Phát thanh trong kỷ nguyên số: Cơ hội và thách thức
Chiều nay (4/5), hội thảo thứ 3 trong khuôn khổ Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 13 tổ chức tại Nghệ An có chủ đề "Phát thanh trong kỷ nguyên số – Cơ hội và thách thức" đã diễn ra tại Khách sạn Mường Thanh Sông Lam (TP Vinh). Đây là hội thảo quốc tế do Ban Hợp tác Quốc tế, Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) chủ trì.
Các đại biểu dự hội thảo. |
Tham dự buổi hội thảo có đồng chí Trần Minh Hùng – Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN; các diễn giả trong nước và quốc tế và đông đảo phóng viên, BTV, KTV các Đài PT-TH địa phương và trang PT-TH các Bộ, ban ngành.
Đồng chí Trần Minh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN phát biểu khai mạc hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN Trần Minh Hùng khẳng định với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, mạng xã hội đã làm thay đổi truyền thông nói chung, trong đó có phát thanh – truyền hình, dẫn đến thay đổi nhận thức, cách làm chương trình và công chúng thính giả. Điều đó tạo ra những thách thức khó khăn, cơ hội cho phát thanh.
Hiện nay, mỗi cá nhân, người dân ai cũng có thể là nhà báo, Đài PT-TH thu nhỏ chỉ với chiếc smartphone kết nối internet. Vì vậy, những người làm phát thanh cần có cách nhìn mới, cách làm mới để tồn tại, phát triển.
Đồng chí Trần Minh Hùng mong rằng, qua hội thảo, những người làm phát thanh, truyền hình trên cả nước cùng trao đổi, bàn bạc, đánh giá thực trạng phát thanh hiện nay để xác định vị trí của loại hình này trong truyền thông hiện đại; tìm cơ hội, giải pháp để phát triển trong thời gian tới, mục tiêu là thu hút công chúng, tạo nguồn thu.
Toàn cảnh hội thảo. |
Tại hội thảo, lần lượt các chuyên gia, diễn giả trong nước và quốc tế gồm các ông Steve Ahern – Giám đốc Viện phát thanh Truyền hình Quốc tế – Australia; Lê Quốc Minh – Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Masakazu Iwaki - Chủ tịch Hội đồng kỹ thuật của tổ chức ABU và bà Jongran Ha – Đài KBS Hàn Quốc trình bày tham luận.
Ông Steve Ahern – Giám đốc Viện phát thanh Truyền hình Quốc tế – Australia nói về chủ đề "Phát thanh trong kỷ nguyên mới". |
Nói về “Phát thanh trong kỷ nguyên mới”, ông Steve Ahern – Giám đốc Viện phát thanh Truyền hình Quốc tế – Australia đã chia sẻ những cơ hội và thách thức của phát thanh trong bối cảnh truyền thông hiện nay; Xu hướng phát thanh hiện đại và sự chuyển động của các đài phát thanh trên thế giới nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, khẳng định vai trò, vị thế của loại hình báo chí này.
Trong đó, ông Steve Ahern nhấn mạnh sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng thông tin của công chúng, đặc biệt với sự xuất hiện của mạng xã hội đã thay đổi hoàn toàn, được đẩy nhanh hơn và có sự tương tác khiến cho người làm phát thanh phải thay đổi, chuyển động phù hợp với thói quen của công chúng.
Bên cạnh những người trực tiếp sản xuất chương trình phát thanh, người quản lý cũng cần phải thay đổi như: hỗ trợ đội ngũ khai phá, đón đầu xu thế; đề ra mục tiêu rõ ràng; luôn luôn lạc quan về phát thanh; học và lắng nghe cũng chính là những bài học mới.
Ông Lê Quốc Minh – Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam trình bày tham luận "Những thách thức đối với báo chí trong kỷ nguyên số". |
Trình bày “Những thách thức đối với báo chí trong kỷ nguyên số”, ông Lê Quốc Minh – Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nhận định, việc nhiều cơ quan báo chí chỉ có lượt truy cập và không có lượng khán giả nhất định chính là thách thức của báo chí hiện nay. Trước đây doanh thu quảng cáo của các tờ báo in chiếm khoảng 85% thì nay doanh thu quảng cáo trên loại hình báo chí ngày càng giảm. Trong khi đó, nguồn thu bạn đọc online lại ngày càng tăng.
Hiện nay, Facebook, Google chiếm 25% quảng cáo trên thế giới. Tình trạng này sẽ tiếp tục tăng khi người dùng tiếp tục cài những ứng dụng quảng cáo trên các thiết bị số. Sắp tới, TTXVN sẽ là một trong những đơn vị đầu tiên ở Việt Nam tiến hành thu phí một phần trên báo điện tử đối với những kiểu bài tin sâu, điều tra,… để tạo nguồn thu cho đơn vị.
Phó Tổng Giám đốc TTXVN cũng gợi ý một số hoạt động để các cơ quan báo chí thu hút công chúng và phát triển nguồn thu như: tổ chức hội nghị, làm những bài phóng sự đặc biệt, xây dựng web trả tiền, kết hợp thực tế ảo dữ liệu.
Bà Jongran Ha - Đài KBS, Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm triển khai dịch vụ phát thanh số. |
Tại hội thảo, bà Jongran Ha - Đài KBS, Hàn Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai dịch vụ phát thanh số của Đài. Bên cạnh việc thu hút thính giả bằng việc sản xuất những nội dung đa dạng, hấp dẫn, Đài KBS luôn chú trọng tới việc tối đa hóa các phương thức tiếp cận công chúng bằng cách cung cấp các chương trình trên internet và mobile.
Cụ thể, với ứng dụng riêng “My K”, các chương trình của Đài được công chúng tiếp cận dễ dàng và đầy đủ, dễ dàng tương tác và chia sẻ; ứng dụng “Pod cast” dành cho nhóm đối tượng là các bạn trẻ không có thời gian theo dõi chương trình phát thanh trong ngày. Ứng dụng này sẽ giúp các bạn tìm kiếm thông tin khi cần. Bên cạnh đó, ứng dụng “Pod cast” còn có ưu điểm không giới hạn về thông tin sẽ cung cấp cho người dân những vấn đề đang được quan tâm, trong đó có cả chính kiến của những người có lượng người yêu thích, theo dõi đông đảo.
Cùng với đó, các ứng dụng hướng đến các phương tiện công cộng thay thì phương tiện cá nhân để tiếp cận được số đông thính giả Hàn Quốc.
Ngoài ra, KBS cũng tận dụng tối đa lợi thế của internet, mạng xã hội để tiếp cận công chúng, tăng tương tác với công chúng.
Ông Masakazu Iwaki – Chủ tịch hội đồng kỹ thuật của tổ chức ABU chia sẻ một số ứng dụng công nghệ trong phát thanh. |
Chia sẻ thêm kinh nghiệm triển khai dịch vụ phát thanh số, ông Masakazu Iwaki – Chủ tịch hội đồng kỹ thuật của tổ chức ABU cho biết, ABU hiện đang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng hệ thống tự động tổng hợp tin theo từng chủ đề và được công chúng tìm kiếm nhiều. Do hệ thống tự động hóa nên cũng giảm tải lượng công việc cho phóng viên, nhiệm vụ chính là đến nơi xảy ra sự việc để xác định tính chính xác.
Một ứng dụng khác là Hệ thống tự đồng bộ hóa giọng nói (Al Caster) thay thế cho hoạt động của 1 PTV, tự động phát ra thông tin, người theo dõi có thể tưởng tượng ra sự việc xảy ra ở đâu và như thế nào. Đây là một trong những ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phát thanh – truyền hình.
Bà Vũ Tuyết Mai – VOV2, Đài TNVN chia sẻ cảm nhận sau khi nghe tham luận của các diễn giả tại hội thảo. |
Thông qua chia sẻ của các diễn giả, các đại biểu đều cảm nhận được cách làm chương trình phát thanh linh động của các Đài trên thế giới trong kỷ nguyên số. Bên cạnh việc đổi mới nội dung, đòi hỏi những người làm phát thanh trong nước phải thích nghi bắt kịp xu thế, gắn với công nghệ để tiếp cận, thu hút thính giả.
Thùy Dương – Hoàng Thọ
[links()]