Khi công nghiệp về làng
Cứ vào dịp cuối năm, những chuyến xe rời các khu công nghiệp về quê ăn Tết từng là nỗi ám ảnh của những lao động xa quê. Giờ chuyện đó chỉ còn là dĩ vãng với rất nhiều lao động Nghệ An. Sự thay đổi này bắt nguồn khi có công nghiệp về làng.
Khoảng cách từ xã Mỹ Sơn sang Công ty may Minh Anh – Đô lương đóng tại xã Quang Sơn chưa đầy 5 cây số. Với công nhân Nguyễn Thị Loan, để đi làm hay về nhà ăn Tết thì nó đã gần hơn rất nhiều so với quãng đường từ quê Mỹ Sơn đến Khu công nghiệp Bình Dương – nơi mà chị đã từng có 8 năm làm công nhân.
Chia sẻ của chị Nguyễn Thị Loan: “Đi làm xa nhà mỗi lần về quê ăn Tết rất khó khăn, lại tốn kém. Bây giờ được làm gần nhà đỡ cho tôi rất nhiều khoản chi, việc đi lại cũng thuận tiện, đỡ vất vả hơn”.
Được làm việc gần nhà, thu nhập ổn định là động lực để các công nhân gắn bó với công việc. |
Nơi những công nhân nhà máy may này đang làm việc, cách đây chưa đầy một năm còn là những mảnh ruộng sục bùn. Trong số hơn 1.000 công nhân của nhà máy có những người như chị Loan nhưng cũng có rất nhiều lao động cách đây chưa lâu còn chân lấm, tay bùn trên những mảnh ruộng quê. Làm công nhân có nhiều cái khác so với làm ruộng nhưng cái khác rõ nhất, năm nay họ sẽ có một cái Tết tươm tất hơn.
Chị Nguyễn Thị Trúc – Công nhân làm việc tại Công ty may Minh Anh - Đô Lương phấn khởi chia sẻ: “Cuộc sống làm nông vất vả nắng mưa, có những vụ mùa thất bát cuộc sống khó khăn. Đi làm công nhân có thu nhập cao hơn so với làm nông và ổn định nên sinh hoạt gia đình cũng bớt khó khăn hơn”.
Nỗi vất vả của các công nhân được san sẻ, nhất là dịp Tết đến xuân về. |
Trước những kết quả tích cực cả phía công ty và người dân địa phương, ông Nguyễn Đình Sinh - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn CP Minh Anh cho biết: “Tôi cũng rất phấn khởi khi về đầu tư ở đây. Công nhân địa phương siêng năng cần cù, chịu khó, làm quen với công việc rất tốt, năng suất không thua ai. Công ty chúng tôi cũng rất cảm ơn lãnh đạo tỉnh, huyện đã tạo điều kiện hết mức về các thủ tục để nhà máy vượt tiến độ. Với đà này, năm 2018, dự kiến công ty sẽ tuyển thêm, nâng tổng số công nhân lên hơn 2.000 lao động làm việc ở nhà máy”.
Có thể thấy, với sự mọc lên ngày càng nhiều các nhà máy công nghiệp, đặc biệt là các công ty dệt may ngay trên những vùng quê lúa thuần nông như: Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu... hay các vùng miền núi Thanh Chương, Anh Sơn... đã giải quyết được rất nhiều vấn đề từ việc làm đến an sinh xã hội của các vùng quê.
Công nhân chia vui cùng công ty trong chương trình "Tết sum vầy" dịp cuối năm. |
Chia sẻ sau thời gian làm công nhân tại Công ty may Đông A Vinh, xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, chị Dương Thị Vân cho biết: “Công việc thuận tiên cho tôi chăm sóc gia đình. 16h30 tan ca, mình có thể về nhà chăm sóc cho con cái rồi cơm nước cho gia đình”.
Từ hiệu quả của các dự án khu công nghiệp trên địa bàn mang lại cho người dân nói riêng, địa phương nói chung, ông Ngọc Kim Nam - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương bày tỏ mong muốn: “Ngoài đảm bảo thu nhập cho công nhân, chúng tôi mong muốn các nhà máy sau này sẽ nâng cao các dịch vụ như: y tế, giáo dục, thương mại... giúp phát triển kinh tế vùng”.
Công nghiệp "về" làng góp phần cải thiện cuộc sống của người dân ở các vùng quê. |
Ly nông nhưng không ly hương, đó là cái được lớn nhất khi đưa công nghiệp về làng. Không chỉ giải quyết một lượng lớn lao động nông nhàn, các nhà máy mở ra còn gián tiếp giúp các gia đình nông thôn có điều kiện sum vầy để phát triển. Lực lượng lao động chính không phải rời quê mưu sinh cũng làm giảm dần hình ảnh những xóm làng chỉ còn ông già, bà lão và con trẻ./.
Xuân Hướng – Trường Ca – Mai Thanh