Y tế

Biến thể phụ XBB xuất hiện tại TP.HCM có tốc độ lây lan và độc lực thế nào?

18:02, 05/01/2023
TP.HCM ghi nhận 6 mẫu COVID-19 giải trình tự gen nhiễm biến thể phụ XBB - một biến thể thuộc chủng Omicron. Vậy biến thể này có tốc độ lây lan và độc lực thế nào, khả năng chuyển nặng với người nhiễm XBB ra sao? Các chuyên gia tiếp tục nhấn mạnh vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch.

Ghi nhận 6 mẫu COVID-19 giải trình tự gen nhiễm biến thể phụ XBB

Ngày 5/1, thông tin của Sở Y tế TP. HCM cho biết ngày 4/1/2023, Sở Y tế nhận được thông báo kết quả giải trình tự gene từ Tổ chức OUCRU (Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford), theo đó, đã phát hiện 3/52 mẫu phết họng (từ người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM) có biến thể XBB trong tháng 12/2022, theo kết quả này, chiếm ưu thế vẫn là biến thể BA.2.75. 

Bên cạnh đó, hệ thống giám sát biến thể SARS-CoV-2 từ cộng đồng trên địa bàn Thành phố (do HCDC phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM thực hiện) ghi nhận có 3 mẫu là biến thể XBB, xuất hiện vào trung tuần tháng 11/2022, chiếm ưu thế vẫn là biến thể BA.2.75. 

Cả 2 hệ thống giám sát tại bệnh viện và tại cộng đồng của TP.HCM đều chưa phát hiện biến thể XBB.1.5. 

Biến thể XBB là một biến thể thuộc chủng Omicron đã lưu hành tại 35 quốc gia trên thế giới từ tháng 10/2022, tại Châu Á, biến thể này đã xuất hiện tại Singapore, Ấn Độ,… 

TP.HCM vừa ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng phụ XBB của Omicron nhưng ở tỉ lệ thấp trong các ca nhiễm COVID-19 tiến hành nghiên cứu (Ảnh: minh hoạ)
TP.HCM vừa ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng phụ XBB của Omicron nhưng ở tỉ lệ thấp trong các ca nhiễm COVID-19 tiến hành nghiên cứu (Ảnh: minh hoạ)

Biến thể phụ XBB.1.5 là một nhóm phụ của XBB đang lưu hành tại Mỹ từ tháng 10/2022. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến thể phụ XBB và XBB.1.5 gây bệnh nặng hơn so với các biến thể khác của Omicron. Theo công bố mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể phụ XBB.1.5 đã xuất hiện tại 25 quốc gia trên Thế giới (Mỹ, các nước Châu Âu, Hàn Quốc,…). 

Theo Sở Y tế TP.HCM, tại Việt Nam, do sự gia tăng giao lưu đi lại của người dân vào dịp lễ, Tết nên sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5 trong thời gian tới là khó tránh khỏi.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y dược TP.HCM cho hay XBB thuộc biến thể Omicron xuất hiện từ việc tái tổ hợp của các biến thể phụ BA.2.10.1 và BA.2.75.

Các nghiên cứu ban đầu cho thấy biến thể phụ này không làm tăng độc lực của virus nhưng có khả năng lẩn tránh miễn dịch một phần. Vì vậy, các biến thể phụ này làm tăng nguy cơ tái nhiễm COVID-19 ở người đã từng nhiễm với các biến chủng COVID-19 cũ. Tuy nhiên, có thể sẽ không gia tăng nguy cơ tái nhiễm ở người đã bị nhiễm các biến chủng Omicron.

Các vaccine COVID-19 hiện nay vẫn có khả năng bảo vệ không bị chuyển nặng hay tử vong ở các bệnh nhân bị nhiễm biến chủng XBB.

Dù các biến chủng XBB có hiện tượng lẩn tránh miễn dịch nhưng khả năng xâm nhập vào tế bào bị kém hơn nên khả năng lây lan của biến chủng XBB bị giảm hơn so với các biến chủng Omicron khác.

Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch COVID-19

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thông tin từ hệ thống giám sát dịch bệnh truyền nhiễm Việt Nam cho thấy trong các tháng gần đây tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên cách đây không lâu, WHO cảnh báo về sự lưu hành hơn 500 biến thể phụ của Omicron, có khả năng lây truyền cao và tránh được hệ miễn dịch. Tổ chức này đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

Bộ Y tế yêu cầu cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19.

Tiêm vaccine vẫn là biện pháp quan trọng nhất trong phòng chống dịch COVID-19.
Tiêm vaccine vẫn là biện pháp quan trọng nhất trong phòng chống dịch COVID-19.

Theo WHO, vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Tuy nhiên Bộ Y tế cho hay mặc dù công tác truyền thông về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 liên tục được đẩy mạnh và duy trì nhưng vẫn còn một bộ phận lớn người dân vẫn chưa ủng hộ và đồng thuận tiêm chủng do lo ngại về tác dụng phụ, phản ứng sau tiêm, chất lượng và hiệu quả của vaccine. Tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên tại một số tỉnh, thành phố còn thấp.

Hiện có khoảng 13 triệu người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm đối tượng cần tiêm bổ sung đã được tiêm mũi bổ sung, trong đó nhiều người không tiếp tục đi tiêm mũi nhắc lần 1 vì cho rằng chỉ cần tiêm 3 mũi là đủ.

Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu cơ quan chuyên môn chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên và tăng cường tiêm chủng phòng COVID-19 cho trẻ em theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Trước đó, tại Chỉ thị 06/CT-BYT về tăng cường công tác y tế dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu thủ trưởng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh.

Chỉ thị nêu rõ: "Phòng, chống dịch COVID-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới; tiêm vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế".

Đồng thời yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm; tăng cường giám sát tại cửa khẩu, các chuyến bay, đoàn tàu, các khu dịch vụ của cảng hàng không, nhà ga, bến xe, khu vực công cộng khác và trong các cơ sở y tế; để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh; chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để; chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát yếu tố nguy cơ gây dịch.

Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế nâng cao năng lực thu dung, điều trị; rà soát cơ sở vật chất, xây dựng và triển khai phương án bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, thiết bị, oxy y tế, phương tiện cấp cứu để chủ động đáp ứng nhanh, kịp thời các tình huống điều trị người bệnh COVID-19.

 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện