Mỡ máu cao đã và đang trở thành vấn đề báo động, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Theo thống kê về Gánh nặng bệnh tật toàn cầu vào năm 2019, rối loạn lipid máu, thường được biết tới với tên gọi mỡ máu cao gây ra gần 4,4 triệu ca tử vong, tương đương 7,78% số ca tử vong trên toàn cầu và được xác định là một trong các yếu tố nguy cơ chính của nhiều bệnh mạn tính không lây.
Tại Việt Nam, cứ 10 người trưởng thành thì có 3 người cholesterol máu cao (chiếm tỷ lệ 30%), ở thành thị là 44,3%. Hơn 50% phụ nữ 50 - 65 tuổi bị thừa cholesterol máu. Trong đó, thừa cholesterol do chế độ dinh dưỡng và vận động không hợp lý là nguyên nhân chính gây nên tình trạng này.
Thạc sĩ Lưu Liên Hương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu VIAM - Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, bệnh có nhiều nguyên nhân, chủ yếu do lối sống sinh hoạt và ăn uống không phù hợp gây tổn hại đến sức khoẻ và làm giảm hiệu quả chuyển hoá lipid trong máu. Trong đó nguyên nhân phổ biến là do lối sống như: lười vận động, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn nhiều thức ăn chứa nhiều chất béo, nhất là mỡ động vật. Thứ 2 là do di truyền - đây là một nguyên nhân liên quan đến vấn đề gen và đột biến. Nguyên nhân này gây nên các vấn đề trong chuyển hoá cholesterol, nhất là nhóm cholesterol xấu (LDL).
Sự bất thường các chỉ số cholesterol toàn phần, HDL-cholesterol, LDL-cholesterol và Triglyceride khiến mỡ máu bị rối loạn. Ảnh: Shutterstock |
Tổ chức Y tế thế giới ước tính, rối loạn mỡ máu có liên quan đến 48% trường hợp tai biến mạch máu não, 56% ca thiếu máu cơ tim trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, theo thống kê của Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, có 200.000 người Việt đột quỵ mỗi năm do rối loạn mỡ máu. Nghiên cứu cho thấy, những người có lượng cholesterol trong máu cao có tỷ lệ mắc bệnh mạch vành cao gấp 2 - 3 lần so với người có lượng cholesterol bình thường (bình thường cholesterol máu dưới 5,2 mmol/l).
ThS Lưu Liên Hương cho biết, khi bị mỡ máu cao, nếu bác sĩ chỉ định dùng thuốc, điều đó có nghĩa là bạn đang ở ngưỡng nguy cơ trung bình và có các yếu tố làm tăng hay có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ. Cụ thể, các trường hợp được khuyến nghị cần dùng thuốc hạ mỡ máu là: Nồng độ cholesterol cao đến mức làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hoặc đã từng xảy ra biến cố tim mạch (như nhồi máu cơ tim, đột quỵ); Nồng độ cholesterol xấu LDL cao hơn 190mg/dL (10,5mmol/L); Bị bệnh đái tháo đường (làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp 2 - 4 lần) hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch và nồng độ LDL > 70mg/dL (3,9mmol/L).
Theo BS Hương, người mỡ máu cao nên uống thuốc đều đặn, theo đúng chỉ định và chú ý uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Đừng uống “bù” nếu lỡ quên. Nếu quên dùng một liều, hãy uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần đến lúc dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và quay lại lịch dùng thuốc thông thường. Dùng thuốc điều trị mỡ máu cao vẫn cần phối hợp với việc thay đổi lối sống và việc duy trì thói quen lành mạnh trong ăn uống, sinh hoạt.
"Sau khi bắt đầu dùng thuốc hoặc sau khoảng 2 - 3 tháng, bạn cần làm xét nghiệm máu để xem các chỉ số mỡ máu có được cải thiện không. Nên hỏi ý kiến bác sĩ khi có ý định dùng bất cứ loại thuốc nào khác, bao gồm thuốc không kê đơn, thảo dược hoặc thực phẩm chức năng"- BS Hương cho biết.
Cũng theo BS Hương, thực tế, người trẻ hoàn toàn có nguy cơ gặp phải tình trạng cholesterol cao và hệ quả của nó sẽ là những vấn đề sức khỏe khi trưởng thành.
Ba tác nhân nguy cơ chính làm tăng nồng độ cholesterol ở người trẻ gồm: chế độ ăn uống không lành mạnh và nhiều chất béo (đặc biệt là chất béo bão hòa và chất béo dạng trans), di truyền khi cha mẹ có nồng độ cholesterol cao; bị thừa cân béo phì (đặc biệt là những người trẻ có chế độ ăn không lành mạnh và ít vận động).
"Chúng tôi cũng khuyến nghị các bạn trẻ nên thường xuyên khám và xét nghiệm sức khỏe định kỳ để biết nồng độ cholesterol có nằm trong ngưỡng an toàn hay không"- BS Hương cho biết.
BS Hương cho biết, mọi người cần áp dụng một chế độ ăn khỏe mạnh, cân bằng, như: Ăn nhiều rau và ngũ cốc nguyên cám; ăn đủ lượng trái cây theo khuyến nghị theo tuổi, ưu tiên chọn trái cây ít đường và có chỉ số đường huyết (GI) thấp; ưu tiên sử dụng dầu thực vật và thực phẩm chứa nhiều chất béo không bão hòa; hạn chế tối đa tất cả các thực phẩm có chứa chất béo bão hòa; ăn đa dạng nguồn protein như thịt nạc, thịt gia cầm bỏ da, cá và các loại đậu; hạn chế đồ uống và giảm tối đa lượng đường; ưu tiên sữa và chế phẩm sữa không béo, ít béo và ít đường; Tăng cường tập luyện thể dục thể thao, 5 ngày thể dục, 2 ngày thể thao./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin