ninh, luật pháp quốc gia, góp phần xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh.
Trong 10 năm thực hiện chỉ thị 127 của Chính phủ về phòng chống hàng lậu, BĐBP đã có những đóng góp thiết thực, góp phần đem lại môi trường kinh doanh thương mại lành mạnh ở Nghệ An, xác lập được vai trò quan trọng của những người lính mang quân hàm xanh trong công cuộc bảo vệ và dựng xây biên cương tổ quốc. Đó cũng chính là cơ sở để lực lượng BĐBP tiếp tục gặt hái được những thành công trên chặng đường phía trước. Đó cũng chính là lý do giải thích sự phát triển bền vững của ngư dân Quỳnh Lưu trên tuyến biển Nghệ An.
Lạch Quèn giờ đây đã vắng bóng những chuyến tàu vận chuyển hàng trái pháp luật. Người dân đã nhận thức được rằng làm ăn hợp pháp mới thực sự là cơ hội để làm giàu. Những chuyến tàu cá ngày đêm đi về đang góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế đúng hướng của ngư dân Quỳnh Thuận. Giờ đây, chính quyền các địa phương vùng biển Nghệ An đã có thể yên tâm khi những bàn tay phạm pháp trước kia đã hướng thiện.
Sự phát triển kinh tế trên địa bàn là điều kiện để cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng 148 làm tốt công tác ổn định an ninh, chính trị. Trong thời gian qua, hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn giảm hẳn; phối hợp với chính quyền, nhân dân địa phương, đồn biên phòng 148 đã tổ chức nhiều đợt tuần tra, phát hiện nhanh chóng các cá nhân, tổ chức làm ăn, buôn bán bất hợp pháp, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm an ninh, luật pháp quốc gia, góp phần xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh.
Trong tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa vùng biên còn nhiều khó khăn như hiện nay thì vẫn còn đó những bước chân âm thầm, lặng lẽ đầy gian khổ mà lực lượng BĐBP Nghệ An phải tiếp tục nỗ lực vượt qua. Nơi mảnh đất địa đầu xứ Nghệ, ánh sáng của Đảng đã và sẽ mãi là ngọn lửa soi đường để cán bộ, chiến sĩ BP chắc tay súng, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo.
(Ngọc Dũng)