Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Báo động tình trạng mất an toàn lao động trong khai thác khoáng sản

11:55, 02/05/2018

Trong số các vụ tai nạn lao động xảy ra trên địa bàn tỉnh năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, tai nạn lao động trong khai thác khoáng sản chiếm tỷ lệ cao. Điều đó cho thấy, vấn đề an toàn lao động trong khai thác mỏ còn nhiều tồn tại, cần sớm được khắc phục.

Nằm trong cụm công nghiệp vừa và nhỏ của xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, mỏ đá hoa trắng Thung Còn được cấp phép khai thác trên diện tích hơn 14ha, thời hạn khai thác 25 năm. Hiện tại, mỏ đá này có 3 khu vực khai thác mất an toàn lao động, với cách thức khai thác theo kiểu hầm ếch, phía trên là hàng ngàn mét khối đá treo lơ lửng có nguy cơ rạn nứt, sạt lở, phía dưới chân mỏ công nhân đang làm việc, tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

a
Tiềm ẩn nguy hiểm tại các điểm khai thác mỏ.

Chia sẻ của anh Vi Văn Quang ở xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp: “Tôi trước đây làm ngoài xưởng chế biến, vào lái máy ở mỏ đá này được 2 năm. Hàng ngày lái máy dước chân núi cũng lo sợ bị sập đá".

a
Điều kiện sinh hoạt của các công nhân ở nhiều mỏ tạm bợ, không đảm bảo điều kiện an toàn.

Trao đổi về vấn đề an toàn lao động tại mỏ, ông Đặng Thúc Vinh – Phó Giám đốc Công ty CP Khoáng sản và Thương mại Trung Hải: “Hiện nay, công tay đang tập trung khắc phục những tồn tại về an toàn lao động như: ngừng khai thác, đánh sập tất cả khối đá treo, hầm ếch, thực hiện cắt lớp từ trên xuống đến khi hoàn chỉnh mới tiếp tục khai thác trở lại”.

Tại xã Châu Hồng có 14 cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản. Mỏ thiếc Thung Lùn của Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Tân Hoàng Khang trải rộng hơn 10ha. Để khai thác được quặng ở độ sâu hàng chục mét, công nhân phải khai thác kiểu “hầm ếch” và thiếu các phương tiện bảo đảm an toàn lao động, nguy cơ xảy ra sập hầm rất cao. 

Phương pháp khai thác kiểu
Phương pháp khai thác kiểu "hàm ếch" tiềm ẩn nhiều nguy cơ sập hầm.

Nói về công tác đảm bảo an toàn lao động cho công nhân, ông Nguyễn Văn Thủy – Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Tân Hoàng Khang cho biết: “Công ty đã trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho công nhân, quy định an toàn trong khai thác mỏ; đồng thời đơn vị tiến hành khắc phục xả thải bùn đất, hầm ếch để đánh giá tác động môi trường, qua đó đảm bảo an toàn lao động cho anh em công nhân”.

Đến nay, Quỳ Hợp có gần 50 điểm mỏ còn hạn được phép hoạt động, hầu hết các mỏ được phân bổ chủ yếu trên địa bàn 8 xã. Nhiều mỏ nằm ở vùng sâu, vùng xa, núi cao, hiểm trở, đi lại khó khăn. Gần đây, người dân liên tục phản ánh về mất an toàn lao động, những bất cập và hậu quả do khai thác, chế biến khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường, sạt lở bờ sông…

a
Nước từ các mỏ xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Khôi – Phó trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường Quỳ Hợp cho biết: “Tại 30 điểm mỏ đoàn liên ngành của huyện tiến hành kiểm tra đã đình chỉ tạm thời 14 mỏ chưa quan tâm về an toàn lao động, chưa chấp hành nghiêm túc bản đánh giá tác động môi trường. Huyện sẽ tiếp tục quyết liệt trong kiểm tra các điểm mỏ, kiên quyết đình chỉ các mỏ không đảm bảo điều kiện an toàn lao động, trường hợp vượt quá thẩm quyền sẽ báo lên UBND tỉnh để có hướng xử lý triệt để”.

Thực tế này cũng đặt ra trách nhiệm cho các ngành chức năng của huyện Quỳ Hợp để kiên quyết xử lý kịp thời đối với các vi phạm của các doanh nghiệp có hoạt động về khai thác mỏ, khoáng sản; Chấm dứt khai thác không đảm bảo các điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động và hủy hoại môi trường.

Huy Cung – Quốc Toàn