“Trước khi giao nhiệm vụ cho Học viện Quân y, nhiều người khuyến cáo nên chọn một công ty ở Việt Nam có thể sản xuất được công suất hàng triệu kit test. Việt Á là một trong những đơn vị sản xuất kit test và công ty này cũng được các nhà khoa học của Học viện Quân y đề xuất tham gia”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc trao đổi với báo chí sáng 28/12.
Theo ông Tạc, thời điểm lúc bấy giờ (đầu năm 2020), các nhà khoa học trong nước và thế giới đã có các nghiên cứu về kit test COVID-19. Tại Việt Nam, ngày 30/1/2020, Bộ KH&CN mời lãnh đạo Học viện Quân Y, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Đại học Bách khoa Hà Nội họp khẩn bàn về các giải pháp phòng, chống dịch. Tại cuộc họp, các nhà khoa học đều cho rằng cần thiết phải có kit test để xác định người mang bệnh, vừa phục vụ công tác điều trị vừa để tránh lây nhiễm.
Bộ trưởng Bộ KH&CN lúc đó là ông Chu Ngọc Anh ký quyết định triển khai 3 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia về phòng, chống dịch. Trong đó 2 nhiệm vụ liên quan tới kit test và 1 nhiệm vụ dịch tễ.
“Hai nhiệm vụ liên quan đến kit test được giao cho Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty Việt Á. Ngoài ra, Bộ cũng giao cho Công ty TNHH MTV sinh hóa Phù Sa - Biochem chủ trì, phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM và Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN Cần Thơ) thực hiện. Trong đó, nhiệm vụ khoa học mà Học viện Quân y chủ trì được cấp hơn 18 tỉ đồng”, ông Tạc nói.
Bộ kit test COVID-19 của Công ty Việt Á phối hợp cùng Học viện Quân y nghiên cứu, sản xuất. |
Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, đầu năm 2020, Việt Nam đang trong tình trạng thiếu kit test, thậm chí có thời điểm, trong kho của Bộ Y tế chỉ còn 50 cái. Dù đã có chủ trương đặt mua nhưng không thành công nên lúc đó các nhà khoa học đề nghị Bộ KH&CN nghiệm thu ngay chuyển Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp.
Về thông tin đăng tải bộ kit test của Việt Á được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận trên cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN, ông Phạm Công Tạc nói: "Bộ tổng hợp thông tin sau đó đưa lên là có vấn đề, có lỗi và tạo ra cái không hay”.
Theo điều tra, Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập. Tháng 3/2020, sau khi Hội đồng Khoa học và Công nghệ quốc gia thông qua, Bộ Y tế đã cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm SARS-CoV-2 của Công ty Việt Á.
Phan Quốc Việt và thuộc cấp khai lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu thiết bị xét nghiệm SARS-CoV-2 của các địa phương trên cả nước, trong đó có tỉnh Hải Dương. Việt và ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương) thỏa thuận để Công ty Việt Á cung cấp sản phẩm cho CDC Hải Dương sử dụng trước, sau đó mới hợp thức thủ tục đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu rút gọn.
Bộ Công an cho rằng Công ty Việt Á đã bán kit xét nghiệm cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng. Trong đó, bị can Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho ông Tuyến gần 30 tỷ đồng. Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục mở rộng vụ án đối với các cá nhân, đơn vị liên quan để đảm bảo thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin