Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Loạn giá thuốc: Thiệt thòi về ai?

10:15, 06/12/2011
Một nghịch lý đang tồn tại ở các bệnh viện lâu nay đó là tình trạng các mặt hàng thuốc bảo hiểm đã qua đấu thầu lại có giá cao hơn giá bán ngoài thị trường. Không ít người trong ngành y dược nhận định: thời điểm hiện tại, giá thuốc BHYT cao hơn ít nhất 25 đến 30% giá thuốc trên thị trường. Các nhóm thuốc kháng sinh, giảm đau là những mặt hàng có sự chênh lệch lớn nhất.

 Nghịch lý giá thuốc Bệnh viện

 

Bị mắc chứng bệnh thoái hoá khớp cột sống đã gần 10 năm nay nên hàng tháng bà Nguyễn Thị Duyên ở xóm 7, xã Quỳnh Hồng đều phải đến Bệnh viện đa khoa Quỳnh Lưu để khám và điều trị. Lần đầu đến đây, bà được bác sỹ kê đơn cho 2 loại thuốc là Appirin pH8 và thuốc giảm đau Paracetamol, quy định dùng trong vòng 1 tháng. Cầm đơn thuốc của bác sỹ, bà ra nhà thuốc của bệnh viện để mua. Đến khi thanh toán thì thuốc Appirin pH8 có giá 68.000đ/1hộp, thuốc Paracetamol có giá 55.000đ/1hộp. Nhưng khi dùng hết thuốc, bà Duyên cầm đơn này ra hiệu thuốc cạnh nhà để mua, và khi thanh toán, thuốc Appirin pH8 chỉ có giá 55.000đ/1hộp và thuốc Paracetamol 50.000đ/1hộp. Bà rất ngỡ ngàng trước sự chênh lệch này, mặc dù hai loại thuốc là của cùng một công ty sản xuất, có nguồn gốc, xuất xứ, tính năng và hoạt chất điều trị giống nhau.

 

Theo tìm hiểu của PV chúng tôi, những mặt hàng thuốc thông thường mua ở các hiệu thuốc đều rẻ hơn thuốc trong bệnh viện. Như Medotase xuất xứ từ Ấn Độ giá BHYT là 13.000 đồng/1vỉ, trong khi mua ngoài cũng loại thuốc này, có cùng hàm lượng, nguồn gốc xuất xứ nhưng giá chỉ từ 8.000-9.000 đồng. Cephotaxime là loại thuốc kháng sinh tiêm, được dùng khá phổ biến hiện nay, nhưng giá thuốc có nguồn gốc nhập khẩu từ Ấn Độ đang bán tại rất nhiều cửa hàng dược trước cổng Bệnh viện hữu nghị đa khoa tỉnh chỉ 10.000 đồng thì giá thuốc BHYT lại là 17.500 đồng. Giá thuốc chênh lệch khiến cả những người trong ngành y tế phải lên tiếng. Bác sỹ Nguyễn Hữu Sáu - phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TX Thái Hòa cho rằng: Giá tất cả loại thuốc bảo hiểm giá đều cao hơn ngoài, họ giải trình với mình do cước vận chuyển, thuế giá trị gia tăng quá cao, tuy nhiên so sánh với cước với thuế thì không thể có mức vượt cao so với giá ngoài như thế được.

 

Ông Phạm Văn Hùng - Trạm trưởng Trạm y tế xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu xót xa, sự chênh lệch về giá thuốc thì người thiệt hại là dân, không ai ngoài dân cả, ở tuyến xã người ta quy định 20.000 đồng cho 1 đơn thuốc, 1 vỉ amocilin người ta quy định 12.000 – 14.000 đồng mà ngoài thị trường chỉ có 8.000/ vỉ, thuốc như chắc, như vậy chỉ thiệt người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo và cả học sinh.

 

Nhiều cán bộ trong ngành y tế Nghệ An cho rằng, thuốc ngoại do BHYT thanh toán thường cao hơn thị trường 5-7%, đặc biệt một số thuốc điều trị các bệnh như tim mạch, ung thư, thuốc chuyên khoa sâu thì giá có thể chênh lệch so với thị trường 50-100%.  Bác sỹ Nguyễn Bá Tân - Giám đốc Trung CSSKSS Nghệ An nêu ví dụ: Que Text thử HIV của Mỹ sản xuất khi mua theo đấu thầu có giá từ 25.000 – 30.000 đồng, nếu giá cạnh tranh chỉ có 17.000 – 18.000 đồng cũng với mặt hàng đó. Bác sỹ Tân bức xúc: Khi chúng tôi hỏi các cơ quan bán hàng tại sao tăng giá nhanh thì họ trả lời đây là giá trúng thầu, tại sao đồng đô la thay đổi không nhiều  thì không có lý gì mà text nhập từ nước ngoài về lại tăng cao.

 

Để tìm hiểu về sự chênh lệch giữa giá thuốc BHYT và giá thuốc ngoài thị trường, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Hoàng Văn Hảo - Phó giám  đốc Sở Y tế Nghệ An. Lý giải về hiện tượng này, ông Hảo cho rằng: chỉ một số mặt hàng nào đó chứ không phải tất cả các mặt hàng thuốc đấu thầu giá đều cao. Phản ánh thuốc đấu thầu cao hơn là đúng, nhưng chỉ đúng ở tại một thời điểm nhất định. Chúng tôi cũng không chủ quan khẳng định rằng, tất cả các thuốc đấu thầu chúng tôi là giá thấp nhất, hoặc bằng giá thị trường nhưng nếu có lọt một số mặt hàng nào đấy giá cao thì chúng tôi sẽ bổ sung cập nhật vào các kỳ đấu thầu sau.

 

Theo như lời của ông Hảo giải thích, cùng một loại thuốc nhưng giá khác nhau là còn do nhiều hãng sản xuất, nguồn gốc xuất xứ khác nhau. Cụ thể như biệt dược Ceftriaxon Stragen có thành phần là Ceftriaxone do Ý sản xuất được Công ty TNHH Dược phẩm Nam Vinh cung cấp có giá 70.000 đồng/1 lọ tiêm. Nếu lựa chọn mặt hàng này nhưng xuất xứ từ Nga do Công ty TNHH Dược phẩm TW1 cung cấp thì giá giảm gần một nửa, chỉ có 48.825 đồng. Thế nhưng có loại thuốc cùng thành phần, hàm lượng, xuất xứ, cùng hãng sản xuất nhưng giá trúng thầu lại... khác nhau. Đơn cử như biệt dược Unigance điều trị tai biến mạch máu não, có thành phần là L-Ornithin L- Aspartat, lọ 500mg/5ml, Hàn Quốc sản xuất, do Công ty cổ phẩn dược phẩm và thiết bị y tế Đông Âu trúng thầu có giá 31.000 đồng/lọ. Cũng mặt hàng này, Công ty TNHH Dược phẩm Nam Vinh bán với giá 30.900 đồng/lọ. Trong khi đó, Công ty TNHH Một thành viên Dược phẩm TW1 chỉ bán với giá 17.325 đồng/lọ, rẻ hơn gần một nửa. Vậy, phải lý giải về vấn đề này là như thế nào?

 

Lãnh đạo một bệnh viện chuyên khoa của tỉnh cho biết riêng thuốc biệt dược cho dù các công ty có chào hàng với mức giá nào cũng trúng thầu. Nhất là các thuốc chuyên khoa hoặc các hóa chất chuyên khoa rất ít công ty có. Vì vậy, họ bán giá cao cũng phải mua, nếu giá tăng họ găm hàng không bán cũng phải chịu. Điều đó đã gây khó khăn rất lớn cho các bệnh viện trong công tác điều trị. Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề này, ông Hoàng Văn Hảo - phó giảm đốc Sở y tế cũng thừa nhận là có hiện tượng này. Trong đó, điển hình là Công ty cổ phần dược liệu Trung ương 2. Công ty này cung cấp chủ yếu các mặt hàng thuốc biệt dược, trong đó có nhiều loại thuốc mà ngành y tế gọi là “hàng độc” như biệt dược Marcaine Spinal, Timentin 3.2g, Solu-Medrol, Zantac. Những mặt hàng này gần như chỉ duy nhất công ty này có. Do vậy, việc độc quyền, gây khó dễ cho các cơ sở y tế là điều dễ hiểu. Ông Hảo cho hay: Nói là đấu thầu nhưng mà họ độc quyền, họ muốn bán thì bán không bán thì thôi, thậm chí họ đưa hàng đến bệnh viện mà chưa có tiền “tươi” trả là họ sẵn sàng xách hàng về. Sau khi họ trúng thầu xong rồi họ yêu cầu chúng tôi trước 25 hàng tháng các đơn vị phải lập dự trù các loại mặt hàng mà chúng tôi gọi là hàng độc, sau đó gửi mail ra cho họ, sau đó họ tập hợp lại rồi vào đi rải cho các đơn vị. Nhưng nếu chúng tôi loại công ty dược liệu TƯ2 đó ra khỏi đấu thầu thì đồng nghĩa bệnh nhân chúng ta không có thuốc đặc hiệu để dùng.

 

Các bệnh viện cho biết, một lần khám bệnh bảo hiểm đơn kê không được quá 200.000 đồng/1 người. Do giá thuốc cao, thay vì 3 loại thuốc thì chỉ bệnh nhân chỉ được cấp 2 loại, thay vì 10 viên giờ chỉ được 6 viên. Giá tăng lên thì liều lượng hạ xuống, đáng lẽ cho 2-3 xét nghiệm giờ người bệnh chỉ được làm 1 xét nghiệm. Mặc dù biết, khi cấp như thế liều lượng, số lượng thuốc không đảm bảo, chưa đủ thời gian theo phác đồ điều trị nhưng người bác sỹ không dám giải thích, không dám yêu cầu người bệnh mua thêm thuốc, vì sợ bệnh nhân bức xúc khi không được đảm bảo quyền lợi bảo hiểm. Chính vì vậy, đã dẫn tới tâm lý người dân e ngại khi đi khám bảo hiểm, bởi thuốc bảo hiểm không chất lượng, lâu khỏi bệnh.

 

Về phía cơ quan BHXH lại khẳng định không khống chế đơn giá cho một lần khám chữa bệnh. Cụ thể, nếu bệnh nhân bị bệnh nặng thì đơn thuốc có thể lên tới 50.000 đồng/người, nhưng nếu chỉ nhức đầu sổ mũi thì cấp phát chỉ ở mức 5.000 đồng. Điều quan trọng là làm thế nào bảo đảm khung giá bình quân chung là 20.000 đồng/lần khám là hợp lý. Hơn nữa các bệnh viện khi mua có quyền lựa chọn mặt hàng có đơn giá thấp nhất để cung ứng cho các Trạm y tế. Bởi trong danh mục các loại thuốc trúng thầu luôn có các loại thuốc có cùng hàm lượng, tác dụng như nhau nhưng xuất xứ, nơi sản xuất khác nhau và giá cả khác nhau. Ví dụ như thuốc Cefalexin do Công ty dược phẩm Hà Tây sản xuất có giá 7.800 đồng/1vỉ. Cũng hoạt chất này nhưng có tên Fudosap do Công ty dược phẩm Phương Đông sản xuất lại có giá tới 16.500 đồng/vỉ. Hoặc thuốc Amocilin do Công ty dược phẩm Tiền Giang sản xuất chỉ có giá 570 đồng/viên, trong khi đó Công ty dược - vật tư y tế Thanh Hóa lại bán với giá 1.450 đồng/ viên. Và như vậy, nếu lựa chọn mua thuốc của Công tư dược Hà Tây và Tiền Giang thì mỗi vỉ thuốc đã tiết kiệm được một nửa số tiền cho quỹ BHYT hoặc bệnh nhân. Thế nhưng, tại sao vẫn xảy ra tình trạng các bệnh viện luôn lưạ chọn mua loại thuốc đắt hơn thay vì loại rẻ mặc dù chúng có cùng công dụng như nhau. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng có sự ăn chia tỷ lệ hoa hồng giữa các doanh nghiệp và các bệnh viện, bác sỹ. Vì bác sỹ kê đơn, thuốc càng đắt thì tỷ lệ phần trăm càng lớn. Anh Thái Bá Thắng, phó phòng giám định chi BHXH nhận định: Hiện tượng đó là có, ví dụ viên amo, viên cefa có giá từ 700 - 1.000 đồng nhưng cơ sở khám chữa bệnh họ cứ chọn viên 1.000  họ lấy. Trong khi đó, loại 600-700 đồng/ viên thì họ chẳng lấy, nêú họ lấy loại này họ cấp cho xã, như vậy thì cùng một số tiền đó, xã đã có gấp đôi số thuốc, và như thế tuyến xã chẳng bao giờ rơi vào tình trạng thiếu thuốc cấp cho bệnh nhân.

 

“Trăm dầu đổ đầu tằm”. Rõ ràng, với tình trạng loạn giá thuốc như hiện nay, bệnh nhân vẫn là người chịu thiệt thòi nhất, trong đó bệnh nhân BHYT càng chịu thiệt thòi hơn. Như vậy, ai sẽ được hưởng lợi nhiều khi giá thuốc bảo hiểm được nâng lên?

 

(Hiến Chương)

 

Kỳ 3: Giá thuốc tăng: Trách nhiệm thuộc về ai?