Y tế

Những sai lầm khiến trẻ đi viện như "cơm bữa" khi bị bệnh đường hô hấp

08:10, 12/03/2023
Theo bác sĩ Kim Dung, con trẻ là người gánh hậu quả, không phải cha mẹ. Vì vậy, phụ huynh nên cân nhắc trước khi áp dụng cho con cách điều trị bệnh đường hô hấp theo Internet.
Nhiều trường hợp trẻ bị biến chứng nặng vì cha mẹ áp dụng theo cách học được trên mạng.
Một phụ huynh hướng dẫn xịt rửa mũi cho con trên mạng. Ảnh cắt từ clip.

Bà Nguyễn Thị Trinh (62 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội) cùng con gái đưa cháu trai đến Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội, khám vì ho, sốt và tiêu chảy. Bé mắc bệnh đã một tuần, gia đình tự điều trị tại nhà nhưng không đỡ.

"Thời tiết lúc nồm ẩm, lúc khô hanh cộng thêm bé đi học, dễ lây bệnh từ các bạn nên ốm như 'cơm bữa'. Bình thường, bố mẹ cháu thường tự điều trị ở nhà nhưng lần này bé lâu khỏi quá", bà Trinh cho hay.

Gặp tình trạng tương tự, chị Vân Anh (29 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết con chị cứ 1-2 tuần lại sốt một đợt. Những lần đầu bé ốm, chị thường đưa bé đến bệnh viện khám ngay. Giờ đã quen hơn, Vân Anh chọn cách tự điều trị tại nhà, dùng lại đơn thuốc trước đây bác sĩ kê vì đa số triệu chứng của bé qua mỗi lần ốm đều khá giống nhau.

"Để phòng con ốm, tôi cũng cho bé tiêm đầy đủ các mũi vaccine nhưng vẫn ốm nhiều, có thể do sức đề kháng kém nên tái đi tái lại", Vân Anh cho hay.

Trao đổi với PV, Bác sĩ Phan Thị Kim Dung, Phó trưởng khoa Nhi Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho biết những ngày gần đây, số trẻ nhập viện rất đông. Hầu hết bệnh nhi bị viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản cấp, thậm chí hen phế quản.

Các bệnh lý về đường hô hấp ở trẻ tiến triển khá nhanh. Trẻ có thể bị sốt cao, khó thở, suy hô hấp chỉ sau vài ngày mắc bệnh. Vì vậy, khi trẻ nhập viện, đa số bé đã ở tình trạng nặng.

Gánh hậu quả vì học cách chữa bệnh cho con trên mạng

Theo bác sĩ Kim Dung, hiện không gian mạng rất phát triển, nhiều thông tin được đưa lên, kể cả cách chăm sóc và điều trị bệnh cho trẻ. Tuy nhiên, thông tin các phụ huynh tiếp nhận được có đúng và chưa đúng. Thậm chí, không ít thông tin bị biến tướng do ảnh hưởng của yếu tố thương mại.

"Phụ huynh nên có kiến thức cơ bản và cần tham khảo nhiều nguồn khác nhau để đánh giá được thông tin có chính xác hay không thì mới làm theo. Bởi em bé bị bệnh khó phát hiện hơn người lớn rất nhiều. Để chẩn đoán, bác sĩ cần được thăm khám thực thể để biết chính xác trẻ đó đang mắc bệnh gì, nguyên nhân là gì. Lúc đó, chúng tôi mới đưa ra được phương hướng điều trị phù hợp", bác sĩ Dung nói.

Trong quá trình thăm khám và điều trị cho các bệnh nhi, vị chuyên gia này đã gặp không ít trường hợp trẻ bị biến chứng nặng vì cha mẹ áp dụng theo cách học được trên mạng. Bà lấy ví dụ khi trẻ ho, sốt, sổ mũi, phụ huynh sẽ tự chẩn đoán bé bị viêm họng.

"Những dấu hiệu này cũng giống con anh A, chị B mới chia sẻ trên mạng. Họ cho con dùng kháng sinh, thuốc này rất tốt nên lập tức áp dụng cho con mình. Nhiều cha mẹ không cần biết bé có chính xác bị bệnh đó không, liều kháng sinh dùng ra sao, chỉ cần nghe nói thuốc tốt là làm theo. Hậu quả là trẻ nhập viện khi đã nặng, bị kháng thuốc...", bác sĩ Dung chia sẻ.

Trên các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok cũng xuất hiện rất nhiều clip hướng dẫn vỗ rung long đờm hay xịt rửa mũi cho trẻ. Nhiều bà mẹ cho rằng sau khi áp dụng những cách này trẻ nhanh khỏi ốm hơn nên chia sẻ lên các hội nhóm về nuôi con.

Nhiều trường hợp trẻ bị biến chứng nặng vì cha mẹ áp dụng theo cách học được trên mạng. Ảnh: Bunte.
Nhiều trường hợp trẻ bị biến chứng nặng vì cha mẹ áp dụng theo cách học được trên mạng. Ảnh: Bunte.

Phó trưởng khoa Nhi Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, giải thích khi trẻ viêm họng, sổ mũi, nghẹt mũi, cha mẹ nghe có phương pháp vỗ rung giúp long đờm giúp trẻ nhanh khỏi hơn thì thấy rất hợp lý. Thực chất, chúng lại không dễ dàng như vậy. Vỗ rung long đờm là một chỉ định khi bé đã bị viêm phổi, viêm tiểu phế quản, có bít tắc ở đường hô hấp dưới.

Trẻ bị viêm mũi họng là đường hô hấp trên. Bác sĩ Dung nhấn mạnh vỗ rung ở phía dưới không có tác dụng. Nếu trẻ không viêm phổi, viêm tiểu phế quản, sau khi vỗ rung nôn ra được một ít đờm, đó chính là dịch nhầy ở đường hô hấp, bé đã nuốt vào dạ dày và được ép ra.

"Chúng tôi từng tiếp nhận trường hợp trẻ viêm phổi nhưng chỉ được vỗ rung, không điều trị đúng cách dẫn đến tiến triển nặng. Sau 2-3 ngày, trẻ tím tái phải vào viện cấp cứu.Vỗ rung không đúng kỹ thuật sẽ tác động lực rất lớn đến đường hô hấp trên, phổi, tim mạch. Vùng này có thể khiến trẻ tím tái, thậm chí lên cơn co giật, nặng hơn làm gãy xương sườn. Con trẻ là người gánh hậu quả, không phải cha mẹ. Vì vậy, phụ huynh nên cân nhắc trước khi áp dụng cho con", bác sĩ Dung nhấn mạnh.

Về phương pháp xịt rửa mũi, vị chuyên gia này cho rằng rửa mũi làm sạch đường hô hấp trên là đúng. Tuy nhiên, trường hợp nào cần thực hiện thì hầu hết cha mẹ không phân định được.

Dùng những cái dụng cụ như xi lanh bơm hút, rửa với áp lực nước khá lớn vào vùng mũi xoang của em bé không có tác dụng. Việc này có thể gây cho trẻ các vấn đề như khác viêm tai, viêm xoang và đưa nguồn vi khuẩn từ bên ngoài vào sâu bên trong. Phụ huynh chỉ nên dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi, xịt nước muối biển, máy hút cá nhân hoặc dây hút đơn thuần để hút mũi cho con. Việc bơm rửa nên thực hiện bởi nhân viên y tế trong trường hợp cần thiết.

Khí dung cũng được nhiều gia đình dùng ở nhà trong những năm gần đây do cho trẻ đến bệnh viện điều trị sẽ mất nhiều thời gian chờ đợi. Theo bác sĩ Dung, khí dung là ta sẽ đưa một lượng thuốc qua đường hô hấp của trẻ vào đến mũi, họng, phế quản... Trẻ bị các bệnh lý liên quan viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm thanh quản cấp, đặc biệt hen dùng khí dung rất tốt.

Khí dung cũng được nhiều gia đình dùng ở nhà trong những năm gần đây. Ảnh: Sg.theasianparent.
Khí dung cũng được nhiều gia đình dùng ở nhà trong những năm gần đây. Ảnh: Sg.theasianparent.

"Thế nhưng, liệu em bé đó có bị như thế không và dùng thuốc khí dung nào mới là quan trọng. Cha mẹ lạm dụng thuốc khí dung tại nhà cho bé có thể gây hậu quả là khiến bệnh thêm nặng. Việc sử dụng cần phải tuân thủ cách pha thuốc theo bác sĩ hướng dẫn. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc để xông khác nhau. Không phải bệnh nào cũng dùng một loại thuốc để xông", bác sĩ Dung nói.

Hiện nhiều cha mẹ hay pha thuốc tự xông cho con, phổ biến nhất là nước muối sinh lý. Thực tế, nước muối sinh lý không có tác dụng về mặt lâm sàng. Bên cạnh đó, việc này mang theo nhiều nguy cơ như “nạp” thêm vi khuẩn gây bệnh nếu dụng cụ khí dung không được vệ sinh sạch sẽ, nước muối không đảm bảo vô khuẩn vào đường hô hấp dưới.

Trẻ viêm đường hô hấp cần xử trí như thế nào?

Theo bác sĩ Dung, khi trẻ có các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, cha mẹ có thể tự điều trị triệu chứng tại nhà trong 2-3 ngày đầu tiên. Phụ huynh có thể hạ sốt cho con, dùng thuốc ho thảo dược và làm sạch đường hô hấp bằng cách nhỏ nước muối sinh lý.

"Cha mẹ không nên quá lo lắng. Các bệnh nhiễm trùng do virus và vi khuẩn khác là một phần trong quá trình trẻ lớn lên và phát triển hệ thống miễn dịch", vị chuyên gia này nói.

Trong thời gian trẻ bệnh, cha mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ ăn, bú như bình thường, chia nhỏ các cữ ăn trong ngày giúp tăng khả năng tiêu hóa và giảm bớt nôn trớ. Phụ huynh tuyệt đối không bắt trẻ ăn kiêng. Điều này khiến trẻ sẽ không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để có sức đề kháng chống lại bệnh tật.

Ngoài ra, hãy cho bé uống nhiều nước, chế độ sinh hoạt tốt để tăng khả năng tự bảo vệ, tăng sức đề kháng của cơ thể. Vệ sinh thân thể và môi trường sống của trẻ sạch sẽ, tránh ở những nơi ẩm thấp.

Tuy nhiên, khi các bé có tiến triển xấu đi như ho nặng hơn, thở nhanh, mất nước, rút lõm lồng ngực, tiêu chảy quá nhiều, viêm kết mạc, cha mẹ phải cho con đến bệnh ngay.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện