Sáng 8/12, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại hội trường.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường. |
Liên quan đến ý kiến của các đại biểu về hỗ trợ kinh phí chi trả chính sách cho lực lượng tuyến đầu chống dịch covid-19; Kinh phí điều trị bệnh nhân F0 tại địa phương các huyện miền núi (theo văn bản mới) gặp nhiều khó khăn; Cần có kế hoạch cụ thể thực hiện, khoa học hơn trong việc thực hiện cách ly F1 tránh việc lây chéo trong khu cách ly; thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, công tác tiêm vắc xin trên địa bàn,... lãnh đạo Sở Y tế đã giải trình rõ trong phiên thảo luận.
Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh giải trình tại phiên thảo luận. |
Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh nêu rõ, trong Nghị quyết 16 ngày 8/2/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số cơ chế đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 đã quy định rất rõ trong vấn đề chi trả chính sách cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tại Điều 2, Điều 3, quy định rõ chế độ phụ cấp cho từng nhóm đối tượng tham gia chống dịch, từ CTV, Tổ tự quản, Tổ Covid-19 cộng đồng cũng như nguồn kinh phí thực hiện. Sở cũng đã lấy ý kiến của các địa phương và gần như không có vướng mắc. Chỉ ở một số địa phương do nguồn kinh phí có hạn nên việc chi trả có chậm hơn. Các địa phương cần phải hiểu các quy định trong Nghị quyết để triển khai các chế độ chính sách đúng quy định và kịp thời.
Thời điểm này nhiều địa phương trong cả nước đang bùng phát dịch lớn. Đặc biệt trong 7 ngày gần đây, số lượng ca nhiễm tăng cao nhất trong các đợt bùng phát dịch. Nghệ An đến thời điểm này có 5.361 ca nhiễm, riêng từ ngày 1/10 đến nay ghi nhận 3.343 ca nhiễm. Giám đốc Sở Y tế nhận định tính chất phức tạp của dịch bệnh có xu hướng tăng, đặc biệt trong 2 tuần qua khi dịch đã lây lan trong khu công nghiệp và trường học. Số ca nhiễm cộng đồng tăng cao, việc phát hiện bệnh muộn hơn so với giai đoạn trước, do phần các ca bệnh không có triệu chứng (chiếm 60%). Thời gian tới, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và tính chất phức tạp, còn phải chịu đựng trong thời gian dài tính bằng quý. Đặc biệt Tết Nguyên đán đang đến gần, lượng người Nghệ An trở về từ các địa phương lớn. Theo thống kê, từ 1/10 đến nay đã có 47.000 người. Số ca nhiễm trở về các địa phương chiếm 1/4 trên tổng số ca nhiễm.
Các đại biểu dự phiên thảo luận. |
Thông tin thêm về tình hình tiêm chủng tại Nghệ An, Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh cho biết, tỷ lệ tiêm mũi 1 hiện đạt 98% so với số người thực tế có trên địa bàn, mũi 2 đạt 72%. Dự kiến 1-2 tuần tới Nghệ An tiếp tục được phân bổ vắc xin sẽ đảm bảo tỉ lệ phủ mũi 2. Đối với trẻ em trong độ tuổi từ 12-17 tỷ lệ tiêm đạt 36%. Trong 320 nghìn trẻ em trong độ tuổi 12-17, tỉnh đã triển khai đã tiêm cho 120 nghìn em.
Từ bài học kinh nghiệm của các địa phương khác trên cả nước và các địa phương trong tỉnh, để đảm bảo công tác phòng chống dịch, đặc biệt thực hiện Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ, vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh cũng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới: Tiếp tục kiên trì đúng định hướng của Chính phủ, các Bộ ngành, thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép. Các địa phương cũng cần tăng tính chủ động, xây dựng tốt các kịch bản ứng phó với dịch. Do thời gian dài chống dịch, triển khai thực hiện Nghị quyết 128 nên thời gian gần đây một vài nơi có tâm lý hơi chủ quan. Trung tâm chỉ huy PCD tỉnh đã đã có những chỉ đạo trong việc thực hiện Nghị quyết 128 nhưng cấp phường xã còn lúng túng trong việc phân cấp và áp dụng các cấp độ dịch. Bên cạnh đó, nguồn lực hiện cũng đang gặp khó khăn, nhất là trong giai đoạn gần đây, các địa phương cần chủ động.
Giám đốc Sở Y tế cũng lưu ý việc kiểm soát biến động dân cư cũng rất quan trọng, không chỉ từ vùng khác về mà giữa các địa phương trong tỉnh cũng cần được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, các địa phương cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của tổ Covid cộng đồng. Đây là điều kiện tiên quyết góp nên thành công trong phòng, chống dịch. Khâu kiểm tra giám sát cũng cần được đẩy mạnh bởi tình trạng lây chéo trong khu cách ly, lây nhiễm ở trường học, cộng đồng một phần do khâu kiểm tra giám sát chưa làm tốt, có lỗ hổng. Hiện nay, người dân đã có tâm lý chủ quan, thích nghi thái quá, nên thời gian tới, công tác tuyên truyền tại cơ sở cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Tiêm chủng được coi là lá chắn thép trong phòng chống dịch. Nhờ làm tốt công tác này nên ở Nghệ An tỉ lệ ca tử vong chỉ chiếm 0,3% so với tổng ca nhiễm, được ghi nhận là 1 trong 2 địa phương có tỷ lệ tử vong thấp của cả nước. Trong đó, vai trò của địa phương rất quan trọng trong việc vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ. Do nhiều lý do khách quan, chủ quan nên việc tiêm chủng chưa đạt được như mong muốn. Các địa phương cần quyết liệt trong việc vận động người dân tiêm để đạt mục tiêu bao phủ vắc xin. Sắp tới tỉnh sẽ triển khai tiêm mũi tăng cường cho người dân.
Các đại biểu dự phiên thảo luận. |
Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh cũng cho biết thêm, thời gian tới, Sở cũng sẽ xây dựng chiến lược cách ly F1 tại nhà. Nghệ An hiện có khoảng 10 nghìn người đang cách ly, trong đó 2 nghìn người đang thực hiện cách ly tập trung. Tuy nhiên theo ý kiến của một số địa phương, cách ly tại nhà có những bất cập nhất định. Qua kiểm tra thực tế ở khu vực miền núi thực hiện cách ly tại nhà rất khó khăn bởi cơ sở vật chất không đảm bảo, thì nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các thành viên trong gia đình và lây ra cộng đồng rất lớn.
Về chiến lược điều trị tại cơ sở, Sở đã tham mưu cho Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch của tỉnh. Qua thí điểm tại Tân Kỳ, mô hình điều trị tại cơ sở đạt hiệu quả tốt, có thể triển khai trên diện rộng. Riêng TP Vinh và TX Cửa Lò đã có cơ sở điều trị của tỉnh nên không thí điểm điều trị thu dung nữa mà thí điểm điều trị F0 tại nhà. Sở cũng đã tính toán thành lập các trung tâm điều trị bệnh nhân nặng theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh gồm: Trung tâm Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Giao thông cũ để đáp ứng kịch bản dịch lây lan rộng, nhằm giảm thiểu tối đa các ca bệnh tử vong.
Lý giải về thắc mắc tại sao F1 cách ly tập trung 14 ngày và 14 ngày theo dõi sức khoẻ tại nhà nhưng F0 chỉ điều trị 5-7 ngày âm tính được cho về nhà theo dõi sức khoẻ, Giám đốc Sở Y tế cho biết Bộ đang xin ý kiến cụ thể của các địa phương. Tuy nhiên theo quan điểm của Bộ, do thời gian ủ bệnh kéo dài đòi hỏi thời gian cách ly phải đảm bảo, nếu có rút ngắn thì vẫn phải đảm thời gian theo dõi sức khoẻ tại nhà. Thời gian tới nếu Bộ có chỉ đạo thì Sở sẽ có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin