30 năm hải chiến Gạc Ma, Trường Sa: Tháng Ba khắc khoải
Ít có ai để ý, đúng 30 năm sau sự kiện lịch sử bi hùng tại đảo đá chìm Gạc Ma, thì năm nay lần đầu tiên ngày dương (14/3) và ngày âm (27 tháng Giêng) trùng lại.
Đúng 30 năm trước, ngày 14/3/1998, nhằm ngày 27 tháng giêng âm lịch, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm đảo đá chìm Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong một cuộc chiến không cân sức để bảo vệ đảo đá Gạc Ma, 64 chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh, họ đã nằm lại mãi mãi nơi đáy biển sâu. Từ đó, ngày dương và âm lịch (14/3 và 27 tháng Giêng) cứ lệch nhau xa dần, có năm xa nhau cả 30 ngày. Ít có ai để ý, đúng 30 năm sau sự kiện lịch sử bi hùng đấy, thì lần đầu tiên ngày dương (14/3) và ngày âm (27 tháng Giêng) trùng lại.
Cụ Hà Thị Liên (92 tuổi, trú huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) - mẹ liệt sĩ Đào Kim Cương không kìm được xúc động, nghen ngào. |
Tượng đài của lòng yêu nước
Hôm nay, kỷ niệm 30 năm trận hải chiến giữ đảo đá Gạc Ma cũng chính là ngày giỗ của 64 anh linh liệt sỹ đã hy sinh trong trận chiến này. Mọi sự hy sinh, mất mát đau thương đều không thể "đo lường" được nỗi lòng của những người thân ở lại, nhưng trận hải chiến Gạc Ma, Trường Sa với 64 người anh dũng ngã xuống vì mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc lại chưa chính thức có một ngày tưởng niệm, tôn vinh các anh theo nghi thức nhà nước, dù chỉ là cấp địa phương. Bởi vậy, tháng 3 luôn khắc khoải đối với những người trong cuộc.
Phải đến những năm 2010, 2011 thì những thước phim thực tả về trận chiến Gạc Ma, Trường Sa mới được lan truyền trên mạng Internet. Nhiều người dân Việt Nam mới có thể "chứng kiến", cảm nhận được một phần nào sự thật về cuộc chiến khốc liệt, không cân sức này.
Thân nhân các gia đình liệt sỹ Gạc Ma đến viếng khu tưởng niệm Chiến sỹ Gạc Ma tại Cam Ranh. |
Bộ đội Việt Nam đang dầm mình trong nước biển đến thắt lưng, tay nắm tay nhau giữ đảo và lính Trung Quốc thì đứng trên tàu chiến, dùng súng phòng không bắn thẳng vào nhóm người tay không đứng trong nước ấy. Tiếng đạn pháo đì đùng, chát chúa xé toạc mặt biển, lướt dọc, ngang như rải thảm từng hồi, nước vọt cao thành cột hàng chục mét... Không người con dân Việt nào có thể cầm được nước mắt mỗi lần xem. Với tôi, dẫu là xem lại nhiều lần vẫn còn nguyên cảm giác như ai đó bóp nghẹt trái tim mình. Uất nghẹn, xót xa, đớn đau... tràn ngập.
Chính vì thế mà mỗi năm những người làm báo chúng tôi đã lặng lẽ lần tìm đến các cựu binh Trường Sa, những người may mắn sống sót sau trận chiến Gạc Ma 1988. Có một thực tế quặn lòng, rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh lịch sử nào, hình ảnh những người con nước Việt đã ngã xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc đều đi vào bất tử trong lịch sử dân tộc. Song bên cạnh những vinh dự to lớn về sự hy sinh quả cảm vì tổ quốc, dân tộc, vì sự toàn vẹn lãnh thổ của các anh, thì vẫn còn đó nhiều quân nhân khó khăn vất vả trong cuộc mưu sinh sau ngày trở về, nhiều gia đình thân nhân họ còn cơ cực trong cuộc sống cho đến ngày hôm nay...
Thân nhân các gia đình liệt sỹ Gạc Ma đến viếng khu tưởng niệm Chiến sỹ Gạc Ma tại Cam Ranh. |
Tháng 3/2014, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm Lòng Vàng phát động chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa". Với mục đích xây dựng một tượng đài trong quần thể một công viên văn hóa tâm linh, nhằm tưởng nhớ những chiến sĩ hy sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở vùng biển đảo quê hương Việt Nam, tri ân và tôn vinh 64 liệt sỹ đã hy sinh và những quân nhân còn sống sót trong trận hải chiến Gạc Ma - Trường Sa, thăm hỏi và hỗ trợ thân nhân và gia đình các liệt sỹ Trường Sa...
Với nhiều ý nghĩa như vậy, nên vừa phát động, chương trình đã được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ đồng bào cả nước. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng nghìn công đoàn cơ sở trong cả nước đồng tình hưởng ứng chương trình, hàng trăm nghìn đoàn viên lao động và nhân dân chung tay "góp những viên đá" xây dựng khu tưởng niệm. Nhiều cựu binh, thân nhân gia đình liệt sỹ Gạc Ma đã được giúp đỡ, xây dựng nhà cửa, hỗ trợ vốn để cải thiện đời sống.
Tháng 3/2017, khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma với tượng đài “những người nằm lại phía chân trời” đã hoàn thành xây dựng. Sau khi khánh thành, lập tức nơi đây trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh mà hàng trăm ngàn khách du dịch, thanh thiếu niên đã viếng thăm, ngưỡng vọng.
Mục đích của chương trình Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa mà tổ chức Công đoàn phát động khi xây dựng khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma là thắp sáng ngọn lửa thiện nguyện, lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, giáo dục ý thức tự hào lịch sử dân tộc và phát huy truyền thống gìn giữ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của những thế hệ cha ông, có thể nói đã thành hiện thực.
Giữ cho ngọn lửa yêu nước được vĩnh cửu
Tháng 3 năm 2014, khi tổ chức chương trình giao lưu "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa" tại TP Đà Nẵng - tôi điện thoại ra Hải Phòng để mời Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Huy Lễ tham dự. Ông lặng người rất lâu ở đầu dây bên kia, rồi lưỡng lự trả lời rằng cho ông một ngày để suy nghĩ. Nhưng rồi ông đã dàn xếp để dành thời gian để vào với các đồng đội thời Gạc Ma.
Tàu HQ505 do Đại tá Vũ Huy Lễ làm thuyền trưởng (lúc đó, ông Lễ mới mang lon Đại úy) là một trong 3 con tàu vận tải của lực lượng Hải quân Việt Nam tham gia làm nhiệm vụ tại các đảo đá chìm Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa năm 1998.
Trong trận chiến bi hùng đó, tàu HQ505 của ông Lễ không bị đánh chìm, nhưng trọng thương vì đạn pháo của Trung Quốc. Theo lời ông Lễ, HQ505 trúng đạn đã nghiêng, ông thoáng nghĩ, nếu để tàu chìm thì chẳng những mất đảo mà chiến sĩ cũng hy sinh hết. "Tôi phát lệnh bằng mọi giá lao tàu lên đảo”. Đó là quyết định trọng đại nhất đời binh nghiệp của ông Lễ. Hình ảnh con tàu HQ505 lao mình lên đảo Cô Lin, biến thành bệ pháo, thành một “chiến hạm không thể đánh chìm” đã và mãi mãi trở thành một biểu tượng của lòng quả cảm.
Ngay khi giữ được Cô Lin, thuyền trưởng Lễ quyết định hạ xuồng cứu sinh chạy sang Gạc Ma, cách đó chừng 4 hải lý để cứu đồng đội trong khi súng Trung Quốc vẫn tứ bề không ngừng nổ. Và 44 người, cả thương binh lẫn liệt sĩ đã được vớt đưa về tàu 505.
Theo thuyền trưởng Lễ, thực tế trước khi diễn ra trận hải chiến năm 1988, HQ505 chỉ làm nhiệm vụ đưa bộ đội công binh và vật tư công trình đến đảo Đá Lớn. Vừa hoàn thành công việc thì sáng 13/3/1988, tàu nhận được lệnh đến đảo Cô Lin. Trên đường HQ505 di chuyển, tàu Trung Quốc tìm cách ngăn chặn, khiêu khích. Đến 18h cùng ngày, dù bị Trung Quốc gây nhiễu làm mất liên lạc với sở chỉ huy song tàu vẫn đến đúng vị trí và hoàn thành nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền trên đảo Cô Lin sáng sớm 14/3.
Hôm trước của buổi giao lưu, ông Lễ kéo tôi lại gần hỏi như thì thầm vào tai: "Mai tôi lên sân khấu giao lưu, người ta hỏi về cuộc đối đầu với quân địch trong trận Gạc Ma, tôi gọi là "đối phương" hay gọi thẳng là quân “Trung Quốc”?. Câu hỏi có phần "hồn nhiên" của người lính già ở cái tuổi thất thập cổ lai hy làm tôi phát khóc. Sau trận hải chiến Gạc Ma, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ông đã đi báo cáo thành tích, giao lưu ở rất nhiều diễn đàn trong quân đội lẫn dân sự.
Cuối cùng rồi ông Lễ cũng đã gọi thẳng tên quân xâm lược để kể về cuộc chiến giữ đảo Gạc Ma. Nhưng ông tâm sự, chúng tôi không muốn khắc sâu mối hận thù, nhưng phải nhắc đúng sự thật lịch sử để nhắc nhở cho thế hệ sau nhớ, biết rằng một phần lành thổ của Việt Nam là Hoàng Sa, Gạc Ma… Trường Sa vẫn chưa về với đất mẹ.
Năm nay, trong chương trình nghệ thuật “Biển gọi” nhân kỷ niệm 30 hải chiến Gạc Ma có một phần giao lưu với các cựu binh Gạc Ma. Một trong những cựu binh ấy là Nguyễn Văn Dũng - Khánh Hòa.
Cựu binh Nguyễn Văn Dũng - người thế mạng liệt sỹ Phan Tấn Dư. |
Ông Dũng lẽ ra đã là liệt sỹ Gạc Ma khi được phân công làm cán bộ truyền tin trên tàu HQ 604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ. Nhưng đêm trước khi xuất hành, người đổ bệnh, không nói được. Vị trí liên lạc của anh đã thay thế bằng đồng đội - Phan Tấn Dư. Người “thế mạng” ông Dũng đã hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ đảo đá Gạc Ma năm 1988.
Được may mắn sống sót, sau ngày xuất ngũ trở về, ông Dũng cũng lại “thế mạng” liệt sỹ Dư để chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già của liệt sỹ Dư gần 30 năm qua. Chia sẻ điều này, ông Dũng thật giản dị, rằng mỗi người con đất Việt sống trong hòa bình hôm nay đều phải nhớ đến công lao của những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc. Trách nhiệm chăm lo thân nhân các gia đình liệt sỹ là của toàn xã hội, huống gì tôi, người đã chịu ơn thế mạng của bạn Phan Tấn Dư.
Thắp sáng ngọn lửa thiện nguyện, lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, giáo dục ý thức tự hào lịch sử dân tộc và phát huy truyền thống gìn giữ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của những thế hệ cha ông… là một trong những mục đích lớn mà những người tổ chức chương trình giao lưu của chúng tôi hướng đến chứ không phải “chỉ thẳng” tên quân địch, khơi gợi hận thù.
Theo Đại đoàn kết