Ẩn hoạ từ những cơ sở phế liệu trong khu dân cư
Đã nhiều ngày trôi qua, kể từ sau vụ nổ kinh hoàng tại kho phế liệu ở tỉnh Bắc Ninh cướp đi sinh mạng của 2 cháu bé và làm nhiều người bị thương. Ngay sau đó,cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam chủ kho phế liệu. Từ vụ việc đau lòng này, dư luận đặt câu hỏi: nếu công tác quản lý Nhà nước các cơ sở thu mua phế liệu không được siết chặt thì nguy cơ cháy nổ, tai nạn như đã xảy ra tại Bắc Ninh có thể tái diễn tại nhiều địa phương khác.
Tại một cơ sở tái chế sắt ở xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, dù quan sát kỹ vẫn rất khó để tìm thấy một thiết bị PCCC nào để ở nơi dễ thấy, dễ lấy như quy định. Trong khi đó, ở một cơ sở thu mua, kinh doanh phế liệu khác, dù bình chữa cháy được trang bị khá đầy đủ, thế nhưng, nhìn vào những đống phế liệu được tập kết không ra hàng ra lối, liệu cả chủ và công nhân ở đây có xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra?
Cơ sở tái chế sắt ở xã DIễn Hồng, huyện Diễn Châu không bố trí hiết bị PCCC theo quy định. |
“Sự cố thì không biết trước được, chúng tôi cũng chỉ biết cố gắng nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ” – chia sẻ của ông Dương Văn Hoà - Xóm 4, xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu.
Anh Trần Xuân Tùng - Chủ cơ sở thu gom phế liệu xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu chia sẻ thêm: “Bản thân tôi thường xuyên nhắc nhở anh em công nhân phải chú ý công tác phòng chống cháy nổ, chủ động phổ biến nội quy của xưởng cho các công nhân mới”.
Điều kiện làm việc tại cơ sở thu mua, kinh doanh phế liệu không đảm bảo an toàn lao động cho công nhân. |
Ngay sau vụ nổ xảy ra ở Bắc Ninh, tại Diễn Hồng cũng như nhiều địa phương có cơ sở thu mua, tái chế phế liệu đã thành lập các đoàn để tiến hành kiểm tra, rà soát... Tuy nhiên, đây chỉ việc làm mang tính hình thức khi nguy cơ thì vẫn luôn tiềm ẩn mà công tác quản lý thì vẫn theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”.
Nguy cơ cháy nổ vẫn tiềm ẩn từ đồ phế liệu. |
Ông Kiều Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu cho biết: “Nguy cơ tiềm ẩn tại các cơ sở thu mua phế liệu vẫn rất cao. Bởi lưu lượng hàng thường xuyên quay vòng, sơ suất của công nhân rất có thể xảy ra. Chúng tôi chỉ đạo tăng cường kiểm tra các cơ sở phế liệu”.
Không phải đến vụ nổ ở Bắc Ninh mới đây hay vụ nổ ở Hà Đông trước đó, ngay trên địa bàn tỉnh nói chung hay Diễn Hồng nói riêng đã từng xảy ra các vụ nổ phế liệu gây chết người. Riêng tại thành phố Vinh, gần 30 cơ sở thu gom, kinh doanh phế liệu nằm giữa các khu dân cư hiện vẫn đang hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người dân đang phải đối mặt với ẩn hoạ mỗi ngày.
Công tác quản lý cơ sở phế liệu chưa có quy định rõ ràng gây khó khăn cho cơ quan chức năng. |
Nói về những kho khăn trong công tác quản lý cơ sở phế liệu, Trung tá Nguyễn Văn Thành - Phó Đội trưởng Đội kiểm tra an toàn PCCC Phòng 1, Cảnh sát PCCC Nghệ An cho biết: “Vì không nằm trong danh mục quản lý nên công tác quản lý các cơ sở thu mua phế liệu gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian tới đề nghị chính quyền các cấp, các văn bản Nhà nước đưa nội dung này vào danh mục quản lý và có biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ cho các cơ sở thu mua phế liệu”.
Không ít chủ cơ sở vì lợi nhuận, nhiều công nhân, người lao động chủ quan trong công tác phòng chống cháy nổ nên đã xảy ra những sự việc đau lòng, thậm chí phải đổi bằng cả tính mạng. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn, ngoài việc bản thân người lao động phải nâng cao ý thức chấp hành ATLĐ – PCCN, đòi hỏi cơ quan chức năng phải có chế tài cụ thể, thường xuyên thanh kiểm tra và xử phạt những vi phạm mới phát sinh./.
An Duyên - Đăng Lâm - Quốc Toàn