Ảnh minh họa. |
Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho.
Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C.
Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là chăm sóc, nâng cao thể trạng, theo dõi sức khỏe để không bội nhiễm và không lây bệnh cho người khác.
Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là chủ động tiêm vắc xin cúm để phòng bệnh.
Các biểu hiện cơ bản của bệnh cúm mùa.
Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A). Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, các bác sĩ khuyến cáo cần thực hiện tốt 7 điều sau:
- Rửa tay thường xuyên.
- Đeo khẩu trang khi có triệu chứng viêm đường hô hấp.
- Hạn chế tiếp xúc người mắc cúm hoặc người nghi mắc cúm.
- Che mũi miệng bằng khăn vải, khăn giấy dùng 1 lần, ống tay áo khi ho, hắt hơi.
- Nâng cao sức khỏe bằng vận động thể lực ≥ 30 phút/ ngày và chế độ dinh dưỡng hợp lý.
- Khi sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi liên hệ với cơ sở y tế.
- Không tự ý làm xét nghiệm và tự dùng thuốc tại nhà.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin