Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Quốc hội tiếp tục thảo luận về KT-XH trong cả ngày thứ Bảy

08:19, 27/10/2018

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội dành cả ngày 27/10 để thảo luận tiếp về các vấn đề về kinh tế - xã hội hằng năm và giữa kỳ.

 

Tại phiên thảo luận ngày 26/10, có ý kiến nhấn mạnh qua khảo sát nhà ở người có công, người nghèo, lao động ở khu công nghiệp cho thấy nhà ở vẫn là thách thức đối với người dân Việt Nam.

 

Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi dẫn chứng về nhà ở với người có công với cách mạng, đến hết tháng 9/2018, vẫn còn 38% tương đương 149.000 hộ chưa được triển khai và đến cuối 2018 không thực hiện mục tiêu đề ra. Vì vậy, ông Lợi đề nghị Chính phủ chỉ đạo để địa phương làm đủ nhà ở cho người có công vì nguồn lực đã được cân đối đủ.

 

Vấn đề nhà ở cho người nghèo, đến giữa năm nay đã có 74.000 hộ được vay vốn để làm nhà với  mức cho vay là 25 triệu mỗi hộ. Theo người dân thì mức này không đủ để làm nhà nên ông Lợi đề nghị Chính phủ nâng mức vay.

 

Nhà ở cho các khu công nghiệp, nhà ở xã hội, đến 7/2018 đã hoàn thành 186 dự án, quy mô 75.000 căn, hiện mới đạt 30%. Dự kiến 2020 làm khoảng 250.000 căn hộ, đây là là thách thức lớn. Theo ông Lợi, vướng mắc ở cơ chế chính sách nên Chính phủ cần xây dựng đề án báo cáo Quốc hội để giải quyết.

Toàn cảnh hành phiên họp sáng 26/10 (Ảnh: Quochoi.vn)
Toàn cảnh hành phiên họp sáng 26/10 (Ảnh: Quochoi.vn)

Còn đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói nhiều hạn chế trong giáo dục, y tế đã được chỉ ra, cụ thể chất lượng giáo dục đại học chưa cao, cơ cấu chưa hợp lý, biên chế giáo viên thừa thiếu cục bộ, sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, an ninh bệnh viện... gây bức xúc trong dư luận. Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp nhưng theo ông Hiếu các giải pháp vẫn chưa hợp lý và thiếu tính đột phá.

Vị đại biểu này đề nghị cần phải phân tích chính xác nguyên nhân gây các bất cập, thiếu sót vừa xảy ra để tìm ra mắt xích bị lỗi trong quá trình vận hành. Đơn cử như trong báo cáo thẩm tra của Quốc hội đánh giá quy trình thi THPT quốc gia chặt chẽ nhưng còn sơ hở trong bảo mật, vậy ai là người chịu trách nhiệm cho sơ hở này, hay lỗi do khách quan, quy trình. Chỉ rõ người chịu trách nhiệm mới đề ra biện pháp khắc phục, lấy lại được lòng tin của người dân.

Về tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy thời gian qua, đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Bạc Liêu) đánh giá đạt nhiều kết quả, nhưng còn chậm, bộ máy nhà nước vẫn cồng kềnh; đặc biệt chưa tinh giản được những trường hợp có đạo đức công vụ, năng lực yếu kém, ngân sách nhà nước chi cho lương vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Cho rằng tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai vì đây là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, nhưng theo vị đại biểu này, đã đến lúc phải nhận thức rõ tiền thuế của nhân dân không thể chịu nổi khi hàng năm chi thường xuyên chiếm hơn 60% ngân sách, chi đầu tư phát triển không còn nhiều.

Cũng tại phiên thảo luận, trả lời băn khoăn của các đại biểu về kỳ thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, kỳ thi được tổ chức, thực hiện theo đúng nghị quyết Trung ương trong đó nêu rõ tổ chức thi và xét tốt nghiệp phải ít tốn kém cho xã hội và làm cơ sở cho xét tuyển đại học.

Bộ đã đặc biệt chú trọng đến công tác chuẩn bị câu hỏi, bảo mật đề thi, bên cạnh chấm thi và các công tác khác. Khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm, Bộ đã báo cáo Chính phủ và phối hợp với Bộ Công an xử lý ngay.

Hiện có 11 cán bộ sai phạm đã bị xử lý trong đó Hà Giang 2, Sơn La 6 và Hòa Bình 3. Ngoài ra, công an đang trong quá trình điều tra, xử lý đối với bài thi trắc nghiệm của Sơn La và Hoà Bình.

"Tôi phản đối và kiên quyết chống tiêu cực", ông Nhạ nói và cho biết Bộ đã rà soát lại toàn bộ quy trình và khắc phục để kỳ thi dần tốt hơn. Năm tới, Bộ đã xin ý kiến của Phó thủ tướng tiếp tục ổn định kỳ thi với những khắc phục cần thiết. Đề thi sẽ bám sát kiến thức phổ thông, trên cơ sở kết quả, các trường đại học, cao đẳng sử dụng để xét tuyển.

Về vấn đề nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay, hết tháng 9 nông nghiệp tăng 3,65% là mức cao trong nhiều năm gần đây.

Về tái cơ cấu nông nghiệp, tổng kết 5 năm cho thấy cơ cấu lại ngành đang đi đúng hướng, sản xuất nông nghiệp có tăng trưởng; nông sản đã xuất khẩu đi 180 quốc gia. Tổng giá trị nông sản xuất khẩu đạt 200 tỷ USD trong 5 năm.

Liên quan tới phát triển nông thôn mới, ông Nguyễn Xuân Cường nêu một số thách thức, nếu không cẩn trọng dẫn tới thực trạng tăng khoảng cách giàu nghèo tại các nơi vùng sâu, vùng xa khi thưc hiện nông thôn mới. Dù vậy, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Quốc hội, hơn 40% số xã đã đạt chỉ tiêu nông thôn mới. Người đứng đầu ngành nông nghiệp tin rằng, về cơ bản sẽ "cán đích" hoàn thành mục tiêu 50% số xã đạt nông thôn mới trước một năm.

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng cho rằng, với diễn biến biến đổi khí hậu phức tạp sẽ ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và ngay thời điểm này phải có ý thức giữ thành quả 2018, có giải pháp ngay củng cố và giữ thành quả này trong năm 2019./.

Theo VOV