Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghệ An tiến tới xác lập hệ thống thông tin tầm xa cho ngư dân

16:06, 06/11/2011
Nghề đánh bắt hải sản của bà con ngư dân Nghệ An những năm gần đây chú trọng theo hướng vươn khơi dài ngày. Ngoài các loại ngư cụ sử dụng khai thác thì cái mà ngư dân luôn cần đến đó là hệ thống thông tin liên lạc tầm xa để có thể cập nhật thường xuyên tin tức về thời tiết, liên lạc trên biển giữa các tàu, và giữa tàu với trạm bờ… Với tầm quan trọng đó, hệ thống thông tin

 

Ngành nghề khai thác, đánh bắt hải sản ở Nghệ An hàng năm đưa lại sản lượng lớn. Trong 10 tháng của năm 2011, tổng sản lượng đạt  trên 57.700 tấn hải sản các loại. Trong đó, có nhiều loài giá trị được xuất khẩu. Đời sống kinh tế của đại bộ phận ngư dân ven biển các huyện, thị: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và Cửa Lò được nâng lên đáng kể. Rất nhiều hộ dân đầu tư tàu to, máy lớn đánh bắt xa bờ trở nên giàu có. Đó là tín hiệu vui, khẳng định phương thức làm ăn bằng nghề truyền thống của người dân biển đã khởi sắc. Đến nay, cả tỉnh có trên 4.400 chiếc tàu cá, trong đó có 961 chiếc công suất 90 sức ngựa trở lên, thường xuyên khai thác vùng khơi. Nhưng đối với nghề đặc thù này, để đánh bắt được hải sản, thì ngư dân phụ thuộc rất nhiều yếu tố: trời yên, biển lặng, trăng lặn mới đi biển, thay đổi, thăm dò ngư trường… Tất cả phải dựa vào tình hình thời tiết, ngư trường đánh bắt, và vấn đề an ninh trên biển, tránh sự vi phạm chủ quyền vùng biển.

 

Để vừa khai thác hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và tính mạng thuyền viên, các chủ tàu nhất thiết phải thiết lập được hệ thống thông tin liên lạc, trao đổi thông tin về các vấn đề mất an toàn nếu xẩy ra sự cố, đặc biệt là kêu gọi tránh, trú bão. Nhận thức rõ về tầm quan trọng này, bước đầu tỉnh Nghệ An đã có chính sách hỗ trợ, lắp đặt 21 bộ máy thông tin, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ 21 bộ máy thông tin I.COM cho các tổ đội sản xuất khai thác vùng khơi. Thực hiện QĐ số 48 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ “về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa”, mới đây, tỉnh Nghệ An chỉ đạo Sở Thông tin và truyền thông phối hợp với trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực 6, tổ chức triển khai công tác cấp phép cho tàu cá có sử dụng thiết bị thông tin liên lạc tầm xa HF và đài bờ. Máy thông tin liên lạc  tầm xa HF xác định được vị trí kinh độ, vĩ độ,  giúp các tàu cá liên lạc được với nhau, và liên lạc với các trạm bờ với cự li lớn hơn 500 hải lý. Đối với các tàu thuyền đánh bắt ngoài khơi, máy thông tin liên lạc tầm xa HF là công cụ thông tin vô cùng quan trọng. 

 

Hiện ở Nghệ An mới chỉ có 161/961 phương tiện đánh bắt xa bờ và 5/13 đài bờ được cấp phép sử dụng tần số thiết bị liên lạc tầm xa. Các đội tàu có hệ thống thông tin này, đã chủ động hơn trong việc tìm kiếm ngư trường, hỗ trợ nhau trong sản xuất, bảo đảm thông tin liên lạc với đất liền được thông suốt, góp phần giảm rủi ro trong khai thác, chủ động trong việc bảo vệ an ninh vùng biển… Tuy nhiên, có không ít tàu thuyền do tự mua máy thông tin tầm xa lắp đặt, không qua sự kiểm soát, cung cấp tần số của trung tâm quản lí tần số vô tuyến điện, nên đã không xác định rõ tần số thu, dẫn đến tình trạng can nhiễu sóng  trong quá trình liên lạc, hoặc không thu được tần số liên lạc dùng khi cứu nạn, cứu hộ… Để thu được thông tin cần thiết từ máy thông tin tầm xa HF, đòi hỏi các chủ tàu thuyền đánh bắt xa bờ cần đăng ký sử dụng đúng các tần số tại Trung tâm tần số vô tuyến điện, theo quy định của nhà nước. Ông  Phan Văn Hoà, Trưởng phòng nghiệp vụ, Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực 6  khuyến cáo: Trước khi mua thiết bị này, nên đăng kí sử dụng tần số. Bà con sẽ nắm bắt được các tần số cần liên lạc, được in và hướng dẫn cụ thể trong giấy phép, thì có thể tiếp nhận được các thông tin quan trọng từ  an toàn cứu nạn, đến bản tin thời tiết thông báo cho đồn biên phòng gần nhất, trung tâm cứu nạn quốc gia…

 

Như vậy, việc ngư dân đăng kí hoạt động máy thông tin liên lạc tầm xa HF đúng theo quy định của cơ quan quản lý các tần số, chắc chắn sẽ tạo nhiều thuận lợi trong khai thác nguồn lợi hải sản. Theo đó, hiệu quả đánh bắt sẽ cao hơn, đặc biệt  là đảm bảo an toàn tính mạng  cho ngư dân khi xẩy ra sự cố, mưa bão lớn…Các tàu thuyền, có thể kêu gọi nhanh các lực lượng cứu hộ cứu nạn và đồng thời nhận biết mọi thông tin cần thiết qua hệ thống máy thu thông tin ở các tần số khác nhau, để tránh, trú an toàn trước mọi biến động diễn ra trên biển, ảnh hưởng xấu đến nghề nghiệp của bà con.

 

(Dương Cầm)