Méo mó “chân dung” lá phổi xanh trong lòng thành phố
Công viên trung tâm TP Vinh |
Là một công viên nhưng để vào được sau cái cổng không phải là chuyện dễ. Người lớn 20.000 đồng, trẻ em 1,4m trở xuống 15.000 đồng, còn trên số đo đó cũng 20.000 đồng. Mọi người muốn hưởng không khí mát mẻ của công viên bây giờ cũng phải mua bằng tiền, không tiền miễn vào, dù là để đi dạo bộ. Ngày 2/9, màn múa lân nhộn nhịp nơi cổng công viên cũng không xua hết được không khí trầm lắng ở khu vực bố trí các trò vui chơi bên trong công viên. Thiếu đầu tư các hoạt động mới lạ, các trò chơi cũ phần lớn đang phải ngừng hoạt động do không còn tính hấp dẫn.
Theo quy hoạch được duyệt thì khu vực nhà chờ dành cho du khánh nghỉ chân khi tham quan công viên từng được sử dụng là bãi giữ xe và bây giờ, với hướng kính doanh của những cổ đông mới, nó đã trở thành một nhà hàng kinh doanh ăn uống với cái tên rất ngọt “Suối mơ”.
Sự xuất hiện của nhà hàng Suối Mơ giữa vùng đất được quy hoạch dành cho các hoạt động vui chơi giải trí công cộng nhưng thanh tra đô thị thành phố Vinh cũng không biết được lý do vì sao nhà hàng mọc lên được và đã hoạt động được được mấy tháng nay. Ông Đỗ Đình Thông - Phó Chánh Thanh tra đô thị thành phố Vinh thừa nhận là cơ quan đã thiếu sâu sát để xảy ra việc xây dựng khi chưa có giấy phép.
Việc vi phạm quy hoạch tại công viên Trung tâm thành phố không chỉ dừng lại ở mỗi trường hợp nhà hàng Suối Mơ. Tại vị trí quy hoạch là đu quay tròn và xe lửa quay tròn (ký hiệu số 14 và 19 trong bản vẽ quy hoạch), chủ đầu tư đã không xây dựng đúng quy hoạch mà đã xây dựng 2 sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo, diện tích mỗi sân 500m2. Chưa hết, tại 2 vị trí quy hoạch là cổng vào và bãi đậu xe (ký hiệu số 38 và 29 trong bản vẽ quy hoạch) tiếp với đường Hồ Tùng Mậu và Trường Thi, chủ đầu tư đều đã tự ý xây dựng công trình cho thuê bán cà phê, giải khát, gốm sứ… thu về lợi nhuận mỗi tháng cả chục triệu đồng.
Rõ ràng, việc đầu tư xây dựng, kinh doanh hoạt động trong công viên trung tâm của công ty CP Trung Long trong thời gian vừa qua còn gặp nhiều khó khăn. Gần 100 lao động công ty không thể sống nhờ vào số tiền bán vé các hoạt động vui chơi. Để có thể có kinh phí tái đầu tư cho các công trình mang tính cộng đồng ở vùng lõi công viên, Công ty đã trình lên các cấp có thẩm quyền bản qui hoạch điều chỉnh theo hướng đa dịch vụ ở vòng ngoài nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Ông Trần Hồng Lam - Tổng giám đốc công ty CP Trung Long cũng đã thừa nhận sai phạm trong xây dựng và xin được nộp phạt để giữ lại công trình. Nếu như các công trình xây dựng không phép, vi phạm quy hoạch đều xin được nộp phạt và giữ lại công trình thì không hiểu quy hoạch của thành phố Vinh sẽ tiếp tục đi đến đâu. Nhiều người khi nhìn vào công viên trung tâm thành phố Vinh đều nhận định đây là khu đất vàng. Việc xem xét điều chỉnh quy hoạch cho nhà đầu tư cần dựa trên cơ sở khách quan, khoa học để công viên trung tâm trở thành một khu vực đa chức năng, đa dịch vụ, nhưng nhất thiết không thể đi ngược lại hoàn toàn với mục tiêu ban đầu là tạo ra một khu vui chơi giải trí công cộng và là lá phổi xanh, góp phần điều hoà môi trường của TP Vinh. Người dân Thành phố Vinh sẽ rất khó chấp nhận nếu trong công viên Trung tâm này xuất hiện thêm các nhà hàng, khách sạn với qui mô lớn.
Sự biến tướng mục đích sử dụng từ những dự án như: Bệnh viện Thượng Thọ Đường, Công viên hồ cá Cửa Nam… là những bài học đắt giá mà ngành Xây dựng và thành phố Vinh cần rút kinh nghiệm trong việc kiểm tra, kiểm soát tình hình trật tự trong hoạt động xây dựng trên địa bàn. Ở dự án công viên trung tâm tuy mức độ chưa đến mức không thể khắc phục được nhưng cần xử lý dứt điểm, tránh tình trạng sai phạm kéo dài, nhờn thuốc trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư nhưng cần có nguyên tắc và đúng luật.
(Xuân Hướng)