Y tế

Mùa xuân đặc biệt của những người từng ở nơi khốc liệt nhất vì bệnh nhân COVID-19.

08:51, 02/02/2022
Nơi khốc liệt nhất, mong manh nhất là lằn ranh sinh-tử của bệnh nhân COVID-19 nặng.
Mọi cung bậc cảm xúc chảy trong huyết quản của người thầy thuốc là khát vọng giành giật sự sống cho người bệnh bằng tất cả trí lực, tình yêu thương và niềm tin mãnh liệt của mình. Mùa xuân Nhâm Dần này, với những "chiến sĩ áo trắng" từng trong môi trường ấy thật đặc biệt khi họ đã góp phần hồi sinh nhiều cuộc đời.

Buồn, vui theo bệnh nhân COVID-19
Trở thành một phần ký ức của điều dưỡng Nguyễn Mạnh Chung chính là những ngày "ác liệt" nhất trong ICU Bệnh viện Bạch Mai tại TP.Hồ Chí Minh. Khi dịch bệnh bùng phát, số bệnh nhân nguy kịch tăng nhanh anh đã xung phong vào Nam làm điều dưỡng trưởng Khu Hồi sức tích cực 1 (Trung tâm hồi sức COVID-19 Bệnh viện Bạch Mai tại TP.HCM).

Điều dưỡng Chung sẻ chia: Triền miên nhiều ca trực, triền miên nhìn những con số trên máy thở chuyển động báo hiệu sự hồi phục tích cực cũng là điều các thầy thuốc mong mỏi nhất. Đó cũng là khoảnh khắc đôi tay hàng trăm người mặc áo blouse cũng rã rời. Ê kíp giải lao trong chớp nhoáng rồi lại bắt đầu hối hả đến với các ca bệnh chuyển nặng khác. Từ nước tiểu…của bệnh nhân được ân cần lau dọn tươm tất. Không ai nề hà bất cứ điều gì.

Dù trong khốc liệt Y, Bác sỹ vẫn giữ vững tinh thần vì bệnh nhân Covid 19

Với sự tàn khốc của dịch bệnh, dù gắng gượng đến "không được mệt" nhưng điều buồn nhất cũng đến với những người thường trực trong phòng cấp cứu đó là khi có bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi. Sự mất mát của mỗi thân phận đều như kim châm vào tim gan người thầy thuốc. Vậy nên, ngọn lửa khát vọng chinh phục dịch bệnh luôn được thắp lên, ai cũng không cho phép mình lơ đễnh dù có nhọc nhằn, áp lực...

Điều dưỡng Chung cũng như hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng khác đều mang một dòng sẻ chia rằng: Phút giây được nhìn thấy bệnh nhân hồi phục là niềm vui không gì đo đếm được.

Tranh thủ từng phú giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19 nặng

Dành những năm tháng đẹp nhất bám trụ trong các phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19 nặng ở tâm dịch TP.HCM những bác sĩ trẻ như Bùi Thị Kim Kha; Trường An…luôn xem bệnh nhân như cha, mẹ mình để làm tất cả mọi việc một cách tận tâm nhất. Mùa xuân Nhâm Dần này với họ ghi thêm một dấu mốc quan trọng khi giúp biết bao bệnh nhân từ "cửa tử" trở về.

Từ động viên, điều trị đến dìu đỡ, dỗ dành miếng ăn, giấc ngủ. Có bệnh nhân bị nặng, lâu ngày gần như nằm một chỗ. Có người tỉnh lại hay bứt rứt. Nhân viên y tế cùng các tình nguyện viên phải vỗ về, người bệnh hồi tỉnh thì đấm bóp khắp người. Cuộc chạy đua với sự chuyển biến của căn bệnh quái ác luôn hối hả. Nhưng rồi, ai cũng vững vàng niềm tin với sự tiến bộ của y học cùng các phác đồ điều trị của Bộ Y tế, danh sách bệnh nhân nặng hồi sinh ngày càng nhiều hơn.

Với BS Kha (bên trái) mùa xuân này thật đặc biệt khi đã giúp nhiều bệnh nhân COVID-19 hồi sinh

Lật lại ký ức của mình, bác sĩ Trường An bộc bạch: Với y bác sĩ cấp cứu bệnh nhân COVID-19 nhiều đêm không thể chợp mắt. Những ngày nóng bỏng, số ca F0 mỗi ngày tăng liên tục. Những đoàn xe chở bệnh nhân nối đuôi nhau đến Bệnh viện dã chiến số 3 (tại Thủ Đức, nơi được điều trị cả bệnh nhân COVID-19 nặng). Tôi cùng đồng đội trong bộ đồ bảo hộ lao vào nhận bệnh nhân, vội vã bố trí chỗ ăn ở, nghỉ ngơi và thăm khám cho bệnh nhân. Những ca bệnh trở nặng cũng tăng dần theo số lượng bệnh nhân F0 nhập viện. Tôi giúp bệnh nhân thở o-xy và điều trị theo phác đồ. Sau ca trực dài 8 tiếng, rời khỏi bộ đồ bảo hộ là những bộ đồng phục nhân viên y tế ướt đẫm mồ hôi, những cơn khát vật vã do mất nước. Chúng tôi cùng đồng đội vừa nhìn lại những phòng bệnh vừa động viên nhau: Hãy cố lên vì người bệnh. Mình cùng nhau đừng mệt nhé. Cứ thế, chúng tôi giữ chặt niềm tin chiến thắng mọi hoàn cảnh.
Sự dốc sức của các thầy thuốc như bác sĩ An, Kha…được đáp lại bằng những "chùm quả ngọt" khi có gia đình nhiều thành viên bên "cửa tử" đã trở về cuộc sống bình thường trong mùa xuân Nhâm Dần này. Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Gi (Quận 5).

Hơn nửa năm lăn lộn trong các phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19, những ngày cuối cùng của năm 2021, BSCKI Lý Quốc Công (Bệnh viện nhiệt đới TP.HCM) thổ lộ: Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải vững niềm tin. Có thời điểm, hàng chục bệnh nhân nặng trôi vào hôn mê, lẫn trong tiếng bước chân rầm rập của thầy thuốc chạy đua giành giật sự sống là tiếng máy thở…Dù còn một tia hy vọng nhỏ nhoi cũng không bỏ cuộc. Cực nhọc buồn thương là khi người bệnh kéo dài trong hôn mê, hạnh phúc là khi họ cai được máy thở. 

Nhịp sống, nhịp buồn vui của người bệnh như song hành cùng các thầy thuốc. Sau nhiều tháng triền miên cấp cứu ở TP.HCM chúng tôi lại tiếp tục về các tỉnh miền Tây vào những nơi khốc liệt nhất. Mái tóc có trắng thêm, thời gian về thăm nhà ít đi nhưng bệnh nhân được cứu sống ngày càng nhiều hơn đó mới là điều vô giá với mỗi y bác sĩ. Ai cũng mong mỏi, khát vọng…các ICU ngày càng ít người, đông đảo bệnh nhân nặng được quay về đời sống bình thường, đón Tết Nhâm Dần thật ấm áp.

Với BS Trường An, mùa xuân này cũng đặc biệt khi có cả một khoảng tuổi trẻ gắn với việc cấp cứu bệnh nhân COVID-19

Mọi thầy thuốc làm việc trong các ICU, các phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19 đều đối diện với cường độ làm việc rất cao trong môi trường mà khả năng bị phơi nhiễm luôn hiện hữu. Thế nhưng tình đoàn kết, thương yêu luôn tràn đầy. Nhiều đêm khuya, nỗi nhớ nhà hay những lúc bệnh nhân nguy kịch tăng, các thầy thuốc lại động viên nhau, mỗi ngày y bác sĩ cũng như tình nguyện viên và bệnh nhân hãy xích lại gần nhau hơn, như một gia đình đặc biệt.

Những "sắp giấy hạnh phúc" với bệnh nhân COVID-19 ngày càng nhiều lên
Đối ngược với những sắp giấy xuất viện dành cho bệnh nhân COVID-19 nguy kịch ngày càng dày lên là những sắp giấy báo tử ít lại.

Và, đó chính là minh chứng sinh động cho thấy dù nguy kịch vẫn được chữa khỏi dưới phác đồ điều trị hiệu quả và các chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế.

Lăn lộn qua nhiều phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19, BS Lý Quốc Công ước vọng từ mùa xuân Nhân Dầm này sẽ giảm mạnh bệnh nhân COVID-19

Là một trong những bệnh nhân nguy kịch được xuất viện đầu tiên ở Trung tâm hồi sức người bệnh COVID-19 Bệnh viện Bạch Mai tại TP.HCM, anh P. Q. D bừng lên niềm hạnh phúc. Nhớ những ngày đối chọi với dịch bệnh, D sẻ chia rằng: Mùa xuân Nhâm Dần này với những người từ cõi chết trở về như chúng tôi mang rất nhiều xúc cảm đan xen. Sự sống này có được đều nhờ các y bác sĩ cả. Ngay cả tinh thần nỗ lực của bệnh nhân cũng một phần nhờ các thầy thuốc "thổi" vào. Các bệnh nhân khác không may vẫn phải điều trị trong nhưng ngày xuân thì hãy an tâm, lạc quan vào ngày chiến thắng dịch bệnh, ngày mới đang chờ đợi ở phía trước…

Mắc hàng loạt bệnh nền, gần một tháng trời được y bác sĩ chăm sóc, cứu chữa trong phòng cấp cứu cũng là những khoảnh khắc mãi không quên đối với anh B. P. L. Trở về trạng thái bình thường mới, anh L thổ lộ: Cứ ngỡ đã không thể nào qua khỏi. Cho đến khi được tận tay cầm tờ giấy xuất viện vẫn còn nghĩ mình đang mơ.

Trong số ngàn bệnh nhân nguy kịch được cứu sống trong các ICU ở TP.HCM không ít trường hợp đã ghi dấu các nỗ lực vượt bậc của ngành y tế. Đó là những bệnh nhân béo phì, người mang hàng chục bệnh nền, người suy kiệt sức khỏe.

Niềm vui của những bệnh nhân COVID-19 nặng từ "cửa tử" trở về
 
Là người từng tham gia điều trị cho cô gái nặng 130 kg, BS Ngô Đức Hùng (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ: Cô gái đó mới 24 tuổi, bị tổn thương phổi rất nặng nề, nghiêm trọng. Các chức năng trong cơ thể đều suy giảm. Trong khi đó, phổi của bệnh nhân lại phải "gánh" khối lượng cơ thể "khủng". Mọi dự liệu cho thấy, bệnh nhân khó qua khỏi. Nhưng với sự nỗ lực, niềm tin của người bệnh và các y bác sĩ xuyên ngày đêm cứu chữa nên tình hình được cải thiện dần. Yếu tố tâm lý, niềm tin cũng là điều rất quan trọng.

Cũng như cô gái nặng 130kg, bị đái tháo đường, viêm gan sau mấy tuần trôi trong hôn mê, phải dùng máy thở, anh Nguyễn Văn T (quận 3) bừng thức niềm tin sự sống sẽ trở lại với mình. T bảo rằng: Nhờ có các y bác sĩ mà mùa xuân này tôi được quây quần bên người thân. Trước đây nghiện thuốc, rượu, khi mắc COVID-19 chuyển biến nặng, lá phổi gần như tê liệt. Lúc được hồi sức thấy đời sống này thật kỳ diệu, điều kỳ diệu đến từ các thầy thuốc. Vậy nên không có lý do gì để nhụt ý chí cả. Khi gượng dậy đi lại được tôi nói với các bệnh nhân khác hãy tự tin lên, đừng buông xuôi vì bên mình còn có các chiến sĩ áo trắng.

Đã 2 mùa xuân đi qua khi dịch bệnh ập đến, nhưng có lẽ mùa xuân này đặc biệt hơn cả với những y bác sĩ - những người "dìu" bệnh nhân bước ra từ "cửa tử" để đón một mùa xuân mới rộn ràng và tràn ngập ánh bình minh.

Theo Suckheodoisong

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện