Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Kiên quyết di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản

18:26, 14/09/2018

Đó là yêu cầu của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh tại buổi họp khẩn trực tuyến với các huyện, thành, thị trong toàn tỉnh để chủ động ứng phó với siêu bão Mangkhut ngay sau cuộc họp trực tuyến toàn quốc.

 

Chiều nay (14/9), Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến ứng phó với siêu bão Mangkhut. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì. 

Tham dự tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh;  Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Các cơn bão hiện tại và chuẩn bị hình thành trên Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Ảnh: Twitter/Jamaica Weather.
Các cơn bão hiện tại và chuẩn bị hình thành trên Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Ảnh: Twitter/Jamaica Weather.

Hiện trên thế giới đang có 9 cơn bão hoạt động, trong đó cơn bão Mangkhut là mạnh nhất. Với cấp gió hiện tại, bão Mangkhut đạt cấp 5-cấp lớn nhất trong thang bảng quốc tế. Dự  báo, cơn bão này sẽ đi vào Đông Bắc Biển Đông trong sáng ngày 15/9 với sức gió cấp 14- 15, giật cấp 17; có khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến đến đất liền nước ta vào ngày 17/9; cường độ bão rất mạnh (cấp 11- 12, giật cấp 14) và gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ ngành, địa phương cần chủ động để có những biện pháp ứng phó hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ ngành, địa phương cần chủ động để có những biện pháp ứng phó hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão. BCĐ Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các bộ ngành liên quan, đặc biệt là các lực lượng vũ trang chủ động xây dựng ngay phương án ứng phó với siêu bão, trong đó chú trọng chuẩn bị đầy đủ lực lượng, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để ứng phó, cứu nạn cứu hộ kịp thời khi bão vào; thường xuyên cập nhật thông tin của cơn bão, công bố kịp thời những vùng biển nguy hiểm khi bão vào để các địa phương và người dân chủ động phòng tránh.Chủ động các biện pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn trên biển cũng như trên đất liền. Đặc biệt, có phương án sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm cũng như đảm bảo an toàn hồ đập

Toàn cảnh cuộc họp tại điểm cầu Nghệ An.
Toàn cảnh cuộc họp tại điểm cầu Nghệ An.

Ngay sau cuộc họp trực tuyến với BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai, UBND tỉnh cũng đã tổ chức cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với các huyện thành thị để triển khai ngay các giải pháp ứng phó với siêu bão Mangkhut.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường báo cáo tình hình ứng phó với cơn bão Mangkhut tại Nghệ An.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường báo cáo tình hình chuẩn bị ứng phó với cơn bão Mangkhut tại Nghệ An.

Theo báo cáo của ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh: Đến 10 h ngày hôm nay Nghệ An đang có trên 1 nghìn  tàu thuyền hoạt động trên vùng biển, trên 2.700 phương tiện tàu thuyền đã  neo đậu. Các hồ chứa đều đảm bảo an toàn, tuy nhiên nếu mưa lớn thì các hồ chứa đều rất nguy hiểm. Trước  mắt tỉnh sẽ hạ cao trình tại nhà máy thủy điện Bản Vẽ, và tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để điều tiết phương án xả lũ tại các hồ chứa thủy điện đúng quy trình.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu, các đợn vị, địa phương đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn cho nhân dân, kiên quyết di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản.

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: đây là cơn bão lớn, diễn biến phức tạp, gây mưa to, càng vào biển càng đi nhanh với tốc độ lớn, bán kính lớn, vì vậy đồng chí yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp cần tổ chức trực 24/24 h, theo dõi diễn biến của cơn bão và tình hình mưa lũ thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền người dân có biện pháp ứng phó.  Trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn cho nhân dân, kiên quyết di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản.

Cuộc họp trực tuyến với 21 huyện, thành thị.
Cuộc họp trực tuyến với ban chỉ đạo phòng chống bão lụt của 21 huyện, thành thị.

Bí thư Tỉnh uỷ cũng yêu cầu các địa phương và đơn vị liên quan có phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ đập trên địa bàn. Các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện phải liên tục cập nhật tình hình, tính toán phương án vận hành liên hồ chứa thuỷ điện phù hợp, đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt hạ du; bảo vệ hệ thống đê sông, đê biển và đê nội đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường, yêu cầu
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường, yêu cầu các huyện ven biển phải hoàn thành di dời  dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước 17h ngày 16/9.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường, yêu cầu: Các  huyện, thành, thị chủ động sơ tán dân ở các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ ngập úng; lưu ý các huyện miền núi nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, các huyện, thị xã ven biển đề phòng nước biển dâng, ngập úng ở vùng trũng, kiên quyết tổ chức di dời kịp thời để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho người dân. Các huyện ven biển phải hoàn thành di dời  dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước 17h ngày 16/9. Đồng chí cũng lưu ý các địa phương chủ động phương án hỗ trợ các hộ dân vừa bị thiệt hại do bão số 3, số 4 và lũ lụt cuối tháng 8 vừa qua, không để nhân dân bị đói, rét, đặc biệt các hộ chưa có nhà ở, đang ở tạm trong lều bạt. Chỉ đạo thu hoạch thuỷ sản trước mưa bão đồng thời bảo vệ các lồng bè và các diện tích nuôi trồng thuỷ sản chưa đến kỳ thu hoạch.

Thu Vinh - Cảnh Toàn