An toàn giao thông

Khi nào tài xế bị yêu cầu thổi đo nồng độ cồn?

14:56, 28/01/2023
Khi lực lượng cảnh sát thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát theo kế hoạch hoặc theo chuyên đề thì có quyền dừng bất kỳ phương tiện nào đang tham gia giao thông.

Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an thống kê, trong 2 tháng thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết và các lễ hội đầu năm, hơn 80 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phạt 400 tỷ đồng.

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, mỗi ngày lực lượng CSGT cả nước xử lý hơn 1.100 tài xế vi phạm. Một số địa phương có kết quả xử lý cao gồm: TP.HCM 1.631 trường hợp, Gia Lai 1.387 trường hợp, Thanh Hóa 1.211 trường hợp, Hà Nội 910 trường hợp…

Việc lực lượng cảnh sát ra quân quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn khiến cho tỷ lệ tai nạn giao thông trong những ngày Tết giảm đi đáng kể. So với cùng kỳ 7 ngày nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, tai nạn năm nay đã giảm 12 vụ.

Về việc đo nồng độ cồn, không ít ý kiến băn khoăn, trường hợp nào tài xế bị yêu cầu thổi kiểm tra? Khi xe không vi phạm giao thông, đang đi trên đường thì lực lượng cảnh sát có được phép dừng phương tiện để yêu cầu tài xế đo?

Lực lượng chức năng xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Đình Hiếu
Lực lượng chức năng xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn.  

Trả lời vấn đề này, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, khi lực lượng cảnh sát thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát theo kế hoạch hoặc theo chuyên đề đã được phê duyệt thì có quyền dừng bất kỳ phương tiện nào đang tham gia giao thông để kiểm tra.

Mọi người tham gia giao thông đều phải có nghĩa vụ chấp hành hiệu lệnh của người thi hành công vụ như CSGT, thanh tra giao thông...

“Nếu không chấp hành mà chống đối, cản trở là hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Nếu mức độ gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, TS. LS Đặng Văn Cường thông tin.

Ngược lại, người tham gia giao thông cũng có quyền khiếu nại, tố cáo nếu như người thi hành công vụ thực hiện không đúng thẩm quyền, không đúng trình tự thủ tục, không đúng lễ tiết tác phong, thực hiện các quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính không phù hợp với quy định pháp luật.

Luật sư cũng nhấn mạnh, mặc dù có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện vụ án hành chính nhưng trước mắt người tham giao thông vẫn phải chấp hành hiệu lệnh.

Nếu người thi hành công vụ sai, có hành vi hành chính không đúng hoặc ban hành quyết định hành chính không đúng mà bị khiếu kiện thì có thể phải xin lỗi, cải chính, bồi thường thiệt hại, phải thu hồi quyết định hành chính theo quy định của pháp luật.

Bổ sung thêm, luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, người nào không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ ở mức độ cản trở hoạt động thi hành công vụ khiến cho hoạt động thi hành công vụ không thể thực hiện được, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì có thể bị xử lý hình sự về tội Chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt tới 7 năm tù.

Điều 330, Bộ luật hình sự quy định về tội Chống người thi hành công vụ như sau:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức

b) Phạm tội 2 lần trở lên

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội

d) Gây thiệt hại về tài sản 50 triệu đồng trở lên

đ) Tái phạm nguy hiểm

Ngoài ra, nếu hành vi cản trở người thi hành công vụ, cụ thể ở đây là cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ mà chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, chưa khiến hoạt động công vụ không thể thực hiện được thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại  Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt hành vi Chống người thi hành công vụ quy định:

- Phạt tiền từ 1-4 triệu đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

- Phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật;

+ Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;

+ Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

- Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ;

+ Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;

+ Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.

 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện