Cần có giải pháp tối ưu thực hiện mục tiêu tăng trưởng của tỉnh năm 2019
Chiều nay (10/12), Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021 tổ chức thảo luận tại tổ. Tại tổ 1, đồng chí Ngọc Kim Nam – Bí thư huyện ủy Đô Lương chủ trì buổi thảo luận.
Tổ 1 gồm các đại biểu HĐND tỉnh được bầu ở huyện Đô Lương, TX Hoàng Mai, TX Thái hòa. Cùng tham dự buổi thảo luận tổ có đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ 1. |
Trong buổi thảo luận, nhiều đại biểu cho ý kiến về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu tăng trưởng kinh tế tỉnh Nghệ An năm 2019. Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu ở tổ thảo luận quan tâm.
Đại biểu Trần Duy Ngoãn (Thị xã Hoàng Mai) cho rằng, kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An năm 2018 đạt kết quả khả quan, nguyên nhân chính do một số chương trình dự án thu hút đầu tư đã phát huy tác dụng. Đây là nỗ lực sự đổi mới trong điều hành của UBND tỉnh, ngành, địa phương. Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, mục tiêu trong năm tới, tỉnh Nghệ An phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP): 9,0% - 9,5%.
Đại biểu Trần Duy Ngoãn cho rằng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 còn thấp. |
Theo đại biểu Trần Duy Ngoãn, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2018 ước đạt 8,77% thì mục tiêu tăng trưởng năm 2019 còn thấp. Cùng với đó, GRDP bình quân đầu người năm 2019 phấn đấu đạt mức 42-43 triệu đồng, trong khi GRDP bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 38 triệu đồng. Đại biểu đề nghị cần làm rõ các mục tiêu để tạo đột phá cho bức tranh kinh tế Nghệ An trong năm tới.
Về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cho biết: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 đặt ra dựa trên cơ sở thực tế sự phát triển của tỉnh. Những năm gần đây, Nghệ An có đặc thù riêng như: dựa vào mốt số ngành, hoạt động doanh nghiệp như gỗ, tôn, xi măng đóng góp nhiều những không tăng thu (giai đoạn này đang là nền tảng để doanh nghiệp bứt phá trong thời gian tới); Nông nghiệp tăng trưởng lớn nhưng lĩnh vực này được miễn thuế hay một số đơn vị đầu tư khu công nghiệp VSIP, Hemaraj thuộc diện thu hút, ngành may mặc… không tăng thu nên tỉnh thống nhất mức tăng trưởng năm 2019.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý trao đổi tại buổi thạo luận tổ. |
Tại buổi thảo luận, Chủ tịch UBND Thái Thanh Quý cũng đề cập đến một số vấn đề nổi cộm như: Việc BHXH, BHYT nợ đọng lớn, UBND tỉnh, Sở y tế, bảo hiểm đang bàn bạc để đưa ra phương án giải quyết, đặc biệt trong năm 2019 sẽ triển khai các giải pháp và hình thức xử lý quyết liệt. Việc chỉ đạo điều hành trong cải cách hành chính: Cần minh bạch dựa trên nền tảng khoa học công nghệ. Ủng hộ sử dụng CNTT nâng cao chất lượng điều hành; Xử lý triệt để để giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn lao động, tránh thay đổi hạ tầng…
Đại biểu Ngọc Kim Nam (huyện Đô Lương) nêu khó khăn trong cơ giới hóa, liên kết doanh nghiệp, hợp tác ký lại, thuê lại đất của người dân; Công tác quy hoạch trên địa bàn huyện chưa tốt gây khó khăn cho nhà đầu tư. Vấn đề nước thải – Rác – Nghĩa trang ảnh hưởng quy hoạch chiến lược dài hạn. Khu đân cư tập trung nước thải trực tiếp ra ngoài thiên nhiên; Cần có quy hoạch xử lý rác theo vùng; Tăng cường tuyên truyền hỏa táng đến người dân để giảm bớt việc chôn cất. Đại biểu Nam cũng đề nghị tỉnh có hướng dẫn sát nhập xóm, xã (nguồn lực, trụ sở, thể chế…) để địa phương có định hướng thực hiện tốt nhất, không gây ảnh hưởng đến phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu huyện Đô Lương nêu bức xúc của người dân địa phương về việc ô nhiễm môi trường của nhà máy xi măng Sông Lam (tiếng ồn, khói, bụi…).
Đại biểu huyện Đô Lương nêu bức xúc của người dân địa phương về việc ô nhiễm môi trường của nhà máy xi măng Sông Lam (tiếng ồn, khói, bụi…). |
Về vấn đề này, đại diện Chi cục bảo vệ môi trường cho biết: Nhà máy do công ty CP Sông Lam làm chủ dự án ngày 4/2/2016, đã tiến hành vận hành thử nghiệm tháng 10/2016. Nhiều vấn đề về ô nhiễm đã được cử tri phản ánh. Trong công tác chỉ đạo xử lý, Sở tài nguyên Môi trường đã trực tiếp xử lý. Về cơ bản công ty và chủ đầu tư niêm yết công khai quá trình xử lý ô nhiễm môi trường, khắc phục tình trạng cử tri phản ánh.
Đại diện Chi cục bảo vệ môi trường Nghệ An giải trình thêm về vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực dân cư xung quanh nhà máy xi măng Sông Lam. |
Đến thời điểm này, nhà máy đang tập trung hoàn thành các hạng mục xử lý nước thải, đang lắp đặt thiết bị quan trắc theo dõi môi trường, xây dựng đê kè cách ly nhà máy với khu dân cư; Cơ quan chức năng lấy mẫu nước thải đột xuất, nếu phát hiện gây ô nhiễm sẽ xử lý nghiêm; Yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành hồ sơ gửi về Bộ TN-MT để có chứng chỉ chứng nhận đảm bảo môi trườn; xóm, xã trực tiếp giám sát quá trình khắc phục. Về đề nghị di dời tái định, chủ đầu tư đã kiểm kê, di dời một số hộ trong pham vi ảnh hưởng. Còn lại một số trường hợp còn vướng mắc do vướng quy chuẩn giữa môi trường, xây dựng ,đang xin ý kiến điều chỉnh để phù hợp với thực tế, đảm bảo quyền lợi cho người dân./.
Nhóm PV