Hiệu quả của các tuyến đê bao ven biển Quỳnh Lưu
Ngồi trong ngôi nhà vừa mới được xây dựng xong cách đây chưa lâu, chỉ tay ra khoảnh vườn trước nhà, anh Tô Văn Đại, xóm 2, thôn Yên Đại, xã Quỳnh Thuận cho biết: Để có được căn nhà khang trang, vườn rau xanh tốt và ao cá sắp đến kỳ thu hoạch như bây giờ, tất cả là nhờ có tuyến đê biển ngay trước nhà. Trước đây, khi chưa có tuyến đê này, cả khu vườn rộng đến vài nghìn mét vuông của cha anh để lại chỉ có mỗi ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng với bạt ngàn cây phi lao xung quanh. Anh nói rằng: cuộc sống từ đời cha, đời ông của anh đã gắn với biển, nhưng cũng bởi ở sát mép biển mà họ chưa bao giờ được ở trong ngôi nhà tử tế. Một phần là nghề đi biển không mấy dư dả, đã vậy cứ mỗi mùa bão hàng năm lại phải dành ra một khoản để sửa chữa và làm lại nhà ở. Còn vườn tược thì chẳng bao giờ trồng được loại cây gì ngoài phi lao vì luôn bị triều cường, sóng cuốn hoặc nước biển xâm thực.
Ngay hướng nhà anh Đại nhìn sang phía bên kia con đường, cách khoảng 50m thuộc xóm Thành Công, xã Quỳnh Long, là ngôi nhà 2 tầng sững sững trị giá gần nửa tỷ đồng đang hoàn thiện nốt những phần việc cuối cùng. Chủ nhân ngôi nhà đó là anh Phạm Ngọc Sơn và chị Đào Thị Hương. Số tiền anh chị bỏ ra để xây dựng ngôi nhà bây giờ là toàn bộ công sức anh chị gom góp hai chục năm nay đang được xây trên mảnh đất của bố anh để lại. Mảnh đất mà anh chị nghĩ sẽ không bao giờ là nơi an cư của gia đình mình bởi trước đây, anh chị không dám làm nhà vì sợ sóng, gió cuốn mất.
Anh Đại hay chị Hương chỉ là 2 trong số hàng trăm hộ dân của 3 xã vùng bãi ngang là Sơn Hải, Quỳnh Thuận và Quỳnh Long là những xã thuộc địa bàn xung yếu và thường bị thiệt hại nặng nề nhất mỗi khi bão đổ bộ vào Quỳnh Lưu. Trong đó, riêng xã Quỳnh Thuận có 5.700 dân thì đã có tới 1.700 người của các xóm Tân Xuân, Yên Thọ, Trường Tân sống ven biển. Trước đây, khi tuyến đê biển chưa được xây dựng, mỗi khi mùa mưa bão đến, hơn 1 nghìn hộ dân phải rời nhà đi sơ tán. Và thường khi trở về thì nhà cửa, vườn tược tan hoang, hoa màu bị mất trắng. Trong đó, có vài trăm hộ đã phải bỏ hẳn vùng bãi ngang này để di cư đến nơi cao hơn sinh sống do nước biển xâm thực. Bên cạnh đó, khoảng 500 hộ dân còn lại cùng với hàng chục ha đất sản xuất thường xuyên phải sống trong tình trạng sóng dập, nước biển dâng và ô nhiễm môi trường nặng nề. Dự án xây dựng tuyến đê bao ven biển Quỳnh Thuận có chiều dài 3 km, cao trình 2,5 m được triển khai và hoàn thành, đối với người dân nơi đây, tựa hồ như chiếc phao cứu sinh khi họ gặp nạn trên biển. Từ khi có tuyến đê này, không những nhiều nhà cửa khang trang, hiện đại mọc lên mà nhiều hộ cũng đã mạnh dạn đầu tư nuôi ngao và đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Toàn huyện Quỳnh Lưu có 43 xã thị thì có 12 xã có biển. Trong đó có 7 xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của biển là Quỳnh Dị, An Hòa, Quỳnh Ngọc, Mai Hùng, Sơn Hải, Quỳnh Long và Quỳnh Thuận. Đây cũng là những xã thường chịu thiệt hại nặng nề nhất cả về người, tài sản và hoa màu mỗi khi bị ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão. Để giảm thiểu tác động của thiên tai đối với cuộc sống của người dân ven biển, những năm gần đây, được sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, huyện Quỳnh Lưu đã xây dựng, củng cố được khoảng 80%, tức khoảng 28km đê bao ven biển. Các tuyến đê bao này đã góp phần rất lớn vào việc ổn định cuộc sống, sản xuất cho người dân vùng biển. Ông Nguyễn Xuân Dinh- Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND huyện khẳng định: Trước chưa có đê thì đến mùa mưa bão có thời điểm phải di dời hàng nghìn hộ dân, thiệt hại vài nghìn ha hoa màu. Giờ làm đê vừa chống biến đổi khí hậu vừa bảo vệ người dân và sản xuất.
Với thiết kế mặt đê rộng 5m, cao 2,5 đến 3,5m, các tuyến đê còn tạo ra một vành đai giao thông thuận tiện cho người dân ven biển đi lại giao thương, thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng ven biển phát triển. Tuy nhiên, để phát huy tác dụng dài lâu của các tuyến đê này đòi hỏi ý thức trách nhiệm cao trong công tác bảo vệ của các cấp chính quyền và chính người dân nơi đây.
(An Duyên)