Gỡ vướng mắc trong thực hiện chế độ cho nạn nhân chất độc da cam
Hồ sơ chậm được giải quyết, các giấy tờ gốc bị mất, thiếu giấy tờ chứng minh thời gian tham gia hoạt động kháng chiến, các bản sao về, lý lịch Đảng viên, tờ khai bệnh án chưa đúng.... Đó là những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới vướng mắc trong quá trình thực hiện chế độ chính sách cho nạn nhân chất độc da cam thời gian qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Ông Ngô Xuân Kiện là thương binh hiện nay đang ở khối Yên Sơn - Phường Hà Huy Tập - TP Vinh, có con trai năm nay đã 38 tuổi nhưng vẫn phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ. Năm 2013, khi nhà nước có chủ trương giải quyết chế độ, chính sách cho người nhiễm chất độc da cam, gia đình ông đã làm hồ sơ với đầy đủ các giấy chứng nhận về tình trạng bệnh tật của con. Tuy nhiên do sự hướng dẫn thiếu trách nhiệm của cán bộ làm công tác chính sách, 5 năm qua gia đình ông Kiện vẫn chưa được hưởng chế độ.
Ông Ngô Xuân Kiện buồn bã vì sau 5 năm làm hồ sơ con trai ông vẫn chưa được hưởng chế độ |
“Tôi giao hồ sơ lên cho nhà tôi đưa lên Sở LĐTBXH nhưng Sở không đồng ý và cho rằng vượt cấp. Họ nói cơ quan nào làm, phường nào làm thì người phụ trách phải chịu trách nhiệm, nhưng vì cán bộ phụ trách không đưa lên nên từ đó bộ hồ sơ của tôi bị chững lại”- ông Kiện buồn rầu nói.
Trường hợp bị bỏ sót như gia đình ông Kiện không phải là duy nhất. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng nhiều hồ sơ chưa được xem xét giải quyết; nhiều hồ sơ chuyển lên xác định vẫn thiếu giấy tờ chứng minh thời gian tham gia hoạt động kháng chiến; các bản sao về lý lịch cán bộ, lý lịch Đảng viên, giấy tờ gốc bị mất... Và ngay chính các đối tượng cũng không nắm được quy định những bệnh tật nào nằm trong danh mục liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học theo thông tư liên tịch số 20 của Bộ y tế và Bộ LĐTB và XH.
Nhiều hồ sơ vẫn thiếu các loại giấy tờ quan trọng như chứng minh thời gian tham gia hoạt động kháng chiến; các bản sao về lý lịch cán bộ, lý lịch Đảng viên |
Xung quanh vấn đề này, ông Dương Văn Lục- phó phòng LĐTB và XH huyện Hưng Nguyên cho biết thêm: “Đối tượng là tưởng rằng mình bị mắc bệnh thần kinh ngoại biên thì có thể được chế độ, phải đề nghị địa phương cho tôi làm hồ sơ để ra hội đồng giám định, chứ họ không biết mất công như thế nào, ngay với cả bản thân họ và cả từ địa phương, phải đi bệnh viện, phải lấy bệnh án rồi phải tìm được giấy tờ gốc rồi lên xã phải làm cả thủ tục hồ sơ”
Qua kiểm tra hồ sơ tại Sở LĐ-TB và XH và qua giám định y khoa vẫn còn những đối tượng kết quả không đúng với tờ khai bệnh án. Như trường hợp làm hồ sơ của ông Trần Văn Tuy- xóm 22 xã Nghi Trung huyện Nghi Lộc. Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm giám định y khoa tỉnh đã trả lại khoảng 50 hồ sơ do kết quả giám định không chứng minh được bệnh.
Qua kiểm tra hồ sơ tại Sở LĐ-TB và XH và qua giám định y khoa vẫn còn những đối tượng kết quả không đúng với tờ khai bệnh án ( Ảnh minh họa) |
“Có một số hồ sơ chuyển từ Sở LĐTBXH sang thì không đủ điều kiện buộc bọn tôi phải trả về. Ví dụ họ bảo rằng trong hồ sơ bệnh án là bị u phổi, nhưng điều kiện phải là ung thư phổi thì mới được hưởng chế độ. Thường gặp nhất là bệnh tiểu đường, riêng bệnh tiểu đường tỷ lệ đạt thường không cao, lý do là bệnh tiểu đường điều kiện để hưởng chất độc hóa học là đường huyết phải trên 11,1mmol/l và phải xét nghiệm 2 lần trong một tuần, nhưng mà khi chúng tôi xét nghiệm ở đây cái chỉ số đó thường không đạt”- Bác sỹ CK II Phan Văn Minh- GĐ Trung tâm giám định y khoa tỉnh trao đổi.
Nghệ An là một trong những tỉnh có người tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở vùng đất bị nhiễm chất độc da cam lớn với hơn 30.000 người. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, bên cạnh sự ủng hộ của xã hội, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để khắc phục những tồn tại, vướng mắc. Bên cạnh đó, cũng rất cần sự linh hoạt, nhưng chặt chẽ trong quá trình xác nhận, thẩm định để nạn nhân chất độc da cam sớm được thụ hưởng chính sách, xứng đáng với những hy sinh của họ.
Thanh Hà - Cảnh Hồng