Y tế

Những cống hiến thầm lặng của người thầy thuốc mang sắc phục Công an

17:52, 27/02/2024
Dù không trực tiếp chiến đấu trên mặt trận tấn công trấn áp tội phạm, nhưng trong chiến công chung của lực lượng Công an tỉnh Nghệ An luôn có những đóng góp thầm lặng của đội ngũ làm công tác y tế, những chiến sĩ Công an khoác trên mình chiếc áo blouse trắng tận tâm, tận tụy với công việc. Họ là những y, bác sĩ không chỉ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, cho Nhân dân mà còn lo sức khỏe cho cả can, phạm nhân; giám định pháp y giúp lực lượng chức năng “giải mã” các vụ án… 

Xác định tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân, những năm qua, Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh luôn đặc biệt quan tâm chỉ đạo, nâng cao chất lượng công tác y tế, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật y tế ngày càng hiện đại. Để phục vụ cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng và Nhân dân trên địa bàn được tốt nhất, thời gian qua, Bệnh viện Công an tỉnh đã có nhiều phương pháp, cách làm sáng tạo nhằm hướng đến số đông người bệnh trong cộng đồng như tổ chức các điểm khám chữa lưu động, xuống tận các khu dân cư trên địa bàn. Bên cạnh đó, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, Bệnh viện Công an tỉnh đã không ngừng nỗ lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân. 

Không chỉ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng, đã từ lâu, Bệnh viện Công an tỉnh Nghệ An trở thành địa chỉ khám, chữa bệnh uy tín của Nhân dân trên địa bàn.

Trung tá, bác sĩ Nguyễn Sỹ Tài, Giám đốc Bệnh viện Công an tỉnh cho biết: Với sự quan tâm của Bộ Công an, Công an tỉnh, những năm qua, Bệnh viện được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại với quy mô 120 giường bệnh chất lượng. Hiện nay, Bệnh viện có 42 y, bác sĩ, kỹ thuật viên dày dạn kinh nghiệm. Năm 2023, Bệnh viện khám cho hơn 8.000 lượt bệnh nhân, khám sức khỏe định kỳ cho hơn 2.000 trường hợp; khám tuyển sinh, tuyển nghĩa vụ cho 1.000 trường hợp; tổ chức tiêm chủng vắc-xin cho 1.043 cán bộ, chiến sỹ. Bên cạnh đó, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần quan trọng ngăn chặn, không để xảy ra dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe và sức chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ. Thực hiện phương châm “hướng về cơ sở”, Bệnh viện Công an tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, tham gia tích cực hoạt động y tế cộng đồng, khám và chữa bệnh miễn phí cho gần 700 bà con vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa…

Cán bộ y tế Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh vừa khám, chữa bệnh, vừa “chuyên gia tâm lý” động viên, thuyết phục, khuyên nhủ can, phạm nhân cải tạo tốt.
Cán bộ y tế Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh vừa khám, chữa bệnh, vừa “chuyên gia tâm lý” động viên, thuyết phục, khuyên nhủ can, phạm nhân cải tạo tốt.
Làm bác sĩ, trong môi trường nào cũng chịu nhiều áp lực, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Đối với đội ngũ y, bác sỹ công tác tại các cơ sở giam giữ, hằng ngày tiếp xúc với can, phạm nhân, đủ loại bệnh tật, trong đó có nhiều căn bệnh nguy hiểm, như lao phổi, HIV...  thì áp lực, nguy hiểm càng lớn. Nhưng những cán bộ, chiến sĩ Công an khoác trên mình tấm áo blouse trắng vẫn âm thầm, lặng lẽ gắn bó với nghề, khám, chữa bệnh, bảo đảm sức khỏe cho can, phạm nhân. Sau khi ân cần tiến hành thăm khám một nam phạm nhân bị bệnh liên quan đến tim mạch, Trung tá Cao Bá Tú, cán bộ y tế của Trại tạm giam (Công an tỉnh Nghệ An) – người từng có 24 năm gắn bó với nghề bộc bạch: “Khi thăm khám cho những can, phạm nhân, ngoài nhiệm vụ chuyên môn của người thầy thuốc thì chúng tôi còn phải hết sức nhạy cảm, kịp thời nắm bắt được diễn biến tâm lý, tư tưởng để động viên, thuyết phục, khuyên nhủ họ chấp hành tốt nội quy của Trại tạm giam. Nhất là đối với những can, phạm nhân vừa mới nhập trại, tâm lý chưa ổn định, một số can, phạm nhân còn cố tình giả vờ bị bệnh nặng”.
Cán bộ y tế của Trại tạm giam (Công an tỉnh Nghệ An) thăm khám cho bệnh nhân.

Cán bộ y tế, Trung tá Cao Bá Tú cũng cho biết thêm, có những đối tượng rất nguy hiểm, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tiền án, tiền sự, mắc các bệnh có khả năng lây nhiễm cao như HIV/AIDS, lao phổi, viêm gan B… với những biểu hiện lâm sàng hết sức phức tạp. Thậm chí, có can, phạm nhân mắc bệnh nhưng có thái độ chống đối, không hợp tác với việc thăm khám, điều trị bệnh. Đối với những trường hợp như vậy, các y, bác sĩ vừa phải cứng rắn vừa khéo léo, nói rõ bệnh trạng của họ nhưng vẫn tạo điều kiện ở mức độ nào đó, khuyên nhủ, động viên để họ nhận thức được rằng, yên tâm cải tạo mới sớm được về với người thân, gia đình. Nhờ những liều thuốc “tinh thần” ấy đã góp phần giúp can, phạm nhân có thêm nghị lực, vượt qua mặc cảm, cải tạo tốt.  

Bệnh viện Công an tỉnh được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân.     

Hiện, Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh có 10 y, bác sĩ. Hàng ngày, các cán bộ y tế theo dõi, thăm khám, chẩn đoán, điều trị, cấp phát thuốc cho can, phạm nhân tại buồng giam (ngoại trú) và tại Bệnh xá (nội trú) với hơn 1.000 can, phạm nhân trong toàn Trại. Bên cạnh đó, cán bộ y tế còn thường xuyên túc trực kiểm tra sức khỏe mỗi khi can, phạm nhân xuất hay nhập Trại; thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh... Mặc dù phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, khó khăn, áp lực, song với phương châm “can, phạm nhân cũng là bệnh nhân như bao bệnh nhân ở ngoài xã hội”, các y, bác sĩ Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An vẫn hàng ngày tận tụy, ân cần thăm khám, điều trị cho những bệnh nhân “áo số”. Bởi, theo họ, đó không chỉ là lương tâm của người thầy thuốc mà còn là trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. 

Các y, bác sỹ Bệnh viện Công an tỉnh Nghệ An khám và điều trị cho bệnh nhân.      

Làm việc trong môi trường khó khăn, đầy nguy hiểm không kém đó là đội ngũ bác sĩ pháp y, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh - những người thầm lặng, phục vụ cho công tác điều tra, phá án, góp phần cùng Cơ quan điều tra đưa sự thật ra ánh sáng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, vất vả và không ít những hi sinh khó nói hết thành lời, thế nhưng, đội ngũ bác sĩ pháp y Công an tỉnh Nghệ An vẫn luôn vững tin vào con đường mình đã chọn, lặng lẽ tận tâm cống hiến với tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, vì công bằng, lẽ phải, góp phần mang lại niềm tin, bình yên, hạnh phúc cho Nhân dân. 

Hơn 20 năm công tác, Trung tá Trần Văn Hải, bác sĩ pháp y, Phó Đội trưởng Đội Giám định, Phòng Kỹ thuật Hình sự đã tham gia khám nghiệm hàng nghìn vụ án, mỗi vụ án là một hiện trường, địa điểm, khó khăn khác nhau. Theo Trung tá Hải, công việc đặc biệt này đòi hỏi cán bộ pháp y phải có trách nhiệm, trình độ chuyên môn cao, kỹ năng nghiệp vụ tốt cùng tinh thần khách quan, tỉ mỉ, chính xác để “mở khoá” những tình tiết hóc búa nhất. Nhiều vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đòi hỏi giải quyết nhanh, sớm, bảo đảm tính chính xác, nhất là những vụ án được dư luận quan tâm.

“Công việc vừa thường xuyên, vừa đột xuất, bất ngờ, lại liên quan đến nhiều yếu tố độc hại, mỗi bác sĩ pháp y phải luôn bản lĩnh và “tinh thần thép”, khắc phục mọi khó khăn, góp phần giải mã các nút thắt, giúp Cơ quan điều tra xử lý tội phạm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đặc biệt, bản thân mỗi bác sĩ pháp y phải vượt qua rào cản tâm lý, sự e ngại của những người xung quanh đối với nghề bác sĩ pháp y…”, Trung tá Trần Văn Hải chia sẻ. 

Đại tá Trần Hồng Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh thăm và tặng hoa chúc mừng y, bác sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.

Vất vả là vậy, gian nan là thế nhưng với tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, những cán bộ, chiến sĩ vinh dự được khoác lên mình 2 màu áo: màu áo xanh của người chiến sĩ Công an nhân dân và màu áo trắng blouse Công an Nghệ An vẫn luôn miệt mài từng ngày, từng giờ thực hiện tròn hai vai trách nhiệm. Sự cống hiến thầm lặng của họ đã tô thắm thêm những chiến công và thành tích của toàn lực lượng Công an tỉnh Nghệ An trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ quốc, vì bình yên, hạnh phúc của Nhân dân… 

Phạm Thủy

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện