Các chuyên gia y tế cảnh báo, nếu người bệnh đồng nhiễm vi rút SARS-CoV-2 với cúm hay viêm phổi và các bệnh đường hô hấp khác trong thời điểm giao mùa như hiện nay có thể gây khó khăn trong công tác điều trị, nguy cơ tử vong tăng cao.
Nguy cơ phải thở máy khi nhiễm Covid-19 cùng cúm
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu tháng 4-2023 đến nay, số ca mắc mới Covid-19 và bệnh nhân nặng phải nhập viện dù vẫn ở trong tầm kiểm soát nhưng có chiều hướng gia tăng.
Cụ thể, trong 7 ngày qua (từ ngày 16-4 đến 22-4), cả nước ghi nhận hơn 12.500 ca mắc Covid-19 mới, trung bình khoảng 1.800 ca/ngày. Đây là tuần có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2023 cho đến nay. Điều đáng nói, trong 2 ngày 21 và 22-4, số lượng bệnh nhân nặng, phải thở ô xy cũng tăng lên hơn 120 ca/ngày.
Trước thực tế trên, các chuyên gia y tế lo ngại, trong bối cảnh các dịch bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp khác như cúm, viêm phổi do phế cầu khuẩn, ho gà... có diễn biến phức tạp trong thời điểm giao mùa như hiện nay thì nguy cơ đồng nhiễm cùng lúc Covid-19 là rất lớn.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thành phố Hồ Chí Minh) cảnh báo, việc mắc Covid-19 hoặc có di chứng hậu Covid-19 đồng thời mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp khác có khả năng làm cho bệnh diễn tiến nặng, gây khó khăn trong điều trị và kéo theo nguy cơ tử vong.
Người cao tuổi được chăm sóc tại Bệnh viện. |
Nghiên cứu của Tập đoàn Dược phẩm Pfizer kết hợp với các trường Đại học và Viện Nghiên cứu tại Hàn Quốc tiến hành trong đại dịch Covid-19 cũng cho thấy, bệnh nhân Covid-19 bị đồng nhiễm vi khuẩn có nguy cơ tử vong gấp gần 6 lần so với bệnh nhân chỉ mắc Covid-19. Ngoài ra, 24% bệnh nhân Covid-19 bị bội nhiễm mắc bệnh nặng hơn và có nguy cơ tử vong cao hơn.
Theo nghiên cứu mới đăng tải vào cuối tháng 3-2023 trên tạp chí y khoa Lancet, người trưởng thành nhập viện nhiễm đồng thời vi rút SARS-CoV-2 và vi rút cúm có nguy cơ bị bệnh nặng phải thở máy cao gấp 4 lần và nguy cơ tử vong cao hơn 2,4 lần so với các bệnh nhân chỉ nhiễm SARS-CoV-2 hoặc nhiễm một trong số các loại vi rút khác.
Tiêm vắc xin tăng khả năng bảo vệ
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn nguy hiểm cùng với nhiều bệnh truyền nhiễm khác luôn rình rập tấn công, các chuyên gia nhấn mạnh về sự cần thiết tiêm vắc xin cho người có bệnh lý nền như: Tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn…
Các loại vắc xin được khuyến cáo ưu tiên tiêm trong bối cảnh hiện nay, gồm: Covid-19, cúm mùa, Prevenar 13 phòng các bệnh do phế cầu khuẩn, ho gà - bạch hầu - uốn ván… Đây là những vắc xin được chứng minh tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, tránh đồng nhiễm nhiều bệnh cùng Covid-19.
TS Đặng Thanh Huyền, Phó Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho rằng, đối với các biến thể của vi rút SARS-Cov-2, vắc xin phòng Covid-19 hiện vẫn còn có hiệu quả trong phòng bệnh, giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo các quốc gia triển khai tiêm các liều nhắc lại tiếp theo dựa trên tình hình dịch bệnh. Do đó, người dân cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, người dân cần tuân thủ nguyên tắc bảo vệ cho mình và người khác tại nơi công cộng bằng cách đeo khẩu trang và khử khuẩn thường xuyên.
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho người cao tuổi. |
Cùng với vắc xin Covid-19, theo bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, người dân cần tiêm vắc xin cúm. Loại vắc xin này không chỉ phòng cúm hiệu quả từ 70-90%, giảm tỷ lệ tử vong mà còn giúp giảm nguy cơ tăng nặng các bệnh đang mắc, tránh nguy cơ đồng nhiễm vi rút, vi khuẩn khác. Một mũi vắc xin cúm có thể giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện và 68% tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi, 15-45% nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp, 46% nguy cơ hen cấp, 58% ở bệnh nhân đái tháo đường.
Còn với vắc xin phòng vi khuẩn phế cầu, nhiều nghiên cứu cho thấy, người lớn tuổi được tiêm vắc xin phế cầu có nguy cơ nhiễm Covid-19 thấp hơn 35% so với người lớn không được tiêm chủng. Thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng khác với trẻ em và người lớn cho thấy, vắc xin phế cầu có khả năng bảo vệ từ 23-49% chống lại các vi rút hô hấp liên quan đến viêm phổi, bao gồm cả vi rút SARS-CoV-2 ở người. Đặc biệt, người trên 65 tuổi đã tiêm vắc xin phế cầu Prevenar 13 giúp giảm 32% nguy cơ nhập viện và tử vong do Covid-19.
“Các vắc xin có thành phần phòng bệnh ho gà (như bạch hầu - ho gà - uốn ván) cũng được chứng minh có khả năng tạo “miễn dịch chéo” với Covid-19 nhờ thành phần epitope giống nhau tạo ra các phản ứng chéo, phòng biến chứng nguy hiểm của Covid-19”, bác sĩ Bạch Thị Chính thông tin.
Ngoài ra, theo bác sĩ Bạch Thị Chính, vắc xin cúm thế hệ mới và các vắc xin như “5 trong 1”, “6 trong 1”, vắc xin Quimi-Hib ngừa vi khuẩn Hib, vắc xin Boostrix và Adacel ngừa ho gà - bạch hầu - uốn ván cũng có thể phòng viêm phổi và biến chứng nguy hiểm của viêm phổi.
Mới đây, WHO đưa ra lưu ý, SARS-CoV-2 sẽ không bị loại bỏ và giống như bệnh cúm, vi rút này sẽ vẫn gây ra bệnh hô hấp nghiêm trọng ở những người dễ bị tổn thương. Do đó, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, mục tiêu của Việt Nam là giảm tỷ lệ nhập viện, giảm bệnh nhân nặng và tử vong, tránh quá tải hệ thống y tế và giữ vững thành quả chống dịch. Người dân cần tiêm chủng đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhất là với nhóm nguy cơ cao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin