Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Nguy cơ tổ ấm thành nhà trọ

08:25, 28/06/2018

Các chuyên gia tâm ký lo rằng nếu không tìm được giải pháp cân bằng cuộc sống, nhiều cặp vợ chồng sẽ biến tổ ấm thành nhà trọ.

Cuộc sống hiện đại với bao mối lo toan đang khiến nhiều gia đình vơi dần quỹ thời gian dành cho nhau. Các chuyên gia tâm lý lo rằng nếu không tìm được giải pháp cân bằng cuộc sống, nhiều cặp vợ chồng sẽ biến tổ ấm thành chỗ trọ, đồng thời tạo vách ngăn ngày càng lớn trong mối quan hệ vốn phải rất khắng khít giữa cha mẹ và con cái.

Thế nhưng vẫn còn không ít gia đình ngày qua ngày tìm mọi cách giữ nếp nhà để tạo môi trường tốt nhất cho con cái phát triển toàn diện.

Trẻ cần có nhiều thời gian vui chơi cùng cha mẹ.
Trẻ cần có nhiều thời gian vui chơi cùng cha mẹ.

Nhà cách chỗ làm hơn 10km nên ngay sau khi tan sở, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, một người dân ở quận Thủ Đức, TP HCM vội vã chạy xe về nhà để lo bữa tối cho chồng và hai con.

Nhiều lúc bạn bè thắc mắc sao chị thích tự làm khổ mình, để cả nhà ăn ngoài chẳng phải tiện lợi hơn sao. Những lúc như vậy chị chỉ cười rồi lật đật xách túi nhỏ túi to chạy vào thang máy. Thế nhưng đồng nghiệp đâu biết được nấu những món ngon, được tắm rửa, ôm ấp con là điều khiến chị hạnh phúc nhất.

Sau bữa cơm chung, cả nhà chị Nhung cùng trò chuyện, kể nhau nghe về những việc diễn ra trong ngày. Những lúc cùng ăn, cùng học, cùng chơi với con, chị Nhung luôn khéo léo dạy điều này, dặn điều kia cũng như tìm hiểu tâm tư con thế nào.

Nhờ vậy mà đến bây giờ, có gì cậu con trai 6 tuổi và cô con gái 13 tuổi cũng tâm sự rồi tìm lời khuyên nơi mẹ. Tiếng cười giòn tan của con, ánh mắt ấm áp của chồng khiến chị quên đi ngày dài mệt mỏi nơi công sở.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung vui vẻ nói: “Sau giờ làm mọi người thường đi ăn uống, vui chơi nhưng mình rất ít dành thời gian cho những việc đó. Vì con mình đang tuổi lớn nên việc chơi cùng con, dành thời gian cho con rất quan trọng. Hàng ngày là vậy, còn thứ Bảy, Chủ nhật, mình sẽ nghĩ ra việc sẽ đưa các con đi đâu đó để con tiếp xúc với môi trường xung quanh, thế giới bên ngoài”.

Có hai cậu con trai đang độ tuổi tiểu học và sống cùng bố mẹ nên dù bận rộn đến mấy chị Phạm Thúy Hà, một người dân ở Quận 4, TP HCM cũng vun vén thời gian để chăm sóc tốt nhất cho những người thân yêu.

Chị Hà chia sẻ: “Đối với gia đình trẻ hiện nay đa phần ba mẹ đều bận bịu với công việc nên đôi khi họ ít có thời gian để gặp gỡ nhau. Nhưng riêng đối với gia đình tôi từ bao năm nay vẫn duy trì nề nếp là phải có những bữa ăn chung. Trong những bữa ăn như vậy bao giờ cũng có ông bà, bố mẹ và con cái. Chúng tôi chia sẻ về công việc hàng ngày cũng như những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống”.

Không chỉ duy trì bữa cơm gia đình, chị Hà cùng chồng còn rèn nhiều thói quen tốt cho con trẻ từ nếp sinh hoạt của cả nhà. Gia đình chị dù người lớn hay trẻ nhỏ cũng đều tuân thủ nội quy “đi thưa - về trình”.

Các thành viên luôn dành thời gian hỏi thăm sức khỏe, động viên nhau mỗi ngày. Chị còn dạy con phải biết chăm sóc, dành nhiều thời gian ở bên ông bà. Tuân theo nếp nhà từ bé nên giờ đây không cần ai nhắc nhở, cứ đến tối, hai con của chị Hà chia nhau bé phụ mẹ rửa chén, bé phụ quét nhà và treo màn cho bà ngủ. Với chị Hà, chỉ cần mỗi ngày con học một điều có ích và biết sống vì người khác là mục tiêu giáo dục của gia đình đã thành công.

Theo Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP HCM, nếp nhà ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển và quá trình hình thành kỹ năng sống của trẻ. Trong đó, bữa ăn chung là yếu tố quan trọng nhất tạo nên nếp nhà.

Khi cùng nhau nấu, bày bàn ăn, ăn chung, trò chuyện trong bữa ăn, các thành viên trong gia đình sẽ có nhiều cơ hội bày tỏ tình yêu thương và sự quan tâm lẫn nhau. Vậy nên thay vì đưa con đi học lớp kỹ năng này khóa đào tạo kia, các bậc phụ huynh có thể giáo dục con trẻ nhiều kỹ năng ngay trong việc duy trì bữa cơm gia đình. Điều quan trọng là phải giữ cho mái nhà luôn là tổ ấm, nơi các con cảm nhận rõ nét nhất tình thương yêu và sự quan tâm của cha mẹ, ông bà.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy nói: “Nếp nhà là toàn bộ những lối sống của các thành viên trong cùng một gia đình để tạo nên không gian sinh hoạt chung cũng như nề nếp của chính gia đình đó. Tôi đánh giá cao việc xây dựng nếp nhà trong quá trình tác động đến sự phát triển của con trẻ.

Chỉ cần cha mẹ luôn cạnh bên quan sát, yêu thương, giáo dục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, con trẻ sẽ vui vẻ lớn khôn mỗi ngày.
Chỉ cần cha mẹ luôn cạnh bên quan sát, yêu thương, giáo dục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, con trẻ sẽ vui vẻ lớn khôn mỗi ngày.

Muốn con nên người, cha mẹ hãy tạo ra một nếp nhà thực sự có nề nếp. Chúng ta là người làm gương tốt nhất cho con và khi đó con sẽ học được những điều tốt đẹp nhất từ chính cha mẹ trong những hành vi hàng ngày”.

Để giữ được nếp nhà, vai trò của cha mẹ là rất lớn. Các chuyên gia cho rằng, đừng đòi hỏi quá nhiều ở con cái hay bắt trẻ phải tuân theo quá nhiều nguyên tắc. Đó không phải là cách giáo dục tốt. Chỉ cần cha mẹ luôn cạnh bên quan sát, yêu thương, giáo dục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, con trẻ sẽ vui vẻ lớn khôn mỗi ngày./.

Theo VOV