Nghĩa Đàn khó khăn trong xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế
Nghĩa Lạc là 1 trong 7 xã được huyện Nghĩa Đàn chỉ đạo để xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế năm 2011. Là xã vùng sâu vùng xa, tỉ lệ người dân đến khám chữa bệnh khá đông với 1800 luợt người/năm. Việc xây dựng xã chuẩn quốc gia là điều kiện để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên trong các tiêu chí để đạt chuẩn thì hiện tại xã này mới được hơn một nửa. Khó khăn lớn nhất của Nghĩa Lạc ảnh hưởng đến quá trình xây dựng chuẩn là nguồn vốn để xây dựng cơ sở vật chất. Nghĩa Lạc đã huy động nhân dân đóng góp 80 triệu đồng để xây dựng tường rào, một số công trình phụ và tiếp tục huy động nhân dân đóng góp 120 triệu đồng xây dựng, nâng cấp các phòng làm việc. Với một xã nghèo, hơn 3000 nhân khẩu, trong đó có 98,7% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Nghĩa Lạc thì việc huy động nội lực từ nhân dân gặp không ít khó khăn. Ông Hà Văn Liệu - chủ tịch UBND xã Nghĩa Lạc, cho biết: là xã đặc biệt khó khăn, việc huy động nguồn đóng góp của người dân còn nhiều hạn chế. Hiện tại, xã đã huy động đóng góp tu sửa được 10 phòng chức năng. Tuy nhiên, xã mong muốn được sự hỗ trợ của huyện để việc xây dựng đạt kết quả.
Năm 2011, huyện Nghĩa Đàn chỉ đạo 7 xã xây dựng chuẩn quốc gia về y tế, trong đó 3 xã được hỗ trợ mỗi xã 300 triệu là Nghĩa Phú, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Liên. Tuy nhiên, do điều kiện thiết tiết cũng như việc huy động nguồn vốn để xây dựng gặp khó khăn nên đến thời điểm này mới xã Nghĩa Phú hoàn thành cơ bản các tiêu chí đạt chuẩn. Huyện Nghĩa Đàn đã thường xuyên đôn đốc các địa phương, tuy nhiên một thực tế nhãn tiền là đời sống nhân dân các địa phương qúa khó khăn, việc xã hội hoá còn nhiều hạn chế. Bà Văn thị Hồng Lam- trưởng phòng y tế huyện Nghĩa Đàn cho biết: Huyện Nghĩa Đàn phấn đấu trong năm nay có từ 3 đến 4 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tuy nhiên, ở tất cả các xã cơ sở vật chất xuống cấp vì phần lớn xây dựng từ những năm 80,90… Bên cạnh đó thì các trang thiết bị y tế còn hạn chế. Trước tình hình đó, phòng đã tham mưu với UBND huyện hỗ trợ các xã, đồng thời kiến nghị với sở y tế về việc cấp các dụng cụ khám chữa bệnh cho trạm.
Xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế là cần thiết, giúp cho các địa phương ở Nghĩa Đàn nâng cao được các điều kiện khám chữa bệnh ban đầu, đặc biệt là ở các xã vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, trước thực tế khó khăn của các địa phương thì việc xây dựng chuẩn cần có sự hỗ trợ của Chính quyền cấp trên với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đồng thời các xã đã xây dựng kế hoạch cần làm tốt công tác xã hội hoá y tế, khắc phục những khó khăn, hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
(Đinh Thùy)