Y tế

Nguyên nhân và cách xử lý tình trạng ho kéo dài sau COVID-19

19:56, 31/03/2022
Tình trạng ho do mắc COVID-19 có thể kéo dài khiến cơ thể bị suy nhược tuy nhiên, không khó điều trị. Hầu hết cách xử lý đơn giản, ít tốn kém và có thể thực hiện mà không cần sự can thiệp của y tế.
Nhân viên y tế theo dõi hình chụp X-quang phổi của một bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế theo dõi hình chụp X-quang phổi của một bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài viết đăng trên trang abc.net.au, khoảng 2,5% người đã khỏi bệnh COVID-19 nhưng tình trạng ho vẫn kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng, thậm chí đến 1 năm sau khi đã âm tính với virus SARS-CoV-2.

Tình trạng này ảnh hưởng đến công việc, đời sống, đặc biệt quan hệ xã hội khi những người xung quanh có thể lo ngại nguy cơ lây lan virus khi người nào đó ho.

Nguyên nhân gây ho kéo dài

Theo chuyên gia y tế Natasha Yates thuộc Đại học Bond ở Australia, không có gì ngạc nhiên khi COVID-19 gây ho cho người bệnh vì virus ảnh hưởng đến đường hô hấp, từ mũi xuống phổi.

Ho là một trong những cách để cơ thể loại bỏ các tác nhân gây kích ứng không mong muốn như virus, bụi và dịch nhầy.

Khi phát hiện tác nhân “lạ” trong đường hô hấp, phản xạ của cơ thể là ho để loại bỏ những tác nhân này.

Mặc dù đây là một cơ chế bảo vệ hiệu quả của cơ thể, nhưng cũng là cách phát tán virus.

Do đó, đây là một trong những lý do khiến virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới.

[Infographics] Các biểu hiện cho thấy bạn có thể bị hậu COVID-19  

Tình trạng viêm là một quá trình “phòng thủ” của hệ thống miễn dịch chống lại virus. Các mô bị viêm sưng lên và tiết dịch. Điều này có thể xảy ra trong một thời gian dài ngay cả khi cơ thể đã đào thải hết virus.

Ho có thể kéo dài vì nhiều lý do nhưng tất cả đều liên quan đến tình trạng viêm.

Thứ nhất, nếu đường hô hấp trên (mũi và xoang) bị viêm, dịch tiết sẽ chảy từ hệ thống xoang qua mũi sau xuống đến thành sau họng, gây hiện tượng chảy dịch mũi sau. Điều này khiến người bệnh cần ho hoặc nuốt.

Thứ 2, nếu phổi và đường hô hấp dưới bị ảnh hưởng, ho là cách để cơ thể cố gắng loại bỏ dịch tiết và tình trạng sưng tấy. Nếu không có nhiều dịch tiết (còn gọi là ho khan), nhưng tình trạng sưng tấy ở mô phổi vẫn gây ho.

Một nguyên nhân khác ít phổ biến hơn nhưng nghiêm trọng hơn, có thể là mô phổi bị sẹo do tình trạng viêm gây ra, còn được gọi là bệnh phổi kẽ.

Điều này cần được các bác sỹ chuyên khoa hô hấp chẩn đoán và xử lý. Ngoài ra, còn một số lý do khác nữa.

Biện pháp

Tình trạng ho do mắc COVID-19 có thể kéo dài dù đã khỏi bệnh và có thể dẫn đến nguy cơ làm cơ thể bị suy nhược. Tuy nhiên, cách điều trị lại không khó, hầu hết cách xử lý đơn giản, ít tốn kém và có thể thực hiện mà không cần sự can thiệp của y tế.

Nếu ho chủ yếu do chảy dịch mũi sau thì người bệnh có thể áp dụng biện pháp khắc phục tình trạng này như viên ngậm giảm ho, súc miệng nước muối, xịt mũi và ngủ tư thế nằm thẳng, cao đầu.

Nếu cổ họng khô, rát gây ho, giải pháp là uống nước ít một, ngậm mật ong và thở chậm bằng mũi để làm ấm và ẩm cổ họng, qua đó giúp giảm phản xạ gây ho.

Nếu nguyên nhân là do viêm nhiễm ở phổi, các bài tập thở có kiểm soát và xông hơi có thể hữu ích. Chất nhầy cũng có thể loãng ra bằng cách xông hơi dung dịch muối.

Tuy nhiên, giới chuyên gia khuyến nghị nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về nguyên nhân hay tiến triển của cơn ho, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và không nên tự ý sử dụng thuốc./.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện