Nghệ An đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc & giáo dục trẻ em
Để làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong những năm qua, nhiều hoạt động dành cho trẻ em đã được tổ chức lồng ghép vào hoạt động của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và được các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực. Tỉnh đã tổ chức nhiều diễn đàn về quyền trẻ em; tổ chức 200 cuộc sinh hoạt nhóm gia đình và tư vấn trực tiếp hộ gia đình có trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em lao động, nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm; tổ chức 8 cuộc truyền hình trực tiếp để vận động ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; mở 31 lớp tập huấn với hơn 1000 người tham dự thuộc các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện, xã và tình nguyện viên cơ sở. Từ đó, đã đẩy mạnh truyền thông vận động, nâng cao năng lực quản lý, thực hiện các hoạt động trợ giúp kịp thời đối với các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đồng thời thông qua các hoạt động này, đã được ngăn ngừa và giảm xuống đáng kể số trẻ em có HCĐB. Vì vậy, tỷ lệ trẻ em có HCĐB được chăm sóc từ 70% năm 2006, tăng lên 80% năm 2010. Đến nay, đã có 242 em gồm: trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em lao động trong môi trường độc hại, nguy hiểm được hồi gia, trở lại trường học, tiếp cận các dịch vụ y tế, hỗ trợ khó khăn ban đầu, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, phát triển kinh tế gia đình. Trẻ em lang thang kiếm sống giảm từ 267 em năm 2006 xuống còn 25 em năm 2010. Đặc biệt, từ năm 2006 – 2010, toàn tỉnh đã có gần 1.900 trẻ em được hưởng chính sách trợ cấp; 80% trẻ em khuyết tật được chăm sóc, điều trị, trong đó, đã khám phân loại, phẫu thuật miễn phí cho 8.500 trẻ em khuyết tật các loại; trên 2300 em được phục hồi chức năng và tham gia vào chương trình giáo dục hòa nhập cộng đồng, giáo dục chuyên biệt; Hàng nghìn em khuyết tật vận động được cấp xe lăn miễn phí. Hàng chục ngàn lượt trẻ em được tặng quà, cấp học bổng nhân dịp ngày lễ, ngày Tết. Cùng với đó, 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được tiếp cận với dịch vụ y tế, hơn 300 trẻ em nhiễm HIV/AIDS có hồ sơ quản lý được cấp thuốc điều trị miễn phí.
Tuy vậy, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó có 4 chỉ tiêu bao gồm tỷ lệ trẻ em lao động nặng nhọc, độc hại, trẻ em bị xâm hại tình dục, bị buôn bán, trẻ em nghiện ma tuý, nhiễm HIV, AIDS, chăm sóc mới số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa đạt kế hoạch đề ra.
Nhằm tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh mà ở đó tất cả trẻ em đều được bảo vệ, tỉnh đã ban hành chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015. Theo đó, đối tượng của Chương trình ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực. Chương trình được thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó ưu tiên cho các huyện, xã có nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Mục tiêu cụ thể được đề ra đó là toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 3,2% tổng số trẻ em; 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển; 80% trẻ em khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chỉnh hình và phục hồi chức năng, giáo dục và các dịch vụ công cộng; 90% trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa được chăm sóc; 100% trẻ em được phát hiện bị xâm hại tình dục, bị bạo lực được can thiệp, trợ giúp.
Thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã đề ra sẽ góp phần chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, tạo cơ hội để các em được tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội phát triển.
(Hiến Chương)