Tân Kỳ: Cầu Kẻ Chiềng bị hư hỏng nặng vì mưa lũ
Cầu Kẻ Chềng thuộc xã Đồng Văn. Đây là cây cầu duy nhất nối liền 3 bản Kẻ Chiềng, Văn Sơn, Châu Thành với Trung tâm xã và huyện Tân Kỳ. Cây cầu được Nhà nước đầu tư xây dựng vào năm 2002 với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng.
Từ khi đưa vào sử dụng, cầu Kẻ Chiềng đã giúp nhân dân các xóm vùng trong của xã Đồng Văn được thuận tiện trong việc đi lại, học tập, sản xuất và giao lưu trao đổi hàng hoá, từ đó thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển. Tuy nhiên, hàng năm, do tác động của thiên tai, đặc biệt là do 2 đợt mưa lũ liên tiếp vừa qua đã làm cho 2 mố cầu bị xói lở nghiêm trọng. Kéo theo đó là mặt cầu bị sập rộng hơn 1m2, tạo thành một hố thông xuống lòng khe với chiều sâu 11m. Trong khi đó, tại những miệng hố đó lại chưa hề có cống thoát nước, nhiều đoạn không có rào chắn, nên cực kỳ nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông trên chiếc cầu này, đặc biệt là các em học sinh.
Ngay sau khi xuất hiện những lỗ hổng trên mặt cầu, chính quyền địa phương đã cho dựng tạm rào chắn, cấm các loại xe ô tô tải đi qua để bảo vệ an toàn cho người và phương tiện. Tuy nhiên, việc cấm các loại xe tải qua lại trên cầu đã khiến cho việc vận chuyển hàng hoá nông sản của bà con bị ách tắc. Nếu như thời điểm này năm ngoái, các xe ô tô tải có trọng lượng lớn đi vào tận bản để thu mua sản phẩm của bà con nông dân, thì năm nay bà con phải dùng xe bò lốp để vận chuyển hơn 4.800 tấn sắn, 17.000 tấn mía vượt qua chặng đường 7km mới ra tới trung tâm xã để xuất bán.
Đồng Văn là xã vùng sâu vùng xa của huyện Tân Kỳ, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Để tu sửa những phần cầu bị hư hỏng phải cần trên 2 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí lớn nằm ngoài khả năng chi trả từ nguồn ngân sách địa phương và huy động nội lực trong nhân dân. Bởi vậy cấp uỷ, chính quyền huyện Tân Kỳ cũng như xã Đồng Văn mong muốn các ngành chức năng cấp tỉnh quan tâm và có phương án hỗ trợ kịp thời để tu sửa cầu Kẻ Chiềng nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân và chấm dứt được tình trạng khó khăn ách tắc trong việc vận chuyển trao đổi hàng hóa nông sản của người dân địa phương.
(Phương Thảo)