Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Thợ đào giếng nhọc nhằn mưu sinh giữa nắng hè

16:56, 04/07/2018

Thời tiết nắng nóng, nhiều người lao động vất vả kiếm sống dưới cái nắng như thiêu như đốt, bởi với họ, đây là thời điểm công việc bận rộn nhất do nhu cầu của người dân tăng cao, có thu nhập khá. Công việc được nói đến ở đây là nghề đào giếng tại khu vực Bãi Ngang, huyện Quỳnh Lưu.

Giữa cái nắng như đổ lửa của những ngày đầu tháng 7, chúng tôi gặp một tốp thợ gồm 5 người đang cần mẫn với công việc đào giếng của mình tại cánh đồng trồng hoa màu của xóm 7, xã Quỳnh Minh.

: giữa nắng nóng như đổ lửa, những người thợ đào giếng vẫn miệt mài múc cát từ đáy giếng lên.
Giữa cái nắng như đổ lửa, những người thợ đào giếng vẫn miệt mài múc cát từ đáy giếng lên.

Anh Trần Đức Quyền – một người thợ đào giếng cho biết: Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, thời điểm nắng hạn, nhu cầu đào giếng của nhân dân tăng cao do thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất. Trước khi bước vào mùa nắng nóng, mỗi tháng tổ thợ nhận từ 7 – 10 giếng, nhưng từ tháng 6 đến nay, nguồn nước khan hiếm, đơn đặt hàng đào giếng tăng cao, mỗi tháng nhận từ 15 – 20 giếng. Giá thành của một giếng đào hiện nay dao động từ 5,5 – 6 triệu đồng, bao gồm công đào giếng, vật liệu.

Trong thời gian 1 ngày, dưới cái nắng hơn 40 độ C, 5 người thợ làm việc cần mẫn, chăm chỉ và rất vất vả mới hoàn thành một cái giếng có độ sâu từ 5,5 – 6m. Anh Trần Đức Quyền cho biết thêm: “Khoan giếng quan trọng nhất là công đoạn bắt đầu xuống lớp đất sét. Đợt cao điểm nắng nóng, công việc cũng giúp anh em tăng thu nhập”. 

a
Các tổ thợ hoạt động hết công suất để tìm nguồn nước phục vụ bà con sản xuất trong những ngày khô hạn.

Theo anh Phạm Văn Thảo – chủ một tổ thợ xã Quỳnh Lương cho biết, nghề đào giếng đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe dẻo dai, sự ăn ý, phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên. Đào giếng phải trải qua nhiều công đoạn nặng nhọc như: đào đất thó, bỏ ống, múc cát từ đáy giếng lên, sau đó dùng vỏ con sò đổ xung quanh thành giếng để lọc nước trong. Lúc đặt ống cống cũng cần có sự nhịp nhàng giữa các thành viên trong tổ, vì khối lượng của mỗi cống nặng từ 250 – 300kg, chỉ cần sơ ý lỡ tay là có thể gây ra tai nạn. 

a
Nghề đào giếng cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa những người thợ.

Ngoài ra, người làm nghề cũng phải có kinh nghiệm trong thăm dò mạch nước để tìm nguồn nước dồi dào. Tuy vất vả, bù lại công lao động của anh em cũng đạt từ 400 – 500 ngàn/người/ngày, nên mặc dù thời tiết nắng nóng, khi có khách gọi đào giếng là đi làm ngay.

a
Giếng khoan đào thành công khi có mạch nước về.

Tại vùng Bãi Ngang huyện Quỳnh Lưu, hiện có 3 tổ thợ chuyên nghề đào giếng phục vụ cho nhân dân trồng rau màu các xã Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, mỗi tổ thợ có khoảng 5 – 6 lao động. Thời tiết càng nắng nóng, đất đai càng khô hạn thì những người thợ đào giếng như anh Quyền, anh Thảo lại càng chăm chỉ, miệt mài với công việc của mình. Bởi công việc của các anh không chỉ đem lại nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình mà còn góp phần giúp bà con trồng rau màu có nguồn nước sản xuất, sinh hoạt./.

Lê Nhung – Đài TTTH Quỳnh Lưu