Tăng tuổi nghỉ hưu, vì sao chưa thể đồng thuận?
08:34, 19/01/2018
Với bộ máy, chất lượng nguồn nhân lực như hiện nay thì không thể kéo dài tuổi nghỉ hưu theo mệnh lệnh hành chính mà cần cân nhắc, chọn lựa.
Câu chuyện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các lao động lại tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH cần tính toán tuổi nghỉ hưu cho hợp lý để đưa vào Bộ luật Lao động sửa đổi tới đây.
Tăng tuổi nghỉ hưu không thể "dàn đều" ở tất cả các đối tượng, ngành nghề. (ảnh minh họa) |
Tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, khi dân số bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa, tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã tăng lên (73 - 74 tuổi).
Nhưng vì sao phương án tăng tuổi nghỉ hưu đối với cả nam và nữ lại vấp phải phản ứng đa chiều như vậy? Sở dĩ, người lao động còn phản ứng, còn băn khoăn với kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu là vì còn quá nhiều điều chưa minh bạch, công khai: việc sử dụng quỹ thế nào, cân đối quỹ ra sao, tăng tuổi nghỉ hưu có phải là để bù đắp cho phần thiếu hụt, đảm bảo cho an toàn quỹ hay không? Kéo dài tuổi nghỉ hưu liệu có tác dụng khi mà bộ máy còn quá cồng kềnh, nhiều người khi sắp đến tuổi nghỉ hưu chỉ đến chủ yếu để “điểm danh” hoặc nhiều đối tượng khác làm việc trong các khu vực sản xuất trực tiếp, độc hại... có thể bị sa thải, mất việc bất cứ lúc nào. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp với đặc thù sản xuất kinh doanh nên chỉ tuyển lao động trẻ. Thế nên tình trạng lao động tuổi 35 đã bị sa thải đang là thực trạng đáng báo động hiện nay. Chưa kể, với công nghiệp 4.0, sẽ giảm bớt các lao động tay chân thì liệu việc kéo dài tuổi nghỉ hưu với các đối tượng này có khả thi? Đó là còn chưa kể, thị trường lao động hiện đang có nguồn nhân lực khá dồi dào, thậm chí dư thừa, nên phải tính toán khi tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có bao nhiêu người mất cơ hội có việc làm và cách nào để thu hút được nguồn lực lao động trẻ sáng tạo, có trình độ?
Trong khi đó, sức ỳ của lao động Việt Nam còn khá lớn, đặc biệt trong khu vực hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, khi nhiều người còn đang ở tuổi sung sức, là một nhân tố trong một guồng máy lớn nhưng rất trì trệ. Thực tế này ai cũng nhìn thấy, đó là bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả; năng suất lao động thì thấp kém nhất trong khu vực (thua Lào).
Thêm vào đó, trong một thời gian dài cách tính lương hưu không công bằng giữa đóng – hưởng (đóng ít hưởng cao), cộng với cách quản lý quỹ chưa hiệu quả nên dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ mà nhiều chuyên gia đã cảnh báo. Với tỷ lệ hưởng lương hưu thuộc hàng cao nhất thế giới, Việt Nam cần phải thay đổi cách tính lương hưu để quỹ bền vững hơn.
Rõ ràng, với điều kiện kinh tế -xã hội phát triển, sức khỏe, tuổi thọ của người Việt Nam được nâng cao hơn trước rất nhiều, nếu để tuổi nghỉ hưu của nữ là 55 tuổi và 60 tuổi đối với nam thì nhiều khi rất lãng phí. Nhưng cách làm thế nào thì các nhà hoạch định chính sách phải nghiên cứu kỹ, không thể cào bằng. Phải coi kéo dài tuổi nghỉ hưu là quyền lợi của người lao động. Có nghĩa, chỉ kéo dài tuổi nghỉ hưu với những người thực sự có năng lực, thực sự có nhu cầu làm việc chứ không “kéo bè, kéo mảng” để dung dưỡng một bộ máy kém hiệu quả, tham quyền cố vị.
Quan trọng nhất, trong cách tính hưởng lương hưu, cần chuyển đổi từ hệ thống hưu trí thực thanh thực chi sang hệ thống tài khoản tích lũy cá nhân nhằm giảm bớt rủi ro do quá trình già hóa dân số và tạo sự công bằng giữa các thế hệ. Nghĩa là, tiền đóng BHXH của người tham gia BHXH sẽ được tích lũy vào một tài khoản riêng và được đầu tư để tạo nguồn chi trả cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu. Tài khoản này giống như một tài khoản tiết kiệm, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít thì hưởng ít./.
Theo vov.vn