Lực lượng hồi sức cấp cứu quy mô cao nhất
Làn sóng thứ tư là giai đoạn khốc liệt nhất trong cuộc chiến chống Covid-19. Biến chủng Delta với tải lượng virus cao hơn 1.260 lần và khả năng lây hơn 20% so với chủng gốc dẫn đến lượng người nhiễm và tử vong tăng vọt. Hàng trăm bệnh viện dã chiến được thiết lập, mở đến đâu đầy đến đó. Thách thức khổng lồ, nhưng y tế cơ sở kém, nhân lực thiếu, đặc biệt là năng lực hồi sức cấp cứu (ICU) yếu, có bệnh viện ở đồng bằng sông Cửu Long không có một ICU nào. Trong khi đó, mục tiêu là phải cứu bệnh nhân nặng, ngăn tử vong - nhiệm vụ chính ở ICU.
Trong tình thế cấp bách, cuối tháng 7, Bộ Y tế quyết định thành lập 12 Trung tâm ICU Quốc gia, trang bị đến 100 giường hồi sức cho hơn ba chục bệnh viện khác. Một tuần sau, đội quân tiếp viện từ Hà Nội và Huế vào TP HCM xây dựng các ICU với tổng hơn 2.000 giường, sát cánh với Bệnh viện Hồi sức Covid-19 1.000 giường. Các đơn vị hồi sức cấp cứu này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo bước ngoặt trong điều trị Covid.
Tốc độ thiết lập và quy mô các ICU lớn như thế là điều chưa từng có, bởi ngay cả những bệnh viện lớn nhất như Bạch Mai, Chợ Rẫy trước đó cũng chỉ có vài chục giường hồi sức. Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng, khi đề cập các ICU mới xây dựng, đánh giá: "Đó là những công trình thế kỷ".
Đến nay, cả nước có khoảng 5.000 giường hồi sức cho bệnh nhân Covid-19 nặng, tập trung ở TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long. Xét về vật chất, năng lực hồi sức tích cực của Việt Nam tăng gấp cả chục lần sau đợt dịch.
Cuộc điều quân lớn nhất
Trong bối cảnh số ca mắc và tử vong liên tục tăng cao, ngày 24/7, Bộ Y tế hiệu triệu tất cả lực lượng tham gia chống dịch. Hơn 80.000 cán bộ nhân viên y tế tham chiến, trong đó gần 25.000 y bác sĩ khắp nơi cả nước đến chi viện TP HCM. Đây là lần huy động nhân lực y tế lớn nhất từ trước đến nay - đợt dịch ở Đà Nẵng hay Hải Dương trước đó, mỗi lần số nhân viên y tế hỗ trợ chỉ vài nghìn người.
Lực lượng chi viện tham gia điều trị ở bệnh viện, xét nghiệm cộng đồng, tiêm chủng vaccine, lập trạm y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà..., tham chiến tại tất cả các tầng điều trị.
Bộ Quốc phòng cũng có cuộc điều quân lớn nhất kể từ sau chiến tranh, thực hiện nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ với hơn 134.000 chiến sĩ. Quân đội tham gia chống dịch ở biên giới, điều trị bệnh nhân ở các bệnh viện, triển khai 530 tổ quân y cơ động chăm sóc F0 tại nhà; tổ chức các đội lo hậu sự, tiếp và vận chuyển tro cốt người tử vong vì Covid-19 đến từng gia đình.
"Tôi thấy khâm phục tấm lòng hy sinh của anh em, đã cố gắng hết sức lực có thể", Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nói, khi dịch ở TP HCM lắng xuống.
Những ngày không thể nào quên tại TP HCM. "Cả thành phố nhìn đâu cũng thấy bệnh viện", thành viên đoàn thầy thuốc Quảng Ninh vào chi viện cho đồng đội cứu F0 hồi giữa năm, chia sẻ. Video: Hoàng Khánh
Mô hình y tế lưu động chăm sóc 1 triệu bệnh nhân cùng lúc
Lần đầu tiên trong lịch sử, hơn 13.000 trạm y tế lưu động được lập cùng lúc, để điều trị cho hơn một triệu F0 tại nhà - số lượng bệnh nhân tại gia lớn nhất trong một đợt dịch. Tính trung bình cứ mỗi cụm dân cư với khoảng 50-100 F0 được cách ly tại nhà thì có một trạm y tế lưu động.
Mỗi trạm có khoảng 10 người, gồm nhân viên y tế và tình nguyện viên. Họ mang bình oxy đến từng nhà F0, đo SpO2, test nhanh, tiếp nhận thông tin, mang thuốc cấp cứu... Các tòa nhà công cộng thành trạm y tế, taxi thành xe cứu thương, dân thường thành nhân viên vận chuyển người bệnh. Họ đi sâu vào từng con hẻm, từng nhà, đưa oxy, thuốc, chăm sóc người bệnh, vỗ về thân nhân.
Nhờ y tế lưu động, F0 được chăm sóc kịp thời, phát hiện sớm dấu hiệu chuyển nặng và đưa vào bệnh viện ngay. Cùng với các ICU, trạm y tế lưu động đóng vai trò lớn trong chiến lược giảm ca nặng, ca tử vong, góp phần kiểm soát đại dịch; đồng thời đặt ra vấn đề cấp bách về chính sách nâng cao năng lực y tế cơ sở, nhất là trong giai đoạn thích ứng.
Tổ quân y cơ động ở phường 11, quận Bình Thạnh, đi lấy mẫu, hướng dẫn test nhanh cho người dân, ngày 23/8. |
Đợt thử thuốc quy mô nhất
Chưa hoàn tất các giai đoạn thử nghiệm, thuốc kháng virus molnupiravir được Bộ Y tế đưa vào chương trình Home-Based Care "thí điểm điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà và cộng đồng", từ tháng 8. Thuốc được đánh giá là tác dụng giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị. Đến nay khoảng 300.000 liều thuốc molnupiravir đã được đưa đến các tỉnh thành.
Đây là đợt thử nghiệm thuốc trên quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, mỗi F0 dùng thuốc là đang tham gia vào công trình nghiên cứu khoa học. Cho đến trước dịch này, mỗi cuộc thử nghiệm thuốc thường chỉ trên vài trăm đến vài nghìn người, và đều điều trị tại các bệnh viện.
Giữa thời điểm đen tối vào tháng 8, khi các bệnh viện quá tải, ngành y tế TPHCM "xé rào" hướng dẫn F0 tại nhà dùng thuốc kháng đông, kháng viêm dạng uống, vốn là thuốc bác sĩ kê đơn. Thành phố cũng cấp phát hàng trăm nghìn túi thuốc hạ sốt, vitamin C cho F0 tại nhà, điều chưa từng có trước đây.
Thuốc, cùng với vaccine, được xem là "vũ khí" quan trọng trong cuộc chiến với Covid-19 hiện nay và kể cả trong tương lai. Các hãng dược phẩm đang chạy đua nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu nhận chuyển giao công nghệ để sản xuất thuốc ở trong nước.
Nhân viên y tế phường 3, quận 8, TP HCM, thăm khám, đo SpO2, cấp thuốc cho người mắc Covid-19 điều trị tại nhà, ngày 29/8. |
Chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất
Đánh giá vaccine là vũ khí hiệu quả nhất để nhất chống Covid, Việt Nam đã thực hiện "chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất trong lịch sử quốc gia", theo lời Bộ trưởng Y tế. Bắt đầu triển khai từ ngày 8/3, đến nay cả nước đã tiêm hơn 144 triệu liều, trong đó gần 77 triệu mũi một, hơn 65 triệu mũi hai, hơn 2,2 triệu mũi ba.
Năm 2014, Việt Nam từng tiêm chủng 23 triệu liều vaccine sởi - rubella cho trẻ em, được cho là chiến dịch lớn nhất trong hơn 30 năm triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Giờ đay, chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 có quy mô gấp nhiều lần.
Chiến dịch này sử dụng nhiều loại vaccine nhất (5 trong 9 loại đã cấp phép); huy động nhiều nhân viên y tế tham gia nhất (hơn 20.000); việc vận chuyển và bảo quản vaccine đòi hỏi điều kiện khó khăn nhất (âm 90-60 độ C). Công nghệ thông tin cũng được ứng dụng trong tiêm chủng trong việc đăng ký, cấp mã, chứng nhận... tiêm vaccine, giúp tăng tốc độ tiêm, dễ dàng hơn trong quản lý.
Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi tại Đà Nẵng, ngày 2/11. Đến ngày 20/12, hơn 9,2 triệu liều đã được tiêm cho trẻ 12-17 tuổi, trong đó hơn 6,7 triệu mũi một và hơn 2,5 triệu liều mũi hai. |
Số người tử vong vì dịch nhiều nhất
Các chiến lược, chiến thuật cấp tốc và quy mô nhất kể trên cũng không ngăn chặn hết được hậu quả về y tế của dịch bệnh. Hơn 1,62 triệu ca nhiễm, hơn 31.000 người tử vong do Covid tính đến tối 25/12 là số thương vong cao nhất trong một năm do một bệnh truyền nhiễm, theo dữ liệu dịch bệnh hiện đại kể từ khi Việt Nam ghi nhận.
Trong đại dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) gây lo ngại toàn cầu năm 2003, Việt Nam ghi nhận 63 ca nhiễm, 5 ca tử vong. Bệnh dịch thường niên, như sốt xuất huyết, mỗi năm có vài trăm nghìn ca nhiễm trong đó vài chục ca tử vong. Dịch HIV/AIDS kéo dài hơn 30 năm, mỗi năm lấy đi khoảng 3.000 nhân mạng.
Đến ngày 25/12, Việt Nam ghi nhận tỷ lệ tử vong do Covid cao thứ tư tại Đông Nam Á, thứ 7 tại châu Á và thứ 27 trên toàn thế giới.
Chúng ta đã chứng kiến "những thời khắc cam go, khốc liệt, đau thương và mất mát vô cùng lớn, những giây phút không thể nào kể hết được", ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM, nơi gánh chịu thương vong lớn nhất vì dịch Covid năm 2021, nói.
Với vaccine và 5K, cuộc sống bình thường mới dần trở lại với TP HCM và các tỉnh thành. Biến thể Omicron đe dọa kế hoạch mở cửa của nhiều quốc gia, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới có niềm tin mạnh mẽ rằng năm 2022 là lúc có thể chấm dứt đại dịch trên toàn cầu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin