Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Giá thuốc tăng - trách nhiệm thuộc về ai?

09:44, 07/12/2011
Đã từ rất lâu, ở các bệnh viện đang tồn tại một nghịch lý lớn: Mặc dù đã qua đấu thầu giá thuốc trong các bệnh viện vẫn cứ tăng vọt, một số mặt hang còn có giá quá cao so với thị trường. Vậy, việc thả lỏng không quản lý, giám sát được giá thuốc, trách nhiệm thuộc về cơ quan chức năng nào?

 

Nghịch lý giá thuốc Bệnh viện

Loạn giá thuốc: Thiệt thòi về ai

 

Theo thống kê, thời điểm hiện tại, giá thuốc BHYT cao hơn ít nhất 25% - 30% giá thuốc trên thị trường. Điều này đã khiến cho những người mua thuốc phải đặt câu hỏi: Tại sao giá thuốc bệnh viện lại cao hơn so với bên ngoài? Trong khi nhà thuốc ở bệnh viện không phải thuê mặt bằng kinh doanh, không phải nạp thuế, các khoản chi phí về điện nước thì được tính vào chi phí chung của bệnh viện và dược sỹ cũng là người của bệnh viện. Ngược lại, các nhà thuốc bên ngoài nếu muốn kinh doanh thì bắt buộc họ phải tự bỏ vốn ra để nhập thuốc từ các công ty, thuê mặt bằng, phải nạp thuế và thuê người bán hàng… Ông  Lê Đình Văn- Giám đốc Bệnh viện đa khoa Tây Bắc lý giải: Khi các nhà thầu vào đấu thầu có cả chi phí đấu thầu, thuốc phải chịu một phần, khi làm thầu người ta phải đẩy giá thuốc để đảm bảo đủ các chi phí, đồng thời có lãi cho nhà thầu.

 

Bao hàm cả chi phí đấu thầu như lời ông Văn cho biết thì hầu hết mọi người đều ngầm hiểu: Đối với những đơn vị nào muốn thắng thầu của Sở y tế thì phải “chạy” và chi phí “chạy” là không nhỏ. Tất cả các kinh phí “tiêu cực” họ đã đưa vào chi phí đấu thầu đã làm giá thuốc đội lên. Như vậy, ai sẽ được lợi khi giá thuốc BV được tâng cao? Trước tiên, phải kể đến những công ty, hãng dược phẩm được chọn là nhà cung cấp thuốc cho bệnh viện. Và muốn được như thế, cũng không loại trừ việc các Công ty, hãng thuốc phải có tỉ lệ hoa hồng đậm đà cho các bệnh viện và bác sĩ kê đơn các loại thuốc đó. Ông Lê Thanh Chính- Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH một thành viên dược phẩm trung ương 1 cũng thừa nhận có tồn tại việc này tại các Bệnh viện.

 

Một câu hỏi được đặt ra ở đây đó là liệu có phải do thuốc ngoại vừa có giá trị lớn, vừa có tỉ lệ phần trăm hoa hồng cao nên luôn được ưu tiên trong quá trình đấu thấu. Dư luận còn cho rằng, có thành viên của Hội đồng đấu thầu lại là cổ đông của một công ty dược phẩm đã trúng thầu, như vậy  liệu quy trình đấu thầu ở đây có hoàn toàn công khai, minh bạch? Có hay không hiện tượng thông thầu? Việc các doanh nghiệp “chạy thầu” có phải là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng giá thuốc đấu thầu chênh lệch cao hơn so với thị trường. Và, nếu như vậy trách nhiệm này thuộc về ai. Ông Phạm Văn Hùng - Trạm trưởng Trạm y tế xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu cho rằng chủ trương của Nhà nước rất đúng, nhưng để xảy ra tình trạng loạn giá thuốc ở bệnh viện là do cả nhà t ầu và chủ thầu.

 

Đem câu hỏi này trao đổi với ông Hoàng Văn Hảo - phó giám đốc Sở y tế Nghệ An, ông Hảo cho biết, kế hoạch đấu thầu cung ứng thuốc chữa bệnh, vắc xin, sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao cho các đơn vị khám chữa bệnh năm 2011 được UBND tỉnh phê duyệt theo quyết định số 2679 ngày 13/7/2011. Căn cứ vào kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, Hội đồng đấu thầu đã lựa chọn các nhà thầu trúng thầu 8 gói thầu cung ứng thuốc, vắc xin, sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tiêu hao. Trong số 67 nhà thầu tham dự thầu thì có 61 nhà thầu đạt tiêu chuẩn về kinh nghiệm và năng lực, chiếm tỷ lệ 91%. Các nhà thầu này được đưa vào danh sách ngắn đánh giá hồ sơ dự thầu chi tiết. Hội đồng đấu thầu đã lựa chọn danh mục thuốc trúng thầu của từng nhà thầu trên mỗi gói thầu. Kết quả, trong số 1710 mặt hàng mời thầu đã có 1371 danh mục mặt hàng trúng thầu, có 19,8% mặt hàng không trúng thầu. Quá trình tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu được Sở y tế thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục đấu thầu mua sắm hàng hóa và các quy định hiện hành của nhà nước. Ông Hảo cho biết thêm: Việc đấu thầu cơ bản làm việc khách quan, chính xác minh bạch rõ ràng, được rất nhiều doanh nghiệp đánh giá Nghệ An tổ chức bài bản nghiêm túc, chưa phát hiện sự việc trong hội đồng đấu thầu có liên quan doanh nghiệp.

 

Ông Lê Đình Văn Giám đốc BV đa khoa Tây Bắc cũng đồng tình: Đấu thầu thuốc tập trung là một hình thức tương đối khách quan, và đảm bảo mặt bằng giá chung cho toàn ngành, chung 1 giá, 1 viên thuốc ở Tương Dương cũng có giá như ở TP Vinh, trong mặt bằng chung của những người có BHYT.

 

Bác sỹ Phạm Gia Vân - phó giám đốc BHXH cũng khẳng định công tác đấu thầu thuốc ở Nghệ An cơ bản nghiệm túc, đúng các văn bản quy định hiện nay đối với đấu thầu thuốc.

 

Còn về việc có hay không hiện tượng thông thầu, chia tỷ lệ phần trăm hoa hồng, hay các công ty dự thầu phải bỏ nhiều chi phí để chạy thầu làm giá thuốc đấu thầu bị dội lên cao, ông Hòang Văn Hảo khẳng định là không có. Phó giám đốc Sở y tế Nghệ An cũng cho rằng nguyên nhân dẫn tới giá thuốc thị trường thấp hơn giá thuốc BHYT có thể là do các nhà thuốc nhập các loại thuốc trôi nổi, giá rẻ không có nguồn gốc xuất xứ, trốn thuế, hoặc hạ giá thành để thanh tóan các mặt hàng đã cận hạn. Cũng không ngoại trừ nguyên nhân là còn do một số bộ phận người dân đi khám lấy thuốc bảo hiểm rồi bán lại với giá rẻ cho các nhà thuốc. Chính bởi vì những lý do đó nên cùng một loại thuốc, cùng nguồn gốc, xuất xứ, hàm lượng và hãng sản xuất nhưng mua ngoài bao giờ giá cũng rẻ hơn. Ông Lê Đình Văn, gíam đốc bệnh viện đa khoa Tây Bắc cũng có chung nhận định: Giá thuốc đấu thầu cao hơn ở ngoài, chúng tôi cũng rất băn khoăn. Qua tìm hiểu các đại lý buôn bán chúng tôi được biết ngoài lấy thuốc của công ty dược địa phương theo doanh số bán ra hàng tháng, người ta còn lấy các thuốc trôi nổi ngoài thị trường.

 

Ông Hoàng Văn Hảo cũng cho rằng, không nên so sánh một cách khập khiễng giá các loại thuốc BHYT và giá thuốc ở ngoài thị trường bởi vì giá trúng thầu được áp giá tính từ 6 tháng tiếp theo, để đề phòng các biến động giá cả, trượt giá, đồng đô la thay đổi và như vậy các doanh nghiệp sẽ không phải chịu lỗ. Cùng một loại thuốc, một bên đấu giá gốc, một bên đấu theo giá biệt dược thì giá trúng thầu cũng sẽ chênh lệch nhau. Vì thuốc biệt dược do các công ty đa quốc gia mới phát minh được quốc tế bảo hộ ít nhất là 20 năm. Và giá trị điều trị lại cao hơn thuốc gốc. Việc hội đồng đấu thầu đưa cả tên biệt dược cả tên gốc vào danh mục thuốc để các cơ sở khám chữa bệnh căn cứ vào mô hình bệnh tật, trình độ cán bộ để lựa chọn thuốc điều trị hợp lý. Hơn nữa, thuốc chất lượng cao thì giá cũng cao là chuyện đương nhiên. Vì vậy, không thể có chuyện bệnh nhân bị thiệt thòi nếu sử dụng thuốc tốt mà giá cao, bởi “tiền nào của nấy”. Nếu không mua theo kết quả duyệt giá mà tổ chức đấu thầu tập trung thì mỗi năm ngành đã tiết kiệm cho tỉnh khoảng 20 tỷ đồng.

 

Quy định hiện nay là quỹ BHYT thanh toán cho bệnh viện theo giá trúng thầu. Thông tư 10 của liên bộ Tài chính - y tế về đấu thầu thuốc vào bệnh viện quy định giá thuốc trúng thầu phải không cao hơn giá công bố gần nhất tại cơ quan chức năng. Về lý thuyết, đây là một giải pháp tốt để quản lý giá, nhưng thực tế không phải lúc nào giá công bố cũng cập nhật. Hơn nữa, thông tư 10 lại căn cứ theo hướng dẫn đấu thầu xây dựng, trong khi thuốc là mặt hàng đặc thù. Mặc dù đã nhận thấy những bất cập của thông tư 10, song đã hơn 10 lần liên bộ họp bàn nhưng vẫn chưa sửa đổi được thông tư. Chính vì vậy, việc để lọt một số mặt hàng đã đấu thầu có giá cao hơn thị trường, ông Hảo thừa nhận trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý!

 

Ông Hảo cũng cho rằng, đây cũng là do lỗi cơ chế, lỗi của cả hệ thống từ trung ương xuống. Còn Sở y tế chỉ là đơn vị thực hiện. Chuyện giá một số thuốc BHYT chênh lệch so với thị trường, nhiều người biết nhưng là tất cả đều đổ do lỗi hệ thống. “Cha chung không ai khóc” - BHYT là cái quỹ chung nên một số người vẫn nghĩ có lợi dụng một tí cũng chả thiệt cho ai. Thế nhưng, theo luật BHYT mới phần lớn bệnh nhân BHYT sẽ phải cùng chi trả 5-20% chi phí điều trị. Và như vậy, người dân nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo vốn dĩ cuộc sống đã vất vả thiệt thòi nhiều, làm sao họ có thể chấp nhận đóng những đồng tiền mồ hôi, nước mắt của mình cho chuyện nâng giá thuốc một cách phi lý?

 

(Hiến Chương)