Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nghịch lý giá thuốc Bệnh viện

14:47, 05/12/2011
Đã từ rất lâu, tại các bệnh viện vẫn tồn tại những nghịch lý lớn, đó là giá thuốc bảo hiểm y tế quá cao so với thị trường, mặc dù đã qua đấu thầu. Trong khi đó, theo Thông tư số 10/2007 của Liên Bộ tài chính - y tế về việc hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế công lập theo Luật Đấu thầu, các mặt hàng thuốc đấu thầu không được cao hơn giá tối đa được công bố tại

 

Thế nhưng, như lời một cán bộ đang công tác trong ngành y tế Nghệ An cho biết, cứ mỗi lần đấu thâù giá thuốc lại tăng cao hơn. Hiện tượng này đang gây nhiều khó khăn cho các cơ sở y tế trong công tác điều trị và gây bức xúc lớn trong người dân. Dư luận đặt câu hỏi vì sao lại có nghịch lý như vậy? Phải chăng, có điều gì chưa minh bạch trong công tác đấu thầu hay còn do một nguyên nhân nào khác?

 

Dân phát hoảng...

 

  
(Ảnh minh họa)  

Đến bây giờ, ông Hồ Văn Quyết, ở xóm 8 xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu vẫn còn cảm giác bực bội khi nhắc lại chuyện mình nằm điều trị ở bệnh viện Thành An Sài Gòn. Ông bị căn bệnh sỏi bàng quang cộng thêm u xơ tiền liệt tuyến hành hạ đã nhiều năm nay. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn không có tiền mổ nên đành phải chịu đựng. Cách đây 2 tháng, vì quá đau đớn nên ông quyết định vay mượn tiền để đi phẫu thuật. Nhập viện, ông được các nhân viên của bệnh viện Thành An Sài Gòn cam đoan ca mổ chi phí chỉ hết 6 triệu đồng. Thế nhưng sau ca mổ, bệnh viện yêu cầu ông Quyết đóng thêm 4 triệu đồng, bảo đó là chi phí thuốc men. Bình quân, mỗi ngày ông được tiêm 2 mũi Cefotaxime và truyền 2 lọ dịch. Đến hết ngày thứ 4 bệnh viện lại yêu cầu ông đóng thêm 1 triệu đồng thì mới đủ tiền thuốc tiêm trong 2 ngày nữa theo phác đồ điều trị. Đến lúc này thì ông Quyết đành phải xuất viện vì không còn đồng nào trong tay nữa. Về nhà, ông theo đơn bác sỹ đã kê tiếp tục mua thuốc về tiêm. Lúc này, ông mới bàng hoàng vì mỗi 1 lọ cefo mua ngoài hiệu thuốc chỉ có giá 10.000 đồng, mỗi lọ dịch truyền cũng chỉ có 10.000 đồng, mặc dù chúng có cùng nguồn gốc, xuất xứ và hãng sản xuất như thuốc của bệnh viện cấp. Tính ra, trong 4 ngày tiêm tại trạm xá, ông chỉ phải bỏ 135.000 đồng để mua thuốc, trong khi đó cũng 4 ngày điều trị tại bệnh viện, ông đã mất tới 4 triệu đồng.

 

Còn chị Hồ Thị Lam ở xóm 2, xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu bị căn bệnh tai biến mạch máu não hành hạ suốt mấy năm nay và đã phải đến nằm điều trị tại bệnh viện đa khoa Quỳnh Lưu. Chị cho biết, nếu ở nhà điều trị và mua thuốc ngoài thì giá sẽ rẻ hơn rất nhiều, có khi rẻ hơn một nửa. Nhưng vì đã vào điều trị ở bệnh viện thì phải dùng thuốc bệnh viện đã kê nên chị không được mua thuốc ngoài. Chị Lam nói giãi bày: Tôi là một hộ nghèo bị bệnh tai biến mạch máu não không nằm bệnh viện thì không được, ngoài mất tiền viện phí còn mất oan tiền thuốc vì giá đắt gấp đôi. Nhiều lúc muốn xin về nhà điều trị ngoại trú nhưng bác sỹ không cho. Nhà không có bảo hiểm nên tiền 2 vợ chồng tích góp cả năm không đủ cho tôi nằm viện 1 tháng.

 

Một bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện hữu nghị đa khoa tỉnh cũng phản ánh: Giá thuốc do BHYT thanh toán trong bệnh viện quá cao. Chúng tôi mắc bệnh mãn tính, thường khảo giá nhà thuốc nào rẻ nhất để mua. Cũng cái đơn thuốc ấy, khi tôi mua ở mấy nhà thuốc trước cổng bệnh viện thì có nhiều loại thuốc họ bán rẻ hơn thuốc BHYT tới một nửa.

 

Đó là tình trạng chung của các bệnh nhân phải điều trị nội trú ở bệnh viện. Còn khi người dân đến khám tại trạm y tế thì chỉ được cấp các loại thuốc cảm cúm thông thường như Amoxilin, Paracetamol, hay Medotase với khung giá kịch trần là không quá 20 ngàn đồng/người. Trong khi đó, 1 vỉ Amocilin theo giá thuốc BHYT đã có giá 14.000 đồng. Một liều thuốc được Trạm xá cấp chỉ đủ dùng trong 2 ngày, còn lại 3 ngày người bệnh phải tự mua. Nhiều người sau khi  uống hết thuốc cầm đơn ra hiệu thuốc mua thêm đã không khỏi giật mình. Bởi cùng một loại thuốc, cùng hàm lượng và xuất xứ nhưng mua ngoài hiệu thuốc 1 vỉ Amocilin chỉ có giá 8.000 đồng.  Ông Trần Văn Bín - người dân xóm 4 xã Quỳnh Ngọc tỏ ra bực bội khi đề cập tới vấn đề này. Ông cho rằng hộ nghèo, hộ cận nghèo tuy không phải bỏ tiền ra nhưng cũng chịu giá đắt hơn ngoài, còn những người phải bỏ tiền ra mua bảo hiểm thì đau hơn, vì phải bỏ tiền ra để mua chế độ ưu đãi, nhưng thực ra lại mua với giá đắt, bảo hiểm xã hội hiện nay đang rất nhiều bức xúc của nhân dân.

 

Với hơn 8.000 dân, hiện nay, xã Đông Hiếu, Thị xã Thái Hòa có tới 76% dân số có thẻ BHYT. Cũng như vậy, người dân rất bức xúc khi đi khám BHYT, cho dù bị bệnh nào bà con cũng chỉ được cấp loanh quanh mấy loại thuốc chất lượng không cao. Viêm họng, sổ mũi, viêm xương.. cũng chỉ được cấp thuốc Amocilin, hay cảm sốt, đau đầu đau thần kinh thì dùng paracetamol, trẻ em ho sốt thì dùng medotase. Bệnh không khỏi hay không đủ liều lượng thuốc, hoặc khi người bệnh yêu cầu đổi thuốc không có, thì mọi chuyện lại đổ lên đầu bác sỹ, trạm xá. Chứ họ đâu có biết là do thuốc BHYT khi trúng thầu có giá cao, nhưng khung giá chỉ cho cấp ở mức thấp như vậy. Chị Dương Thị Lan - Trạm trưởng Trạm y tế xã Đông Hiếu bày tỏ: nhiều người rất bức xúc, cảm thấy mình đi khám mà được thuốc ít, hoặc có những bệnh mà trạm đã làm dự trù rồi nhưng vẫn không có thuốc về để cấp, họ có những bệnh cần phải cấp ở tuyến xã nhưng không có họ phải lên tuyến trên, phương tiện đi lại vất vả  rồi người chở đi chở về, mất thời gian chờ đợi nên họ rất bức xúc.

 

Đã từ rất lâu tại các bệnh viện vẫn tồn tại những nghịch lý lớn, đó là giá thuốc bảo hiểm y tế quá cao so với thị trường. Nghịch lý ở chỗ, giá thuốc chữa bệnh do hội đồng đấu thầu Sở y tế tiến hành khảo sát, điều tra, so sánh, xây dựng và tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà cung cấp. Trong đó, công tác đấu thầu với nhiều thủ tục và quy định nghiêm ngặt, nhưng giá thuốc vẫn cao hơn giá trên thị trường hiện nay. Trong khi ai cũng biết rằng, mấy năm lại nay, giá cả liên tục leo thang và thuốc chữa bệnh là mặt hàng leo thang mạnh nhất. Nhưng thật khó hiểu, bởi, giá thuốc bán tự do ngoài thị trường vẫn chưa đuổi kịp giá thuốc BHYT.

 

Theo như bác sỹ Phan Văn Hòa - Trạm trưởng Trạm y tế xã Nghĩa Thuận cho biết, do mình có mở thêm phòng khám ở nhà nên nắm rất rõ giá các loại thuốc. Bác sỹ Hoà khẳng định có hiện tượng giá thuốc bảo hiểm đắt hơn ở ngoài, có loại gấp đôi, nhưng cũng có loại cao gấp 5-10 lần. Các nhóm thuốc kháng sinh, giảm đau là những mặt hàng có sự chênh lệch lớn nhất. Nếu như thế thì mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm số tiền mà các bệnh nhân là đối tượng BHYT phải nộp thêm là không nhỏ, đặc biệt số tiền bị “móc” khỏi quỹ BHYT là những con số khổng lồ. Đơn cử như xã Nghĩa Thuận mỗi năm quỹ BHYT phải chi tới 136 triệu đồng tiền thuốc. Nếu mua theo giá thị trường thì số tiền này cũng giảm ít nhất là được một nửa. Bác sỹ Hòa cho biết: thực tế khi báo giá về cho các Trạm y tế nhiều mặt hàng thuốc có giá cao hơn thị trường, cao hơn hẳn ở các nhà thuốc, gây hạn chế cho mình khi kê đơn. Vì khi giá cao lên thì số lượng thuốc giảm đi, mình phải chọn những loại thuốc rẻ nhất để cấp cho bệnh nhân được số lượng nhiều hơn.

 

Bệnh viện than...

 

Không chỉ bệnh nhân kêu mà các bệnh viện là nơi trực tiếp đứng ra tổ chức đấu thầu thuốc, mua thuốc... cũng kêu trời vì phải ràng buộc bởi những quy định. Một số bệnh viện phản ánh, có những giai đoạn đơn vị không có thuốc để phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân, bởi phải chờ đấu thầu. Tuy nhiên, việc đấu thầu năm nào cũng chậm, đơn cử như năm 2011, chậm đến 5-6 tháng. Các bệnh viện phải duy trì như giá năm ngoái hoặc có điều chỉnh như thế nào đó thì phải trình UBND tỉnh, trình Sở y tế xin gia hạn thêm. Hết thuốc, hết vật tư y tế tiêu hao nhưng vẫn không được mua của công ty khác. Kể cả giá các mặt có thấp hơn giá thuốc trúng thầu cũng không được mua ngoài. Bác sỹ Hồ Đức Dương - phó giám đốc bệnh viện Quỳnh Lưu nêu lý do: các bệnh viện phải tuân thủ theo chỉ định của Hội đồng đấu thầu của sở y tế, vì nếu mua ở công ty không trúng thầu giá thấp hơn thì không được vì kho bạc không chuyển tiền.

 

Chưa hết. Việc giá thuốc đấu thầu cao hơn giá thị trường còn gây cho các bệnh viện, các cơ sở y tế không ít khó khăn. Theo như lời bác sỹ Nguyễn Bá Tân - Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Nghệ An nói giá thuốc đầu thầu không hiểu tại sao lại tăng như vũ bão, trong khi đó mua theo giá cạnh tranh rẻ hơn. Ví dụ một đôi găng tay lúc đầu chỉ có giá 3.500-5.500, sau đó tăng lên 10.000 đồng/đôi, nếu mua ngoài Trung tâm chỉ phải mất 7.500 đồng. Một ca đẻ, Trung tâm chỉ thu được 200.000 đồng theo quy định, nhưng chi phí cho 1 ca đẻ phải dùng 10 đôi găng đã mất tới 100.000 đồng, chưa kể các thuốc khác. Hay xét nghiệm huyết học, chi phí hóa chất, cộng vào hết 60.000 nhưng theo quyết định 08 của UBND tỉnh chỉ được thu 32.000 đồng, như vậy Trung tâm đã phải chịu lỗ tới 28.000. Nhưng không làm xét nghiệm thì không phục vụ cho bệnh nhân được. Bác sỹ Tân bất bình: Nguồn thu thấp nhưng hóa chất thuốc tiêu hao tăng chóng mặt. Tôi nghĩ là các vật tư y tế tiêu hao như bông băng, cồn gạc hóa chất mua theo giá đấu thầu vừa rồi, càng làm càng lỗ. Cần xem xét, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị để có sự thi đua nhau về giá, góp phần hạ giá thành sản phẩm.

 

Một vấn đề làm cho nhiều cơ sở y tế bức xúc, bất bình đó là những công ty trúng thầu cửa quyền, nâng giá, gây khó khăn cho các đơn vị điều trị. Bởi chỉ cần giá thị trường nhích lên chút xíu, đồng đô la thay đổi, các mặt hàng thuốc, các loại biệt dược, nhất là những loại thuốc phải nhập khẩu, ngay lập tức các đơn vị trúng thầu sẽ báo hết hàng, hàng hiếm. Thực chất là găm hàng, để tăng giá kiếm lợi nhuận. Nếu không mua theo đấu thầu mà mua theo giá cạnh tranh thì có khi lại rẻ hơn, mà việc cung ứng thuốc lại kịp thời. 

 

Vậy, trong  thực tế tình trạng loạn giá thuốc đang diễn ra như thế nào và khi giá thuốc bảo hiểm bị đẩy lên cao, người phải gánh chịu thiệt thòi nhất đó là ai?

 

(Hiến Chương)

 

Kỳ 2: Loạn giá thuốc - Thiệt thòi về ai?