Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Khó khăn trong thực hiện BHYT cho người nghèo và cận nghèo

08:17, 24/11/2011
Được nhận tấm thẻ BHYT là niềm hạnh phúc, sự an tâm của mọi người nghèo và cận nghèo. Song mỗi lần tới bệnh viện, họ lại thường gặp những khó khăn nhiều khi đến nản lòng. Trong khi đó, đối với cơ sở y tế và các ngành liên quan, đây lại là những vấn đề còn chưa dễ giải quyết.

 

  

(Ảnh minh họa)

 

 

Thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm y tế (BHYT), số người nghèo và cận nghèo tại Nghệ An được hưởng các ưu đãi trong khám chữa bệnh ngày càng nhiều hơn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 682.377 người nghèo, 112.636 người cận nghèo được cấp thẻ BHYT, tăng 235254 người so với 2010. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã được cải thiện đáng kể về cơ sở vật chất và chất lượng phục vụ. 9 tháng đầu năm có 695.754 lượt người nghèo, cận nghèo được khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế với số tiền thanh toán là: 129.019 triệu đồng. Đây là kết quả rất đáng kể của các ngành Bảo hiểm xã hội, Y tế và Lao Động TBXH các cấp từ tỉnh tới cơ sở; thể hiện sự chăm lo của Đảng nhà nước đối với những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

 

Người nghèo còn thua thiệt và nản lòng.

 

Mặc dù đã được nhà nước hỗ trợ 50%, Dự án hỗ trợ y tế Bắc Trung bộ hỗ trợ 30% đến 40%, nếu trong hộ có 100% đối tượng tham gia BHYT thì người cận nghèo chỉ phải đóng 10% mệnh giá thẻ. Nhưng toàn tỉnh hiện mới chỉ có gần 40% số người thuộc diện cận nghèo tham gia BHYT. Được nhận tấm thẻ BHYT là niềm hạnh phúc, sự an tâm của mọi người nếu chẳng may có bệnh. Nhưng với không ít người nghèo và cận nghèo, mỗi lần tới cơ sở y tế lại thường gặp những trục trặc, khó khăn nhiều khi đến nản lòng. Trước hết là những sai sót về dữ liệu trên thẻ như họ tên, ngày tháng năm sinh hoặc thẻ bị mờ, mất chữ do phôi thẻ và mực in kém chất lượng. Chỉ riêng năm 2011 đã có hơn 17.000 người nghèo và cận nghèo phải xin cấp lại thẻ do sai sót về dữ liệu. Điều đáng nói là rất nhiều người nghèo chỉ biết là thẻ của mình bị sai về dữ liệu khi tới bệnh viện khám chữa bệnh, nên không kịp thời gian làm lại thẻ, vì thế không được hưởng chế độ BHYT.

 

Tiếp xúc với nhiều bệnh nhân tại một số cơ sở y tế, chúng tôi đều nhận được lời phàn nàn là thủ tục khám chữa bệnh theo BHYT quá nhiều, làm người bệnh phải chờ đợi lâu. Trong đó, theo quy định, đối tượng khi đi khám, chữa bệnh cần mang thẻ kèm theo giấy tờ chứng minh nhân thân của người đó. Nhưng thực tế nhiều người nghèo, cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, miền núi lại không có chứng minh nhân dân, giấy tờ tùy thân có dán ảnh, nên khó khăn cho người bệnh và cả các cơ sở khám chữa bệnh. Nếu có đủ giấy tờ theo quy định, thì từ khâu làm thủ tục đăng ký ở phòng khám tới khi ra quầy thanh toán chi phí để nhận thuốc cũng phải mất đến nửa ngày.

 

Một thực tế là nhiều trạm y tế cấp xã và cấp huyện trang thiết bị còn nghèo nàn, cơ số thuốc được cấp không đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người nghèo và cận nghèo. Bác sĩ Văn Bá Sơn - Trạm trưởng trạm y tế xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Dụng cụ khám chữa bệnh của trạm rất thiếu. Cơ số thuốc cấp về thường không đáp ứng được yêu cầu của các mặt  bệnh. Vậy nên, các bệnh từ viêm họng, viêm xương hay viêm tiết niệu đều được bác sĩ cấp một loại thuốc là Amoxilin. Hay các bệnh từ cảm sốt, đau thần kinh đến đau xương, đau khớp đều được dùng chung thuốc Paraxentamon”. Cạnh đó, mỗi lần đi khám theo chế độ BHYT người bệnh chỉ được cấp số thuốc trị giá 25.000 đồng”. Vì vậy, nhiều người nghèo và cận nghèo thường phải lên tuyến trên để khám chữa bệnh, vừa gánh thêm khó khăn cho chính họ, vừa tạo nên sự quá tải của các bệnh viện tuyến huyện đến tuyến tỉnh.

 

Nhiều người dân băn khoăn mỗi khi đi khám, chữa bệnh là giá thuốc BHYT thường cao hơn nhiều so với thuốc cùng chủng loại, cùng xuất xứ và hàm lượng tại các quầy thuốc trên địa bàn. Lý giải về vấn đề này, bác sĩ Lê Đình Văn - Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Tây bắc Nghệ An cho rằng: Giá thuốc bệnh viện là giá đấu thầu chung của toàn ngành y tế. Còn giá thị trường rẻ do được cung ứng từ nhiều nguồn, không độc quyền; kể cả không ngoại trừ việc trốn thuế mà ngành chức năng không kiểm soát được?!

 

Rõ ràng đây là vấn đề mà các ngành chức năng cần phải quan tâm giải quyết.

 

Các ngành chức năng nói gì?

 

Đối với các ngành chức năng và các cơ sở khám chữa bệnh, việc thực hiện BHYT cho người nghèo, cận nghèo trên thực tế cũng đang gặp phải những khó khăn không nhỏ.

 

Do công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách hỗ trợ BHYT còn hạn chế, nên một số người dân nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm chưa đầy đủ. Ông Nguyễn Chí Tuyến - Phó Giám đốc BHXH Nghệ An cho biết: Ở không ít địa phương, mỗi lần trạm y tế xã nhận thuốc về là nhiều người dân dù không đau ốm vẫn mang thẻ BHYT đến khám và xin thuốc. Đến lúc người bệnh thực sự cần điều trị lại không có đủ lượng thuốc theo yêu cầu. Có hiện tượng người nghèo cho đối tượng không thuộc diện được hưởng chính sách mượn thẻ BHYT để khám chữa bệnh. Nhiều trường hợp người cận nghèo chỉ khi đau ốm mới xin làm thẻ BHYT để khám chữa bệnh. Những tồn tại này đã và đang làm giảm đi bản chất tốt đẹp của chính sách BHYT nói chung và BHYT đối với người nghèo , người cận nghèo nói riêng là bảo đảm chia se rủi ro giữa những người tham gia BHYT.

 

Theo ông Bùi Đình Long - Phó Giám đốc Sở Y tế, các thủ tục để khám chữa bệnh BHYT cho người nghèo và cận nghèo là khá phiền phức và quá lâu, dễ gây bức xúc đối với người bệnh, nhưng đây là quy định bắt buộc. Ngoài ra, các biểu mẫu thanh quyết toán khám chữa bệnh BHYT lại thường xuyên thay đổi, nhiều biểu mẫu phức tạp, khó khăn ngay cả đối với các cơ sở y tế.

 

Tại các bệnh viện tuyến huyện,  một số người nghèo, cận nghèo bệnh nặng, mãn tính phải điều trị dài ngày chi phí tốn kém, không có khả năng cùng chi trả cho các cơ sở khám chữa bệnh. Chính vì vậy, hiện tại ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh đang kiến nghị với Bộ Y tế và BHXH Việt Nam bỏ mức đồng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh của người nghèo và 20% chi phí đối với người cận nghèo.

 

Về vấn đề sai sót dữ liệu thẻ, ông Bùi Nguyên Lân - Giám đốc Sở Lao động- TBXH tỉnh cho rằng: nên gia hạn thời gian sử dụng thẻ BHYT cho người nghèo và cận nghèo là 24 tháng. Được vậy, cơ quan BHXH chỉ phải thống kê lại các trường hợp thay đổi hộ nghèo, cận nghèo. Với đội ngũ cán bộ cơ sở cấp xã, thôn bản còn thiếu kiến thức, nghiệp vụ và không mấy tâm huyết do phụ cấp ít ỏi như hiện nay thì việc hàng năm cứ phải phải thống kê lập danh sách lại hàng trăm ngàn đối tượng nghèo và cận nghèo để cấp thẻ thì sai sót lớn dễ hiểu.

 

Tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất, thiếu thốn về trang thiết bị khám chữa bệnh của các cơ sở y tế và thiếu cơ số thuốc tốt làm cho người nghèo và cận nghèo không được sử dụng các dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao. Lý giải nguyên nhân tồn tại này, một số cán bộ ngành y tế cho rằng: do mệnh giá thẻ BHYT của ta quá thấp. Trong khi đó, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (50%) cho đối tượng cận nghèo mua thẻ BHYT lại chưa được thanh toán kịp thời. Thế nhưng, theo số liệu của BHXH Nghệ An, năm 2010, số quỹ BHYT toàn tỉnh kết dư tới 59 tỉ đồng. Nếu tách riêng thu chi của nhóm người nghèo và cận nghèo, thì quỹ BHYT của nhóm này đã có số kết dư 56 tỉ đồng. Vậy, các đối tượng nghèo và cận nghèo còn chưa được sử dụng các dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao là do mệnh giá thẻ BHYT quá thấp, hay việc sử dụng nguồn quỹ kết dư từ các ngành liên quan quá chậm ? Việc số quỹ BHYT của nhóm đối tượng nghèo và cận nghèo kết dư quá lớn, trong khi ở một nhóm đối tượng khác thì nguồn quỹ BHYT bị âm tới 118 tỉ đồng (chỉ riêng năm 2010) là do khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người nghèo còn hạn chế, hay còn có sự bất bình đẳng trong chi phí khám chữa bệnh  giữa các đối tượng?

 

Sau cuộc giám sát việc thực hiện chính sách về BHYT cho người nghèo và cận nghèo mới đây của Ban Văn hóa xã hội - HĐND tỉnh, các vấn đề khó khăn, tồn tại nói trên đều đã được kiến nghị tới UBND tỉnh và các ngành liên quan giải quyết. Mong rằng, những người nghèo vốn kém may mắn và thường phải chịu rủi ro, bất hạnh nhiều hơn sẽ sớm bớt dần những lo toan, vất vả kể cả sự bực dọc và được hưởng các dịch vụ chăm sóc tốt hơn mỗi khi phải tới các cơ sở y tế khám chữa bệnh.

 

(Nguyễn Như Khôi)