Thống kê cho thấy, 33% - 76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi nhiễm bệnh và khiến 20% người bệnh phải tái nhập viện. Tình trạng này khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, thậm trí tác động nghiêm trọng, như đột quỵ - một trong những biến chứng nguy hiểm nhất hậu COVID-19.
Mối liên hệ giữa COVID-19 và đột quỵ
Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng, xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị tắc hoặc một mạch máu trong não bị vỡ. Khi đó, lượng oxy và dinh dưỡng nuôi các tế bào não bị giảm đáng kể. Trong vòng vài phút, các tế bào não bắt đầu chết dần và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Có 2 loại đột quỵ chính là đột quỵ do thiếu máu cục bộ (do các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch cản trở quá trình máu lưu thông lên não, chiếm khoảng 85%) và đột quỵ do xuất huyết (tình trạng mạch máu đến não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt, chiếm khoảng 15%).
Đột quỵ được coi là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh nhân mắc hội chứng hậu COVID-19. (Ảnh minh họa) |
Theo các nghiên cứu, có một số lượng lớn bệnh nhân hậu COVID-19 gặp phải di chứng hình thành cục máu đông. Nguyên nhân được xác định là do phản ứng miễn dịch kéo dài trong mạch máu sau khi hồi phục COVID-19. Các nhà khoa học đã phát hiện ra tế bào nội mô tuần hoàn, loại tế bào này lưu thông trong dòng máu nhiều gấp đôi người không mắc COVID-19 (người khỏe mạnh).
Ngoài các dấu hiệu tổn thương mạch máu, trong cơ thể những người khỏi COVID-19 có rất nhiều protein gây viêm, tên gọi là cytokine (cytokine được sản xuất bởi các tế bào miễn dịch). Sự xuất hiện cytokin được giải thích là do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức và chúng góp phần làm tổn thương mạch máu ở một số bệnh nhân hậu COVID-19, do tổn thương thành mạch máu sẽ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Phòng ngừa đột quỵ hậu COVID-19
Người từng mắc COVID-19 cần tuân thủ lối sống lành mạnh sau khi hết bệnh nhằm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông bằng các biện pháp:
- Tăng cường vận động: Lối sống ít vận động sẽ góp phần làm tăng nguy cơ đông máu. Vì vậy, đảm bảo tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút/ngày. Với nhân viên văn phòng phải ngồi nhiều, hãy cố gắng đứng dậy và đi lại trong phòng sau mỗi 1-2 giờ. Các bài tập tại chỗ vào giờ giải lao cũng rất có ích trong việc tăng cường lưu thông máu.
- Giảm cân nếu thừa cân – béo phì: Các nghiên cứu đã chứng minh giảm trọng lượng dư thừa đồng nghĩa với giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Hãy cố gắng duy trì chỉ số BMI trong khoảng 18,5 – 23 (Cân nặng/kg chia cho bình phương chiều cao/m2)
- Ngừng hút thuốc. Đây là việc đầu tiên phải làm. Nicotin trong thuốc lá gây tổ thương lớp của tế bào nội mô mạch máu, dẫn tới hình thành cục máu đông.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý như ăn nhẹ, chia làm nhiều bữa, đủ chất (thịt, cá, rau, củ, quả). Cần uống đủ lượng nước hàng ngày (2-2,5 lít).
- Ngủ đủ giấc (ngày khoảng 7-8 h) và không được thức khuya. Không nên làm việc nặng.
- Tìm hiểu rõ các thuốc đang uống hằng ngày. Vì thuốc tránh thai, liệu pháp thay thế hormone và một số loại thuốc điều trị ung thư có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Cần trao đổi với bác sĩ để đảm bảo sử dụng đúng cách nhằm giảm thiểu nguy cơ này.
- Tuân thủ quy tắc 5K để tránh tái nhiễm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin