Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Quất, Đào, Mai... và nỗi niềm ngày 30 Tết

11:52, 15/02/2018

Ngày 30 Tết, những bước chân đã bớt vội vã, dòng người trên phố cũng thưa dần, người người gác lại mọi lo toan để về sum vầy, đón năm mới bên gia đình, thì những người bán cây cảnh trưng Tết lại đang chất chồng… nỗi lo. Họ sốt ruột với "canh bạc" của mình, không bán được cây, có nghĩa không có Tết.

 

May rủi tựa “canh bạc”

Sáng 30 Tết, dạo quanh khu vực bán hoa, cây cảnh truyền thống trên các tuyến đường thành phố Vinh như: Công viên Trung tâm (Lê Mao – Trần Phú), Phan Đình Phùng,… vẫn bạt ngàn Đào, Quất, Mai,… nhưng người mua thì thưa thớt. Người đến đây bán hoa, cây cảnh là người dân tứ xứ từ Bắc, chí Nam đổ về đây với mong muốn mang cây cảnh đặc trưng vùng miền phục vụ người tiêu dùng. Nhưng ngặt nỗi, buôn “của hàng hoa” rủi ro quá lớn.

a
Cảnh vắng vẻ tại Công viên Trung tâm (đường Lê Mao - Trần Phú).

Ông Lam ở xã Nam Mỹ, tỉnh Nam Định có kinh nghiệm hơn 10 năm đi buôn Đào Tết tại Vinh. Loại Đào ông bán chủ yếu là Đào Nhật Tân mang từ Nam Định vào, giá thuộc hàng “mềm” hơn so với các loại Đào khác nhưng năm nay không tránh khỏi cảnh ế ẩm. Tay vừa tháo lớp giấy bọc cây, ông Lam vừa chia sẻ: “Trồng đào 1 năm trời chỉ trông vào những ngày Tết. So với những năm trước, giá bán năm nay rẻ hơn rất nhiều, chỉ giao động 300.000 – 400.000 đồng/1 cây nhưng vẫn bán chậm. Bán đào từ ngày 24 tháng Chạp, với 300 gốc đào đến hôm nay mới hết một nửa. Như những năm trước đến ngày 29 là hết hàng, năm nay, cha con tôi sẽ không kịp đón Giao thừa ở nhà”.

a
Nhiều gốc đào vẫn được bọc kín trong sáng 30 Tết.
a
Đào Nhật Tân được thương lái từ Nam Định đưa vào Vinh bán.
a
Tồn hàng, nhiều thương lái ở tỉnh xa đến không kịp trở về đón Giao thừa cùng gia đình.

Cùng một tâm trạng, một thương lái ở phường Vinh Tân, thành phố Vinh cũng có hơn 10 năm bán Quất chia sẻ thêm: “Năm nay hàng bán ế ẩm. Từ tháng 6 âm lịch tôi đã ôm vốn đi Nam Định chọn từng cây Quất. Chăm chút, mong ngóng đến ngày cuối năm để lo cái Tết cho gia đình nhưng đến hôm nay coi như “thua bạc”. Giá bán mềm hơn rất nhiều so với những năm trước và đến hôm nay, giá bán coi như bằng giá nhập nhưng bán đếm từng cây. Không bán hết, tôi phải đàm phán với nhà vườn để gửi cây nhờ chăm sóc. Cây đẹp, tiếc quá nên vẫn phải chấp nhận thua lỗ, vận chuyển về lại nhà vườn nếu hôm nay không bán hết”.

a
Hàng bán Quất  sáng 30 Tết vắng người mua.
a
Người bán hàng vẫn chăm chút vẻ ngoài cho cây.
a
Người mua hàng chậm rãi chọn cây.

Đào, Quất là những loại cây được ưa chuộng hơn cả trong ngày Tết đều chung cảnh “ế ẩm”, không khí mua bán tại các hàng Mai cảnh còn ảm đạm hơn.

a
Chủ hàng Mai "thảnh thơi" chờ khách ngày cuối năm.
a
Các dịch vụ ăn theo như chở cây chung cảnh ngồi đợi.

Để ai cũng vui như Tết

Có nhiều lý giải cho thị trường Quất, Đào ảm đạm như: kinh tế khó khăn, có nhiều loại cây cảnh mới độc đáo hút khách,… nhưng có một lý do mà khiến người bán hàng mỗi năm thêm lo lắng là người dân chờ đến ngày 30 mới chịu đi mua để “ép giá” người bán.

Nhiều cành đào vẫn buộc chặt dây...
Nhiều cành đào vẫn buộc chặt dây...
a
Người bán đào tràn xuống đường "đợi khách" trên đường Phan Đình Phùng...
Cùng ánh mắt lo lắng trong ngày cuối cùng của năm.
Cùng ánh mắt lo lắng trong ngày cuối cùng của năm.

Những giờ qua, trên mạng xã hội đã xuất hiện những hình ảnh đêm 30 Tết Nguyên đán 2017, người dân ở Sài Gòn ùn ùn đổ ra đường để “hôi hoa”, còn người nông dân, tiểu thương chấp nhận đập bể chậu, đập nát hoa vì bị trả giá quá rẻ… khiến nhiều người xót xa, kèm theo đó là thông điệp kêu gọi: “Đừng đến 30 mới mua hoa chơi Tết”. Người trồng hoa quanh năm vất vả, chăm sóc tỉ mỉ, đến khi cuối năm họ chấp nhận đứng giữa trời mưa rét, đêm ngủ co ro trong bạt để mang hoa lên phố, đem không khí Tết đến cho mọi nhà.

a
"Thuận mua vừa bán" để mọi người cùng "vui như Tết".

Năm nay, Tết đã cận kề, để ai cũng trọn niềm vui, người bán đừng hét giá “trên trời”, còn người dân hãy đi mua để ai cũng được “vui như Tết”, chứ không phải “kẻ khóc, người cười”.

Thùy Dương